Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần hồi 2h 52, ngày 7/8 (tức ngày 18/6 năm Canh Tý)

Sáng sớm, đang tập thể dục trước sân nhà, Đại tá, Cựu chiến binh (CCB) Cao Xuân Đại, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) nhận được cuộc điện thoại của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp từ Hà Nội. “Anh Đại ơi! Anh biết tin gì chưa? Anh Phiêu đã đi xa thật rồi!...”. Ông Đại lặng người và thẫn thờ vì sẽ không bao giờ được gặp người thủ trưởng, người anh, người đồng đội đáng kính của mình nữa.

Đại tá, CCB, Cao Xuân Đại bùi ngùi chia sẻ rằng, trong chiến đấu, dù đồng chí Lê Khả Phiêu là cán bộ cấp trên và sau này phát triển giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng anh Phiêu luôn là một con người giản dị, gần gũi, quý trọng đồng đội và đặc biệt không bao giờ quên quá khứ. Ông Cao Xuân Đại vẫn còn nhớ như in ngày 17-5-1970, đồng chí Lê Khả Phiêu, lúc đó là Trưởng phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên đến động viên, giao nhiệm vụ cho Đại đội 2 (Tiểu đoàn 4) và Đại đội Đặc công thuộc Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 đánh chiếm điểm cao 440 ở phía Tây huyện Hải Lăng (Quảng Trị) để tiêu diệt tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 54 ngụy. Gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đồng chí Lê Khả Phiêu mở đầu: “Ngày mai ta phải dồn toàn lực, toàn tâm bằng mọi sức mạnh để đánh bại sinh lực địch ở điểm cao 440, mở rộng vùng giải phóng...”. Đang nói bỗng đồng chí dừng lại và chỉ tay vào một cán bộ và hỏi: “Đồng chí có biết ngày kia là ngày gì không?” “Báo cáo thủ trưởng: Ngày kia là ngày 19-5 là ngày sinh nhật lần thứ 80 của Bác Hồ Kính yêu ạ!” - Cán bộ kia trả lời.

“Chiến thắng là món quà ý nghĩa và thiết thực nhất chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Các đồng chí đã quyết tâm và sẵn sàng vào trận chưa ạ!”-Đồng chí Trưởng phòng Tổ chức vừa dứt lời cả đơn vị cùng đồng thanh: “Sẵn sàng ạ!”. Và rồi, chỉ sau một đêm, toàn bộ lực lượng địch ở điểm cao 440 bị tiêu diệt gọn.

Nói về người thủ trưởng của mình, Đại tá, CCB Cao Xuân Đại cho rằng, đồng chí Lê Khả Phiêu là một cán bộ văn võ song toàn. Đầu năm 1975, đang là Trợ lý tác chiến Sư đoàn 324, ông Đại được chứng kiến đồng chí Lê Khả Phiêu trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 về đến từng tổ, từng tiểu đội để theo dõi, nắm tình hình, xây dựng quyết tâm để Sư đoàn 324, Sư đoàn 325 tác chiến đánh các mục tiêu địch ở Thừa Thiên-Huế. Sau khi nắm thực lực cụ thể các đơn vị và nghiên cứu cách đánh, các mũi tiến công của sư đoàn, đồng chí Lê Khả Phiêu đề nghị củng cố lại lực lượng và cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ binh và pháo binh khi tiến công các mục tiêu ở núi Bông, núi Nghệ thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn có mặt ở các trận chiến ác liệt để chỉ đạo và động viên bộ đội chiến đấu. Đến ngày 25-3-1975, toàn bộ lực lượng địch ở đông nam Thừa Thiên -Huế với 16.500 tên bị ta bắt sống ở cảng Thuận An, thu giữ hàng chục tấn vũ khí, tài liệu; 11 giờ cùng ngày, cờ giải phóng được cắm trên Phu Văn Lâu, TP Huế được giải phóng.

Sau này, những lần họp mặt hội CCB do các đơn vị tổ chức, đồng chí Lê Khả Phiêu đều có mặt và dành tình cảm chân tình, gần gũi cho những người đồng đội mà không phân biệt thứ bậc. Cuối tháng 12-2017, Đại tá, CCB Cao Xuân Đại cùng đồng đội đến nhà đồng chí Lê Khả Phiêu ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội) để chúc mừng sinh nhật. Tại đây, đồng chí Lê Khả Phiêu đã khen ngợi người đồng đội: “Mấy chục năm qua, anh Đại đã tìm được hàng nghìn mộ liệt sĩ, chụp ảnh, báo tin, chỉ dẫn địa điểm cho đơn vị và các gia đình liệt sĩ, trong đó có gần 300 trường hợp đã được đưa về cải táng tại quê nhà. Đó là một kỳ tích. Tôi chúc anh luôn có sức khỏe để thực hiện tâm nguyện của mình. Chúng ta có được ngày hôm nay, một phần là nhờ máu xương của đồng đội ta đã ngã xuống và chúng ta không được lãng quên quá khứ”.

NGUYỄN CHÍ HÒA