
Hiện nay, nhiều người trưởng thành mắc bệnh sởi, có diễn biến nặng, đã có trường hợp tử vong. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi với nhóm có nguy cơ cao, diễn biến nặng.
Nguyên nhân
Khi người mắc bệnh sởi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, những giọt nước bọt chứa virus sẽ bắn ra không khí và lơ lửng trong không khí trong khoảng từ 1-2 giờ. Người khỏe mạnh hít phải, chạm tay vào bề mặt mầm
bệnh sau đó đưa lên mũi, miệng hoặc dụi mắt đều có nguy cơ cao nhiễm sởi. Khoảng 90% người chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đều nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh.
Con đường lây lan: Chia sẻ đồ uống hoặc thức ăn với người bị bệnh sởi; tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi (như hôn, nắm tay, bắt tay, ôm…); chạm vào bề mặt có chứa virus rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt; lây từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, sinh đẻ hoặc cho con bú.
Triệu chứng
Khoảng 10-12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng có thể xảy ra: Sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng, những nốt nhỏ với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng, gò má…
Diễn biến của bệnh: Bệnh sởi thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn khởi phát kéo dài khoảng 3-5 ngày. Biểu hiện chủ yếu là sốt và viêm long. Người bệnh có biểu hiện giống cảm cúm như sốt, ho, chảy mũi, hắt hơi, đỏ mắt, tiêu chảy. Giai đoạn này rất dễ lây lan nhưng khó nhận biết vì chưa xuất hiện ban. Giai đoạn phát ban (hay thời kỳ sởi mọc): Ban sởi xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu từ sau tai, gáy sau đó vùng trán, má, mọc lan dần xuống toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ, thân và tứ chi. Người bệnh thường sốt cao, mệt mỏi. Giai đoạn lui bệnh (hay thời kỳ ban bay), ban mờ dần, để lại vết thâm trên da trước khi hồi phục hoàn toàn.
Nhóm nguy cơ cao lây bệnh và khuyến cáo của Bộ Y tế
Nhóm nguy cơ cao lây nhiễm bệnh với diễn biến sởi nặng là người mắc các bệnh mạn tính như bệnh phổi, tiểu đường, cao huyết áp; người trên 50 tuổi, cơ thể suy giảm sức đề kháng; người chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không được tiêm vắc-xin đúng lịch hoặc chưa từng mắc bệnh sởi trước đây... Đây là các đối tượng khi tiếp xúc với virus sởi có khả năng cao dẫn đến nhiễm bệnh nặng, thậm chí tử vong nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, hạn chế các trường hợp nặng tử vong, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi với nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng liên quan đến sởi như sau:
Người có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vắc-xin phòng sởi. Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh; hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh; tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh sởi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ thông thoáng môi trường nơi làm việc; vệ sinh thường xuyên các bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, học tập.
Thành An