Cô Si đang chuẩn bị nước tắm cho khách

(Báo tháng 3) - Đó là lời tâm sự rất chân thật của cô Sùng Thị Si - chủ nhà nghỉ Homestay Cô Si (Y Tý, Bát Xát, Lào Cai), người phụ nữ Mông ngày trẻ từng trốn nhà đi Thanh niên xung phong (TNXP), bị mẹ bắt về đánh, không may bị què cả chân, vẫn tìm cách tiếp tục trốn đi...

Lần đầu tiên tôi gặp cô Sùng Thị Si là khi chúng tôi được giới thiệu đến Homestay “Cô Si tắm lá thuốc”. Nước lá tắm tốt nhất là phải đun sôi tầm 2 giờ để lá thuốc thôi ra hết, và vì hẹn quá gấp nên chúng tôi ngồi bên bếp, vừa chờ vừa hít hà mùi khói bếp, mùi lá thơm nồng nàn. Câu chuyện bên bếp lửa đỏ rực và nồi lá tắm sôi bùng cũng vì thế mà càng lúc càng đượm, người nghe thì tò mò, háo hức, người kể thì sôi nổi, say sưa, nhớ về một thời đã qua…

Giấc mơ Thanh niên xung phong

Homestay nhà cô Si tại thôn Ngải Trồ, xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai.

Năm 1979, cô gái Mông - Sùng Thị Si ở xã Ngải Thầu (Bát Xát) khi ấy vừa tròn 18 tuổi, đã quyết tâm tham gia TNXP, vào đội mở đường Hoàng Liên Sơn 2 đi Ô Quy Hồ. Cô Si kể: “Ngày ấy được cán bộ tăng cường ở bản tuyên truyền, động viên, thích quá, nên quyết chí tham gia TNXP dù chả biết một câu tiếng Kinh. Những ngày đầu tham gia đội, ai nói gì cũng chịu, đến bữa cơm mọi người kéo đi ăn thì đi, được xới cho bát cơm ăn hết là xong, muốn ăn thêm cũng không biết hỏi thế nào...”.

Cô hào hứng kể tiếp: “Đi được mấy ngày thì mẹ cô phát hiện, tìm về, đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, đánh không may gãy cả chân”. Cô Si vừa nói vừa đứng dậy cà nhắc bước gần đến bếp khuấy nồi nước lá, mỗi bước đi người vẫn lệch về một bên. “Mẹ cô bảo, một chữ tiếng Kinh không biết, mày muốn lấy kim xỏ mũi làm trâu để cày mó gà dưới cầu Thiên Sinh thành biển nước à? Ý nói rất coi thường, không tin con có thế làm được việc”.

Cô Si bảo: Nghe mẹ nói thế thì ức lắm, càng quyết tâm đi bằng được. Sau 1 tháng bị mẹ nhốt ở nhà, chỗ chân gãy cũng liền, cô lại trốn nhà đi lần nữa…

Thời gian ở TNXP là thời gian cô được “biến đổi” hoàn toàn, không chỉ trưởng thành hơn mà có những việc đến bây giờ cô vẫn không dám tin bằng nỗ lực nào mình có thể làm được những điều to tát như thế. Cô được đồng đội dạy tiếng Kinh, dạy chữ, dạy học làm toán, biết cộng trừ nhân chia. “Cô học nhanh lắm, ai dạy cô cũng ngạc nhiên vì cô học rất tiến bộ”- khoe với chúng tôi, gương mặt, ánh mắt cô biểu cảm rất tự hào.  

Những dấu mốc tự hào

Cô bảo, là một cô gái dân tộc thiểu số, sống khép kín ở một thôn bản nhỏ, nghèo khó thuộc xã Ngải Thầu (Lào Cai), nếu không đi TNXP thì rồi cũng ở nhà lấy chồng, con bồng con bế, rồi quanh quẩn xó bếp như bao người mẹ, người chị em khác ở Ngải Thầu. “Đi TNXP, đời cô sang trang mới” - cô Si chia sẻ.

Năm 1984, cô còn được cử trong nhóm nữ TNXP cùng Bộ đội Biên phòng đi làm công tác vận động quần chúng ở xã Y Tý.

Đặc biệt tự hào hơn nữa, năm 1985 lần đầu tiên cô được về Thủ đô, mà quan trọng hơn, là được giao thực hiện nhiệm vụ A85 - duyệt binh ở Hà Nội, góp mặt trong cuộc duyệt binh lớn trong lịch sử đất nước ta. “Không biết nói gì hơn, đó là vinh dự và cũng là trách nhiệm vô cùng to lớn. Tự hào lắm" - cô Si xúc động nói. Và mẹ cô đã thay đổi hẳn những định kiến ban đầu, vui vẻ chấp nhận việc cô trốn nhà đi TNXP.

Năm 1986 cũng là một năm đáng nhớ với cô Si: Cô được cử đi học trung cấp. “Các cháu có tin được không, cô chưa hề qua trường lớp nào, thậm chí những ngày đầu vào TNXP cô còn không biết chữ, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, cộng thêm tự rèn luyện, thế mà cô đã đọc thông viết thạo, tính toán đâu vào đấy, và được cử đi học trung cấp 18 tháng, về làm mậu dịch viên bán tem phiếu cho người dân vùng sâu vùng xa” - Cô Si chia sẻ. Sau đó, năm 1990, cô Si lại được chuyển sang ngành Giáo dục, vừa làm thủ quỹ, thủ kho, vừa lo nấu cơm cho học sinh. Cô nhận công tác ở xã Y Tý cho đến ngày nghỉ hưu.

Mỗi khi gặp con gái, mẹ cô Si vẫn nhắc: “Ngày xưa tao đâu biết trước mày lại giỏi giang thế này, chỉ sợ mày đi mà không theo kịp anh em bạn bè thì khổ”….

Cô Si tâm sự: “Ngày ấy nếu nghe lời mẹ, nếu không quyết tâm đi TNXP thì làm gì có ngày hôm nay.”

Nồi lá tắm gia truyền

Hỏi cô Si về bí quyết nào để có nồi lá tắm nổi tiếng khắp vùng Y Tý này, cô bảo: “Thì cũng vừa làm vừa mày mò, học hỏi, tra cứu thêm trên mạng”

Cô Si may mắn được bà ngoại truyền cho “bí kíp” về loại nước tắm đặc biệt giúp cơ thể phục hồi sức khỏe, hết mệt mỏi, thư giãn gân cốt, giảm đau nhức xương khớp. Từ bài thuốc được bà truyền lại, mỗi lần đi rừng, cô đều chú ý tìm hiểu, học hỏi thêm về các loại lá thuốc, đến nay cô đã tự mình đúc kết bài thuốc tắm lá với hơn 30 loại lá rừng. Cô Si cũng có thể điều chỉnh, gia giảm liều lượng hoặc thêm bớt các loại lá, tùy theo đối tượng và mục đích tắm.  

Với người cần thư giãn gân cốt sau khi làm việc nặng hoặc đi rừng, leo núi mỏi mệt, cô sẽ cho thêm những loại lá hỗ trợ giảm đau nhức, mạnh gân cốt, thư giãn, hết mệt mỏi. Với người bị cảm gió, đau đầu, có thể thêm những loại lá giải cảm, lưu thông máu huyết. Hay với phụ nữ sau sinh, tắm lá cũng rất tốt, nhưng cần điều chỉnh một số loại lá.

Từ năm 2012, cô Si bắt đầu kinh doanh dich vụ homestay cho khách du lịch thuê chỗ ăn nghỉ, đồng thời cô mở luôn 4 phòng tắm lá thuốc. Bếp đun lá tắm nhà cô lúc nào cũng đỏ lửa, không kịp đun cho khách tắm. Điều đáng quý ở cô Si là không tham khách, không đun lá vội vàng; mỗi mẻ đun phải đủ sôi chừng 2 giờ lá mới thôi hết, lúc ấy tắm mới có tác dụng tốt nhất, nên khách muốn đến tắm thường phải điện thoại hẹn trước.

Tôi thắc mắc tại sao cô không đun bếp ga, bếp điện cho đỡ vất vả, hoặc đun trước ủ sẵn đấy có khách đến thì pha cho nhanh, hay thậm chí làm như nhiều nơi họ đun nước tắm và cô đặc đóng sẵn trong chai chỉ việc pha rất nhanh, thậm chí có thể bán cả những chai nước tắm ấy cho du khách về pha tắm rất thuận tiện.

Cô Si lắc đầu: “Những thứ ấy cô đều biết cả, nhưng không thể làm như vậy. Cô muốn khách được tắm đúng kiểu truyền thống của bà con dân tộc, tốt nhất và hiệu quả nhất. Cũng vì giữ được cách làm ấy mà cô luôn giữ được chân khách, người đến rồi vẫn quay lại, người chưa đến thì nghe tiếng mà đến”.

Tất cả hơn 30 loại lá đều tự cô Si đi rừng hái về. “Cô chưa truyền lại cho con gái đâu, càng không mách ai các vị lá này. Cô sợ người ta vì ham lợi mà khai thác tận diệt. Cô biết nhiều người đi hái lá thuốc, tìm được cây thuốc quý là nhổ luôn cả cây. Đây toàn là các loại cây rừng, không thể thu hái bất chấp được. Mỗi lần đi hái lá thuốc, với mỗi cây, cô Si chỉ dám hái lấy mỗi một cành đủ dùng. Vì thế mà cô không có nhiều lá để chưng cất nước tắm sẵn. “Dùng nó thiếu thiếu một tí khách mới nhớ, mới thích mà mình thì bảo vệ được rừng, bảo vệ được cây thuốc” - cô Si chia sẻ.

Lê Na