Chiến sĩ Quân giải phóng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972.
Bài thơ trên của nhà thơ Nga Vinokurov Evgheni được nhà thơ Bằng Việt dịch, in trong tập "Thơ trữ tình thế giới thế kỉ XX" do NXB Văn học ấn hành năm 2005. Vinokurov Evgheni vốn là chiến sĩ tham gia chiến đấu và trưởng thành trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống phát xít Đức.
Sau chiến tranh, ông vào học tại Học viện Viết văn Macxim Gorky tại Matxcơva. Ông tốt nghiệp năm 1951, được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 1987. Bài thơ trên được đông đảo bạn đọc ưa thích và đánh giá rất cao ở tầm suy tưởng và tư cách công dân.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ viết: ...Thế kỷ hai mươi. Ai phiêu bạt trên đường/ Giữa lửa cháy, có khi nào sực nghĩ:/ Làm thú vật, làm Thánh Thần cũng dễ/ Chỉ có làm người, khó biết bao nhiêu!
Tại sao làm người lại khó thế? Phải chăng vì không phải làm người trong khung cảnh bình thường mà trong cảnh “lửa cháy”, con người lại luôn phải “phiêu bạt”. Con người lại không có những quyền phép của Thánh Thần, con người lại không thể chỉ sống bản năng như loài vật, con người là một sinh vật có tính xã hội, không thể chỉ biết có mình.
Thế kỉ XX chứng kiến cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người ở quy mô thế giới, đó là cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2. Liên Xô mà nòng cốt là nước Nga Xô viết đã phải tiến hành cuộc chiến tranh không những để giữ nước mà còn góp phần không nhỏ cứu loài người khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa Phát xít, đứng đầu là nước Đức Hít-le. Thế hệ tham gia trận chiến vĩ đại ấy quả thật là: “Quá nhiều khổ đau, mất mát.../ Tất bật suốt đời, không yên trên mặt đất/ Dù tóc bạc da mồi vẫn đầu gối săn gân!”.
Cả tuổi trẻ, cái thời sung sức nhất cả về sức lực lẫn trí lực đã dốc hết vào cuộc chiến tranh, vào những việc “...đẩy pháo qua dốc trơn, đồng trống” rồi băng qua “...bao đột phá khẩu kinh người” rồi trải qua ngàn đêm trinh sát bạc hết cả tóc để “...kẻ thù ngông ngạo nhất, im hơi!...”. Chiến đấu anh dũng thế, hào hùng thế nhưng đánh trận xong họp bình bầu công trạng, kiểm điểm trận đánh thì những người lính đấy lại “...ngồi lặng rất lâu, không dám thốt nên lời!”.
Không chỉ buổi kiểm điểm sau trận đánh, mà ngay cả khi kết thúc chiến tranh, đất nước ăn mừng thắng trận rồi lao vào công cuộc học tập, xây dựng tái thiết đất nước thì các anh, những người lính ấy: “…lùi về làm kẻ đứng sau lưng” để có lúc thấy “bâng khuâng, tủi hổ”, phải chăng tự thấy mình có lúc đã lạc hậu với cuộc sống nhưng tự sâu thẳm trong lòng các anh là niềm tự hào khôn xiết: “Giấu niềm tự hào trong mắt ướt rưng rưng”.
Đoạn kết bài thơ tác giả viết: “Có lúc trót say, nói cười lảm nhảm/ Nhấp chén rượu trên môi, đầy kỷ niệm đắng lòng/ Hát lại khúc ca xưa, nghiêm nghị trào nước mắt/ Nghiêm nghị từng vết nhăn”.
Đọc đoạn thơ trên, chúng ta cũng thương các anh trào nước mắt. Trong những cuộc rượu vui mà các anh không thể quên được những “kỷ niệm đắng lòng”. Những người lính thường là những người chịu nhiều hy sinh, thua thiệt nhất vì nền độc lập của dân tộc, vì cuộc sống hòa bình của nhân loại nói chung và nhân dân nước mình nói riêng.
Đọc bài thơ trên, có lẽ bạn đọc Việt Nam đồng cảm với tác giả nhất vì chúng ta cũng phải tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước rồi sau đó là cuộc chiến tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt từng gây hại cho cả đất nước ta.
Xin được kết thúc bài viết này bằng những câu thơ của nhà thơ Huy Cận viết trong những ngày đất nước còn trong khói lửa chiến tranh: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại hái hoa/ Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”.
24 tháng 12 năm 2019
Văn Minh Thiều