Ngày càng nhiều gia đình ở Tây Nguyên áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

Trong những năm gần đây, mùa khô ở Tây Nguyên có xu hướng kéo dài hơn, tình trạng thiếu nước ngày càng gay gắt. Việc đầu tư phân bón và nước tưới nhiều không những làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế, mà còn làm suy thoái đất đai và nguồn nước, gia tăng sâu bệnh cho cây trồng. Hiện cả nước có 640.000ha cà phê, trong đó diện tích cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm trên 92%. Trung bình lượng nước tưới cho cà phê khoảng 1.600-1.700m3/ha, thì lượng nước toàn vùng Tây Nguyên lên đến 800-850 triệu m3/năm, trong khi đó, biến đổi khí hậu làm cho dự trữ nước mặt và nước ngầm ở Tây Nguyên ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

Giải quyết vấn đề nước tưới trong sản xuất cây công nghiệp ở Tây Nguyên trong mùa khô luôn là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành và người dân. Hiện nay, có 2 hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê và các loại cây trồng khác ở Tây Nguyên là hệ thống tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc. Thực tế cho thấy, tưới phun mưa tiết kiệm khoảng 25% lượng nước, 33,3% công tưới và 20% lượng phân bón, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế bởi tiết kiệm chi phí và còn làm gia tăng năng suất cây trồng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả hai hệ thống tưới tiết kiệm đều gia tăng lợi nhuận hơn 35,5 triệu đồng/ha/năm (với dự kiến khấu hao hệ thống tưới trong 10 năm); tuy nhiên chỉ cần sau 2-3 năm thì khoản lợi nhuận này đã đủ để bù đắp được chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Các hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí đầu vào từ 10-18 triệu đồng/ha/năm, đồng thời tăng năng suất 0,5 tấn cà phê nhân/ha. Áp dụng các phương pháp này mang lại hiệu quả lớn nhưng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn (từ 60-90 triệu đồng), vượt quá khả năng nhiều gia đình nông dân. Nhưng với sự trợ giúp của Chính phủ, các ngành chức năng và các tổ chức chuyên ngành, các phương pháp tưới nhỏ giọt và tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc này đang được người dân các tỉnh Tây Nguyên áp dụng rộng rãi.

Nói đến tưới tiết kiệm, mọi người cứ nghĩ chỉ là tiết kiệm nước, nhưng thực tế mô hình này giúp người dân tiết kiệm được cả nhân công, phân bón, điện... Chúng tôi đến thăm mô hình công nghệ tưới tiết kiệm nước được Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) áp dụng hiệu quả trên cánh đồng lớn trồng cây ăn quả tại Gia Lai. Được biết, Doveco là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng mô hình tưới tiết kiệm ở Tây Nguyên. Dù đang trong mùa khô hạn nhưng vườn chanh dây của Trung tâm vẫn xanh tốt, quả căng mọng. Chứng kiến mô hình này, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi trên diện tích 26ha nhưng chỉ có 1 công nhân chăm sóc. Điều tương tự cũng diễn ra tại vườn cây rộng 96ha của Doveco ở Nông trường Ia Phú, huyện Ia Grai chỉ có 4 công nhân vận hành hệ thống nước tưới. Anh Trần Văn Thành, công nhân vận hành cho biết: 1 ha chanh dây nếu tưới bình thường trong 6 tháng hết 50.000-55.000m3 nước, còn khi sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm chỉ hết 3.600m3... Còn khi đến thăm gia đình CCB Nguyễn Văn Nghi (thôn 2, xã Hà Mòn, Đăk Hà, Kon Tum), chúng tôi được biết, gia đình ông trồng được 2,4ha cà phê. Năm 2019, ông Nghi quyết định lắp hệ thống tưới tiết kiệm và được VnSAT hỗ trợ kinh phí 50%. “Hệ thống tưới tiết kiệm này hay lắm anh ạ, không chỉ tưới nước mà còn bón phân rất hiệu quả”. Ông Nghi cho hay, trước phải đem phân đi bón cho từng gốc cà phê, thì nay chỉ cần thông qua hệ thống trung tâm, ngồi một chỗ ấn nút là phân đã được tưới đều, giúp gia đình ông giảm được 1/3 lượng điện tiêu thụ, năng suất cà phê tăng lên thấy rõ. Thời điểm này, dù đang là mùa khô nhưng vườn cà phê vẫn xanh mơn mởn. Ông ước tính, năm 2020, vườn cà phê sẽ cho sản lượng trên 5 tấn quả/ha.

Đánh giá về mô hình tưới tiết kiệm, CCB Nguyễn Ngọc Bích (thôn Ia Lôk, Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai) cho biết: Tây Nguyên thường hay bị hạn hán, nên việc sử dụng hệ thống phun mưa tận gốc được xem là phù hợp với cây cà phê. Trước đây gia đình ông sử dụng béc quay để tưới cà phê trên diện tích 2,5ha, trung bình 1ha, ông Bính mất hơn 3 ngày 3 đêm để tưới. Còn với hệ thống tưới phun mưa tận gốc, chỉ cần 1 ngày 1 đêm là tưới xong, thậm chí, hệ thống này còn thực hiện bón phân phun thuốc rất hiệu quả. “Ngày trước, mỗi lần tưới, tôi phải thuê 2 người cùng làm, giờ một mình cũng có thể chăm sóc cho cả vườn cà phê” - ông Bích cười vui.

Với việc hỗ trợ kinh phí 50%, dự án VnSAT thực sự đang tạo ra động lực để người dân mạnh dạn đầu từ hệ thống tưới tiết kiệm. Theo kế hoạch trong năm 2020, Kon Tum triển khai lắp đặt khoảng 50ha, nhưng hiện người dân đã đăng ký trên 60ha.

Phong trào lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt và tưới phun gốc đang được người dân các tỉnh Tây Nguyên áp dụng rộng rãi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: Hải Quang