Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/1/2020 của Chính phủ; đến hết tháng 6 năm 2020, 100% văn bản điện tử được gửi, nhận ở cả 4 cấp chính quyền đáp ứng yêu cầu về nội dung, thẩm quyền, thể thức, ký số và xác thực theo quy định.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương ngày 12/2/2020

Thông báo nêu rõ, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Chính phủ điện tử là thay đổi cách thức vận hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên và thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng Chính phủ điện tử, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; căn cứ chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, thực hiện việc số hóa báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để từng bước quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu. Các bộ, cơ quan, địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm khẩn trương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đến hết năm 2020, 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử kết hợp với an toàn, an ninh mạng, không chỉ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin mà còn cho cán bộ, công chức, viên chức để thay đổi tư duy, nhận thức, đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên môi trường điện tử. Bố trí ngân sách hàng năm, dành một tỷ lệ nhất định cho công tác này.

Tuyệt đối không để xảy ra việc có hai cơ quan cùng điều phối về Chính phủ điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện vai trò là cơ quan điều phối thống nhất toàn quốc về Chính phủ điện tử, tổng hợp chiến lược, kế hoạch, các dự án đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, kinh phí cho Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các Bộ, ngành, địa phương. Đôn đốc thực hiện, lan tỏa kinh nghiệm tốt, bảo đảm tránh đầu tư lãng phí. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử các vấn đề bất cập, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra việc có hai cơ quan cùng điều phối về Chính phủ điện tử. Các cơ quan triển khai Chính phủ điện tử cho cơ quan, đơn vị mình và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2020 và xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2023 để cụ thể hoá chiến lược này, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2021. Đây là lộ trình, chiến lược và định hướng về Chính phủ số, hoạt động hiệu quả trên môi trường số, dựa trên phân tích dữ liệu lớn để ra quyết định, cung cấp kịp thời các dịch vụ số mới đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số và Nghị định về định danh và xác thực điện tử trong Quý I năm 2020. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật giao dịch điện tử.

Chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai trong năm 2020: Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử để thực hiện giám sát về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và dịch vụ Chính phủ điện tử của các cơ quan nhà nước, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tận dụng và kế thừa những hệ thống sẵn có, tránh chồng chéo.

Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kết nối các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung; nghiên cứu, đề xuất xây dựng nền tảng để người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử, phù hợp với định hướng 100% người dân có điện thoại thông minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2020.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Quý I năm 2020; ghi bổ sung nội dung Chính phủ điện tử và an toàn, an ninh mạng vào nội dung chi Quỹ Viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025; triển khai chương trình truyền thông lâu dài, liên tục, phương thức phù hợp để người dân thấy lợi ích của Chính phủ điện tử, hướng dẫn biết cách sử dụng, phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Văn phòng Chính phủ chủ trì, hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020; chuẩn hóa hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, ngành, địa phương và kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đưa Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vào vận hành thử nghiệm trong tháng 3 năm 2020.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2020 trong tháng 3 năm 2020 và Quy chế quản lý, vận hành và khai thác, sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 6 năm 2020.

Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hệ thống thông tin tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong Quý I năm 2020.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo triển khai thêm các nội dung về đô thị thông minh, chuyển đổi số và kinh tế số. Hoàn thành trong tháng 4 năm 2020.

Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Quý II năm 2020; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ bản hoàn thành trong năm 2020.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử; chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa nội dung đào tạo Chính phủ điện tử vào chương trình đào tạo tại Học viện Hành chính Quốc gia. Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí cho các dự án nền tảng Chính phủ điện tử; hướng dẫn trong lập, giao dự toán và báo kết quả thực hiện chi ngân sách, trong đó có chi tiêu cho Chính phủ điện tử để phục vụ công tác đánh giá.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia, hoàn thành các thành phần cơ bản của hệ thống thông tin đất đai quốc gia (cơ sở hạ tầng, phần mềm nền tảng) trong năm 2020. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tình hình triển khai, xây dựng đô thị thông minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020.