Đoàn công tác của Bộ LĐTBXH đến thăm hỏi, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bắc Giang. Ảnh: ĐẶNG MẠNH DŨNG

Ưu đãi và chăm sóc Người có công (NCC) luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đây không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội; không chỉ là vấn đề cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong công cuộc dựng xây đất nước. Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020), Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn đồng chí Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) về công tác xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC với cách mạng.

Đồng chí Đào Ngọc Lợi.

PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết chương trình, kế hoạch, cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, chỉ đạo, điều hành của Cục NCC trong thời gian qua?

Đồng chí Đào Ngọc Lợi: Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ LĐTBXH, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, Cục Người có công đã chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xác nhận và giải quyết chính sách đối với NCC theo nội dung phân cấp, đặc biệt đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp đổi lại bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 14.000 trường hợp.

Theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 822 hồ sơ tồn đọng, trong đó có 376 hồ sơ liệt sĩ, 446 hồ sơ thương binh; 22 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng (8 địa phương đã giải quyết xong, 14 địa phương không có hồ sơ tồn đọng). Hiện nay, mặc dù hồ sơ tồn đọng khá phức tạp và việc tiến hành xác minh và xem xét cần thận trọng, nhưng phấn đấu hết năm 2020 sẽ giải quyết căn bản các hồ sơ tồn đọng nêu trên, đồng thời tiếp tục hướng dẫn giải quyết đối với các đối tượng NCC còn vướng mắc.

Chế độ ưu đãi NCC được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; chế độ ưu đãi đối với con của người có công đang theo học ở nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Năm 2019, có 98,63% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,37% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC.

Về thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg: Cả nước có tổng số 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) thuộc Đề án đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra. Tính đến nay, theo báo cáo của các địa phương, sau khi rà soát, có khoảng 33.302 hộ gia đình người có công đã đưa ra khỏi Đề án do đã được các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ,.....; có 328.235 hộ gia đình đã hoàn thành việc hỗ trợ (155.688 hộ xây mới, 172.547 hộ sữa chữa); còn lại 32.170 hộ chưa thực hiện hỗ trợ, phấn đấu đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Hiện nay, cả nước có 60 cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng chăm sóc sức khỏe NCC. Cục đang trực tiếp quản lý 7 trung tâm, trong đó có 1 trung tâm làm nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên người có công, đang chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tại khoảng 315 thương bệnh binh nặng thuộc diện tuổi cao, sức khỏe yếu, nhiều người đau ốm nặng phải nằm viện tuyến trên dài ngày.

PV: Còn hoạt động trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh, liệt sĩ thưa đồng chí?

Đồng chí Đào Ngọc Lợi: Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4711/VPCP-KGVX ngày 12/6/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội, Cục Người có công đã tham mưu cho Bộ LĐTBXH xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm diễn ra trong cả nước, như: Tổ chức “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020” với sự tham dự của 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 73 gia đình liệt sĩ đại diện cho thân nhân các liệt sĩ được xác nhận thông qua công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng tại tỉnh Quảng Nam...

PV: Xin đồng chí cho biết thêm những điểm mới trong Chính sách NCC?  

Đồng chí Đào Ngọc Lợi: Có nhiều điểm mới và được tập trung cả trong Dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) - Dự thảo có những điểm mới phù hợp với thực tiễn, tập trung vào những quy định về đối tượng, chế độ ưu đãi cả với thân nhân NCC với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ; quản lý nhà nước, nguồn lực thực hiện chính sách… Hiện nay Bộ LĐTBXH đang tập trung hoàn chỉnh để  trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 8-2020.  

Tôi xin nhấn mạnh, những năm qua, các cấp Hội CCB trong cả nước có những hoạt động tình nghĩa rất hiệu quả. Hội còn vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động ý nghĩa này, góp phần lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong toàn xã hội. Bằng tinh thần tương thân tương ái, tình đồng chí, đồng đội, những người lính cựu giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống, chăm lo, hỗ trợ các gia đình chính sách. Họ đã tích cực tham gia công tác xã hội hóa hoạt động ưu đãi NCC, góp phần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, mở ra ý tưởng về tạo thế “kiềng ba chân” giữa Nhà nước, đối tượng ưu đãi và cộng đồng đối với chính sách ưu đãi NCC được thể hiện trong dự thảo Pháp lệnh. Và hiện nay, Bộ LĐTBXH và Hội CCB Việt Nam đang cùng tham gia rất nhiều chương trình, đề án, trong đó có Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin... Đặc biệt ngày 25-2-2020, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư số 03/2020/TT-LĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với CCB theo quy định tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24-11-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12-12-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh về chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí và chế độ trợ cấp khi thôi làm công tác Hội. Việc phối hợp chặt chẽ với với nhiều Bộ, ban, ngành liên quan, trong đó có Hội CCB Việt Nam, đã góp phần đưa chính sách ưu đãi sớm được đưa vào thực tiễn, đáp ứng lòng mong mỏi của hàng triệu CCB trên cả nước.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Hồ Thanh Hương  (thực hiện)