Các cháu Làng Hữu Nghị trong lớp học lớp vi tính.

Là một đơn vị thuộc T.Ư Hội CCB Việt Nam, Làng Hữu Nghị Việt Nam có nhiệm vụ chăm sóc và điều trị bệnh tật cho các CCB bị nhiễm và con CCB bị di chứng của chất độc da cam/dioxin. Nằm trên địa bàn xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội, trong sự yên bình của những dãy nhà xen trong cây lá là cuộc sống tất bật lo toan của những cán bộ, nhân viên với những công việc sâu đậm nghĩa tình. Hơn 20 năm qua, đã có hàng nghìn lượt CCB được điều trị bệnh tật, hồi phục sức khỏe; hàng trăm cháu bé bị di chứng chất độc hóa học là con CCB đã được, chạy chữa phục hồi sức khỏe, học tập để hòa nhập cộng đông.

Đã được nghe kể về Làng, về những con người ngày đêm âm thầm tận tụy chăm lo cho những CCB và con CCB, nhưng ở Làng một ngày, tôi mới thấy, mới phần nào cảm nhận được cái tâm của mỗi cán bộ nhân viên nơi đây.

Các cháu Làng Hữu Nghị trong lớp học dệt.

Vừa đến Làng, tôi gặp ngay một tốp CCB đang chuyện trò rôm rả ở phòng đón tiếp. Hỏi ra mới biết, các bác thuộc Đoàn CCB tỉnh Thái Bình vừa hết đợt điều dưỡng, chữa trị tại Làng, đang chờ thanh toán để về lại quê. Hai CCB Khúc Ngọc Trịnh và Vũ Văn Tuyết đều là thương binh hạng 2/4 vui vẻ tiếp chuyện tôi. Bác Tuyết bắt đầu bằng một câu khen rất thật: “Ở đây các cháu phục vụ rất nhiệt tình, luôn trân trọng chúng tôi và tình cảm như gia đình. Đã chiến đấu ở chiến trường, bị thương, bị nhiễm chất độc da cam nên cùng với sức khỏe giảm sút thì đôi lúc cũng có người “trái tính”. Những lúc ấy, các cháu phục vụ vẫn nhẹ nhàng, tình cảm. Tôi quý cái thái độ đó lắm”. Với cái vẻ nông dân chân chất, bác Trịnh nói ngay vào chuyện ăn uống: “Tôi phục bếp ăn ở đây lắm. Trong điều kiện giá cả thị trường như bây giờ mà có 60.000 đồng mỗi ngày cho một người, nhà bếp vẫn nấu ngon, đảm bảo về dinh dưỡng. Rồi ai cũng được khám bệnh rất kỹ, được điều trị bằng thuốc đông y và vật lý trị liệu. Chúng tôi ai cũng lên cân đấy”.

CCB Hoàng Minh Tân - Đoàn trưởng Đoàn Thái Bình xen vào câu chuyện như để nói cho rõ hơn: “Đúng vậy đấy, khi xe của Làng đón chúng về đây là được lãnh đạo, chỉ huy thăm hỏi động viên, phổ biến chế độ chính sách và các quy định. Mọi cái đều rõ ràng, kể cả những khó khăn mà vì đó, đơn vị không đáp ứng hết nhu cầu của các CCB”. Rồi, cả 3 bác hào hứng kể tôi nghe về 20 ngày điều dưỡng, chữa trị tại đây. Người được các bác nhắc tới nhiều với câu nói gần như giống nhau là: “Bác sĩ Thu giỏi và tận tình lắm, khám rất kỹ và chữa rất hay. Ngay từ hôm về tỉnh Hội sơ khám, rồi về đón chúng tôi đã rất cẩn thận, chu đáo rồi…”.

Tìm gặp anh Thu, kể lại chuyện ấy, anh cười vui vẻ: “Vâng, tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị cho các bác CCB và phụ trách chụp X quang. Còn bác sĩ Quang phụ trách chữa trị, phục hồi cho các cháu và siêu âm. Bộ phận y tế có 13 người, trang thiết bị y tế cũng tương đối đủ nhưng ai nấy cũng xoay như chong chóng vậy. Chữa bệnh ở đây trước hết phải có tâm đức, luôn coi bệnh nhân như anh em, chú bác trong nhà. Mà cũng phải có trình độ nữa, vậy nên phải chịu khó học, liên tục học... ”.

Qua câu chuyện với anh Thu, tôi hiểu phần nào công việc chữa trị cho các CCB và các cháu nhỏ ở đây. Làng đón CCB từ 31 tỉnh thành phía Bắc về điều trị. Ở độ tuổi trên 65, đã qua chiến trường, lại bị nhiễm chất độc da cam, hầu như ai cũng mang một vài căn bệnh mãn, phổ biến là huyết áp, tim mạch, phổi...

Trong 20 ngày ở Làng, các CCB được khám tổng thể kỹ càng với đủ thiết bị xét nghiệm, chụp X quang, siêu âm... để lập bệnh án cho từng người, sau đó mới điều trị theo phác đồ riêng. Cùng với 5 ngày uống thuốc đông y, tất cả được chữa bằng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hằng ngày.

CCB Lục Quang Tóa và Nông Thị Mai từ T.P Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn bị nhiễm dioxin ở chiến trường Tây Nguyên và Quảng Trị  về Làng điều trị đã gần 1 tuần. Các bác rất yên tâm với cách khám, chữa ở đây. Bác Mai kể: “Tôi bị thoái hóa khớp gối, cột sống, ở nhà đã chữa khắp nơi. Mấy hôm nay được khám kỹ và uống thuốc, trị liệu, thủy châm đã thấy cũng nhẹ hẳn”.

Đến Trung tâm giáo dục và dạy nghề của Làng, các cô giáo gọi trò bằng con, nghe thật dịu hiền, thân mật. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, hầu hết các cháu  bị thiểu năng trí tuệ, một số bị dị tật chân tay. Có trò ở đây đã gần 20 năm. Hơn 100 cháu được chia làm 10 lớp tùy theo mức độ bệnh tật và khả năng tiếp thu. Cô Nguyễn Thị Thu Huyền - phụ trách 1 trong 6 lớp giáo dục đặc biệt thổ lộ: “Thương lắm anh ạ, ngồi trong lớp mà mỗi con quay một hướng, nói chuyện tự do, đôi khi còn hò hét do tăng động hoặc lên cơn động kinh nữa…”. Mỗi con chữ học được thật vất vả, có khi mất cả tháng trời. Nhưng mỗi khi có cháu học tập tiến bộ, được chuyển lớp trên, nhất là được về với gia đình hòa nhập cộng đồng thì các cô vui lắm.

Ngày 2 buổi trên lớp học, thời gian còn lại các con về nhà ở và được các mẹ chăm sóc. Từ việc ăn uống, tắm giặt… nhiều con không tự làm được nên cũng không ít phức tạp, vất vả. Cô Nguyễn Thị Hiền - Tổ trưởng kể: “Tổ chúng tôi có 7 chị em, lo việc chăm sóc các con ở 5 nhà. Các con bệnh nhẹ có thể tự lo thì chỉ cần theo dõi, nhắc nhở. Còn có những con bị bệnh nặng không tự ăn được, phải lấy cơm về bón cho từng thìa. Nhà con trai cũng có phức tạp, còn bên nhà các cháu gái cũng có phức tạp riêng. Lo nhất là khi các con lên cơn động kinh, có ngày đến mấy lần… Cả 7 chị em chúng tôi luôn thấu hiểu và cố gắng chăm lo cho từng cháu”.

Trao đổi với Đại tá, Giám đốc Nguyễn Thăng Long, ông khẳng định: “Tôi rất tin ở đội ngũ cán bộ, nhân viên của Làng trong việc chăm sóc, điều trị bệnh tật cho CCB và chăm lo giáo dục, dạy nghề cho các cháu. Làng đã cố gắng đáp ứng tốt nhất với khả năng của mình. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và quốc tế đều được chúng tôi quản lý chặt chẽ để phục vụ CCB và các cháu hiệu quả nhất bằng chính cái tâm của mỗi người”. Tôi cũng có niềm tin như Giám đốc Nguyễn Thăng Long, khi đã cảm nhận được cái tâm trong công việc của mỗi cán bộ, nhân viên nơi đây.

Bài và ảnh: Vũ Quang Huy