Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong đó có xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước. Để phù hợp với thực tiễn, Luật sửa đổi Luật DQTV được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 22-11-2019 đã có nhiều nội dung mới phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và yêu cầu nhiệm vụ của DQTV trong tình hình mới. Để tìm hiểu một số điểm mới của Luật DQTV năm 2019, PV Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Quang Ngân - Cục trưởng Cục DQTV, Bộ Tổng Tham mưu về phát triển lực lượng tự vệ (LLTV) trong các doanh nghiệp (DN). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

PV: Thưa đồng chí, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 có quy định DN chưa tổ chức được LLTV thì chủ DN phải tổ chức cho người lao động tham gia DQTV ở địa phương, nơi mà DN hoạt động. Nhưng trong Luật DQTV năm 2019 thì đã bỏ quy định này. Thiếu tướng có thể cho biết, vì sao chúng ta lại không đưa quy định này vào trong Luật?

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Sau 10 năm thực hiện Luật DQTV đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập liên quan đến việc tổ chức tự vệ trong DN. Quy định này không khả thi, vì trên thực tế chưa có DN, địa phương nào thực hiện được. Thực trạng hiện nay, nhất là DN tư nhân, doanh nghiệp FDI hầu như không có tổ chức Đảng, hoặc có tổ chức Đảng nhưng vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng là rất hạn chế, không bảo đảm được nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với tự vệ. Các DN hoạt động sản xuất kinh doanh có tính dây chuyền nên rất khó tổ chức tự vệ, vì ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khi huy động DQTV làm nhiệm vụ. Một số DN có đủ điều kiện thành lập nhưng chủ DN không muốn thành lập vì ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.

PV: Như đồng chí vừa đề cập, đó là do hoạt động sản xuất theo dây chuyền nên rất khó để có thể tổ chức LLTV trong DN. Ngoài ra, để LLTV hoạt động được, tất yếu DN sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí nào đó. Phải chăng đây là nguyên nhân mà các DN không muốn tổ chức LLTV?

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Việc DN phải bỏ ra một khoản chi phí để bảo đảm cho tự vệ là vấn đề mà một số DN không muốn, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính để DN không tổ chức tự vệ. Mà chính là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với tự vệ trong DN. Vì vậy, phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng trong DN là vấn đề cơ bản, cốt lõi để tổ chức tự vệ trong DN.

PV: Vâng, tại Khoản 1, Điều 17 của Luật DQTV có quy định là DN được xem xét thành lập đơn vị tự vệ khi bảo đảm được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Vấn đề này cần được hiểu như thế nào, vì trên thực tế không phải DN nào cũng có tổ chức Đảng lãnh đạo?

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Về điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện như sau: Đối với DN có tổ chức Đảng thì do cấp ủy Đảng của DN đó trực tiếp lãnh đạo. Đối với DN chưa có tổ chức Đảng nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì do cấp ủy Đảng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao lãnh đạo lực lượng tự vệ. Đối với DN nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và DN đơn lẻ chưa có tổ chức Đảng thì do Đảng ủy Quân sự tỉnh hoặc Đảng ủy Quân sự cấp huyện hoặc Đảng ủy khối DN địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.

PV: Tuy không phải là vấn đề cơ bản nhưng nếu nhìn dưới góc độ bài toán về kinh tế thì DN sẽ không muốn tổ chức lực lượng tự vệ vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, doanh thu của họ. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và về lâu dài thì LLTV sẽ mang lại cho DN những lợi ích nhất định. Thiếu tướng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Hoạt động của tự vệ trong DN sẽ góp phần cho DN ổn định môi trường sản xuất kinh doanh. Đây là lực lượng được huấn luyện, giáo dục chính trị pháp luật nên có trình độ, kỹ năng tuyên truyền, vận động người lao động trong DN thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của DN và thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động, lợi nhuận của DN. LLTV là lực lượng nòng cốt tại chỗ xử lý thảm họa, thiên tai, bão lũ tại DN. Phối hợp với bảo vệ của DN, công an và các lực lượng liên quan bảo vệ an ninh tại DN và địa bàn nơi DN đứng chân. Thực tế, có nhiều DN, nhất là các DN trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 sau khi tổ chức tự vệ thì chủ DN đồng tình cao về chủ trương này và đề nghị mở rộng quy mô tổ chức trong DN mình.

PV: Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định cho DN, LLTV sẽ góp phần quan trọng để xây dựng và củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Đúng như vậy, việc tổ chức tự vệ trong DN là theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và nhiệm vụ của khu vực phòng thủ để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Việc xây dựng tự vệ trong các DN có ý nghĩa hết sức quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Văn Lực  (thực hiện)