CCB Nguyễn Xuân Thược đang trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả cho các hội viên

     Biết tin ông Thược được đi dự đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hà Tĩnh lần thứ VII và là đại biểu được vinh danh điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020, chúng tôi tìm về thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên. Trao đổi qua điện thoại, ông đứng chờ chúng tôi từ đầu ngõ, người ông thấp, đậm, tình tình xởi lởi vui vẻ. Vừa ân cần mời chúng tôi vào nhà, ông vừa nói: “ biết tin các anh về, một số anh em trong Chi hội CCB thôn Đông Vinh cùng dến để chia vui “. Căn nhà nhỏ của ông Thược, bà Kiện chẳng mấy chốc đầy tiếng cười nói, có mặt cả Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng, Chi hội trưởng CCB, anh em không ngớt lời chúc mừng ông Thược được vinh dự đại diện cho cả xã, cả huyện đi dự đại hội thi đua yêu nước của tỉnh, rồi lại được lên báo, thật mừng cho cả Chi hội CCB và bà con thôn Đông Vinh.

.       Ông Thược sinh năm 1953, 18 tuổi ông xung phong lên đường nhập ngũ; phải khó khăn lắm ông mới thuyết phục được đơn vi tuyển quân chấp nhận cho một người có sức khoẻ " B2 " vào đơn vị, nhưng cũng vì lý do này mà sau thời gian huấn luyện, ông Thược được đơn vị... cho trở về hậu phương. Ông còn nhớ lời ông Trung đoàn trưởng căn dặn trước khi rời đơn vị: " Chiến tranh còn lâu dài, cậu về lo rèn luyện sức khoẻ, có thời cơ lại lên đường, hẹn gặp ở chiến trường nhé..."

     Đến năm 1978, đang từ công ty Thuỷ lợi Hà Tĩnh ông lại được gọi tái ngũ, và lần này sau mấy tháng huấn luyện ông được đi thẳng vào chiến trường, tham gia chiến đấu giải phóng giúp nhân dân Căm pu chia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng. Trong một trận đánh ở tỉnh Ta Keo ông bị thương phải ở lại phía sau, đến năm 1982 thì được xuất ngũ. Thời gian đi lính không nhiều nhưng đối với ông là những ngày đáng nhớ và rất tự hào vì đã tham gia làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn.

     Về địa phương, gánh nặng gia đình càng làm ông phải bươn chải đó dây để tìm kế sinh nhai, nuôi con ăn học, khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ ông từ bỏ ý định rời khỏi quê hương; ngược lại ông càng gắn bó với ruộng đồng, vườn tược, chăm chỉ lao động để nuôi sống gia đinh. Chưa vượt qua được được thử thách bước đầu thì đùng một cái, ông bị bệnh hiểm nghèo, lại vào viện, oằn mình chống chọi với căn bệnh ung thư. Những thứ quý giá nhất trong nhà đều phải đánh đổi để vợ con chăm sóc ông những ngày nằm viện.

      Vợ ông, bà Nguyễn Thị Kiện xen vào câu chuyện: "Có nhiều lúc bi quan nghĩ không qua được, may ông nhà tôi ăn ở hiền lành, chịu khó nên trời thương, gặp được thầy thợ nên bệnh ông thuyên giảm, qua được cửa ải tử thần về với vợ con..."

      Bắt đầu từ những năm 2010, Đảng và Chính phủ phát động công cuộc toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đang loay hoay vơ'í mảnh vườn có diện tích trên 7.000 m2, chưa biết làm gì thì ông nhận được tin: gia đình ông được xã xét diện hộ nghèo, được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng, ông mừng như thể được vàng, ông bắt tay ngay vào công cuộc phát triên kinh tế vườn hộ theo tiêu chí nông thôn mới.

CCB Nguyễn Xuân Thược được vinh danh điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020

      Ông quyết định đầu tư con giống lợn, bò, máy móc thiết bị cải tạo vườn tạp, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn được vay. Lúc đầu ông trồng lạc, đậu, giàn bí, lắp hệ thống tưới tự động nhưng hiệu quả không cao. Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, được tư vấn trực tiếp và học tập các mô hình làm vườn, tiếp cận với các loại cây giống hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó là chuyển đổi sang trồng một số cây giống mới và quy hoạch vườn khoa học hơn. Ông quy hoạch trồng cây rau màu tập trung ở một khuôn viên vườn, cây lưu niên về một phía như: ổi, nhãn, bưởi, cam, hồng xiêm, thanh long và một số loại cây khác. Ứng dụng hệ thống tưới tự động, làm rãnh thoát nước trong vườn, nên rất thuận tiện trong công tác làm vườn và cây phát triển nhanh. Là thương binh bị bệnh hiểm nghèo, thuộc hộ nghèo, nay ông đã ổn định được sức khỏe, có thu nhập hàng ngày từ vườn được 300-350 ngàn, trung bình mỗi năm thu nhập từ hoạt động sản xuất, làm vườn của gia đình tôi đạt trên 150 triệu đồng; chưa tính đến nguồn thu tư chăn nuôi lợn, gà, ao cá và mẫu ruộng, các con có công việc ổn định và có vị trí trong xã hội.

Ngoài việc chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu cây trồng, phương thức canh tác, sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, ông còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, hình thành vườn mẫu và các hoạt động chung của chính quyền địa phương, cộng đồng thôn xóm; thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo cách thức sản xuất, nhân rộng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và liên kết tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, góp phần giúp các hộ nghèo cùng hoàn cảnh từng bước vượt qua khó khăn, cùng vươn lên thoát nghèo.

Có rất nhiều nhân chứng cho việc làm giàu từ công tác làm vườn, để cải thiện thu nhập gia đình, nhất là trong phòng trào xây dựng nông thôn mới, người dân có nhiều cơ hội, người nghèo được sự quan tâm giúp đỡ của toàn thể xã hội, vì thế cơ hội để thoát nghèo cũng không phải là khó. Điều mong muốn của ông là chuyển tải thông điệp đến các hộ nghèo trong toàn tỉnh rằng, chúng ta hãy luôn tự tin vào chính khả năng của mình, có lựa chọn hướng đi đúng đắn cùng với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, cộng đồng xã hội và mạnh dạn trong công tác làm kinh tế, nhất là người nông dân có ruộng có đất hãy thay đổi tư duy, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao thu nhập từ nghề nông. Nhất là hiện nay chúng ta đang triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất nhằm giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; trên cơ sở đó hướng đến sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, để có thị trường tiêu thụ ổn định.

Là một trong những người đã đi qua chiến tranh, chịu nhiều vất vả thiếu thốn, ông Thược càng hiểu như thế nào là mất mát, đói khổ. Rất nhiều đồng chí đồng đội đã phải nằm xuống nhưng ông may mắn được trở về với gia đình để hoà mình vào cuộc sông, biết giá trị của hòa bình hạnh phúc như thế nào. Khi không may bị bệnh, ông được xét diện hộ nghèo, ông lấy làm cảm kích trước sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, của bà con làng xóm. Nhưng dù bị bệnh tật, dù ở hộ nghèo, ông không ỷ lại vào xã hội, vẫn lao động làm vườn, vẫn đi điều trị định kỳ, với niềm tin sẽ chiến thắng bệnh tật và vươn lên làm giàu cùng quê hương đất nước.

Khi được hỏi nếu báo cáo kinh nghiệm làm vườn trước đại hội, ông sẽ tâm đắc về điều gì? Ông Thược không ngần ngại mà nói ràng: “ Cần phải có niềm tin, niềm tin vào Đảng, Chính phủ; niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp, sáng ngời bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Nếu chỉ có làm ruộng, làm vườn thì bà con nông dân, bạn bè đồng đội hãy biết tận dụng những tấc đất quý làm cho nó ngày càng màu mỡ và học tập cách nuôi trồng cho phù hợp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao; xã hội ngày càng phát triển chúng ta có nhiều cơ hội vươn lên để làm giàu, để thoát nghèo…

                                                      Bài và ảnh: Lê Anh Thi