Năm 1995, CCB Tạ Văn Khanh xây tiếp căn nhà 2 tầng để ở từ đó đến nay…

CCB Tạ Văn Khanh mới đây có đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất triển khai làm Khu công nghiệp (KCN) Yên Lư, trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Đất sử dụng từ thập niên tám mươi thế kỷ trước

Trong đơn khiếu nại, CCB Tạ Văn Khanh (địa chỉ: Thôn Yên Tập, Yên Lư, Yên Dũng, Bắc Giang) gửi cơ quan chức năng và Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, cho rằng gia đình ông có Thửa đất số 678, Tờ bản đồ số 164 với tổng diện tích là 2.393m2 và Thửa đất 678, Tờ bản đồ 164, diện tích 1.972,1m2 bao gồm đất ở, vườn, đất ao và tài sản trên đất.

Vào đầu tháng 6-2024, CCB Khanh nhận được Quyết định 1066/QĐ-UBND ngày 30-5-2024 của UBND huyện Yên Dũng, quyết định thu hồi toàn bộ diện tích của gia đình ông để thực hiện Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Yên Lư (gọi tắt là Dự án KCN Yên Lư), huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và Quyết định 1067/QĐ-UBND ngày 30-5-2024 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án KCN Yên Lư (đợt 8).

CCB Tạ Văn Khanh không đồng tình với các quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường nói trên vì ông cho rằng: “Quyết định thu hồi đất chưa xác định đúng loại đất; thiếu loại đất ở”.

Tìm hiểu vụ việc, được biết, gia đình CCB Tạ văn Khanh (bố mẹ ông Khanh) sử dụng diện tích này từ những năm 1980 khi có ấp này. Trên đất, có xây nhà ở từ năm 1989. Tuy nhiên, UBND huyện Yên Dũng ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB khi Nhà nước thu hồi đất chỉ xác định là loại đất cây lâu năm (CLN).

Trong khi đó, bản xác nhận về nguồn gốc đất do UBND xã Yên Lư lập có nêu: “Quá trình sinh sống, cư trú: ông Tạ Văn Khanh sinh 10-10-1968, lúc nhỏ ở cùng bố mẹ ở khu làng cũ (bố Tạ Minh Khai, mẹ Dương Thị Chi). Đến năm 1986 đi bộ đội ở đơn vị d23, Quân đoàn 29, Quân khu 2. Đến năm 1989, lấy vợ là bà Nguyễn Thị Luyện (người thôn Bùi Bến) và ở cùng bố mẹ tại khu làng thôn Yên Tập. Đến tháng 5-1989, được bố mẹ cho ra ở riêng, tại thửa đất khu đất làng cũ (nay là khu ngõ xóm, thôn Yên Tập), trên thửa đất có một nhà cấp 4, đến năm 1995, ông Khanh phá nhà cũ, xây dựng nhà 2 tầng trên cùng thửa đất và ở từ đó đến nay”.

Như vậy, có thể khẳng định, gia đình CCB Tạ Văn Khanh đã sử dụng đất, sinh sống, làm nhà ở từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước!

Vườn cây cổ thụ trước nhà CCB Khanh được trồng từ thời bố mẹ ông Khanh sinh sống trên thửa đất.

Cần xem xét lại hạn mức, đơn giá bồi thường và bố trí TĐC

Đánh giá, nhìn nhận vệ vụ việc này, luật sư Phan Thị Tĩnh - Đoàn Luật sư T.P Hà Nội cho biết: Căn cứ pháp lý để xác định loại đất của gia đình CCB Tạ Văn Khanh cần áp dụng tại Điều 11 Luật Đất đai 2013 để xác định loại đất. Theo đó, Luật quy định: “Việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây:...4. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Hướng dẫn cụ thể điều này tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 43/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Chính phủ quy định:“Việc xác định loại đất đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng”.

Hiện trạng sử dụng thửa đất của gia đình CCB Tạ Văn Khanh là đất ở, đất vườn, đất ao; gia đình ông Khanh không lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép.

Diện tích ao rộng hơn 400m2 trước nhà CCB Tạ Văn Khanh.

Do đó, theo Khoản 4 Điều 4 của Quy định ban hành kèm Quyết định số 40/2021 ngày 20-8-2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về hạn mức công nhận đất ở: “4. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao đang có nhà ở mà người đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì diện tích đất ở được xác định theo hạn mức công nhận quy định tại Điểm a, b, c khoản 3 Điều này.

Điểm a, b, c Khoản 3 quy định: a) Hộ gia đình có đến 04 nhân khẩu thì hạn mức để xét công nhận đất ở bằng một (01) lần hạn mức giao đất ở tương ứng với từng vùng, khu vực quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Quy định này nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình đang sử dụng;

b) Hộ gia đình có từ 05 đến 07 nhân khẩu thì hạn mức để xét công nhận đất ở bằng hai (02) lần hạn mức giao đất ở tương ứng với từng vùng, khu vực quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Quy định này và không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình đang sử dụng;

c) Hộ gia đình có từ 08 nhân khẩu trở lên thì hạn mức để xét công nhận đất ở bằng ba (03) lần hạn mức giao đất ở tương ứng với từng vùng, khu vực quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Quy định này, nhưng tối đa là 800m2 và không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình đang sử dụng.

Nhân khẩu để xem xét công nhận hạn mức đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân là số nhân khẩu thực tế đang ở trên thửa đất đó và có trong sổ hộ khẩu hoặc cơ sở dữ liệu về cư trú trước ngày 1-7-2014 bao gồm những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ , vợ, chồng, con đẻ và con nuôi theo quy định của pháp luật, cháu có quan hệ trực hệ”.

Vẫn theo luật sư Tĩnh thì quy định về hạn mức công nhận đất ở, tại Điều 3 quy định hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân như sau:

1. Đất ở tại đô thị thuộc các phường của thành phố Bắc Giang và các vị trí bám trục đường đã được đặt tên của các thị trấn: Tối đa 100 m2 (Một trăm mét vuông).

2. Đất ở tại đô thị không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này; đất ở tại các xã thuộc thành phố Bắc Giang, các xã nằm trong quy hoạch đô thị thuộc các huyện đã được phê duyệt; đất ở tại nông thôn bám đường gom cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ và đường Vành đai IV: Tối đa 120m2 (một trăm hai mươi mét vuông).

3. Đất ở tại nông thôn không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này

a) Xã trung du thuộc các huyện: Tối đa 300m2 (Ba trăm mét vuông);

b) Xã miền núi thuộc các huyện: Tối đa 360m2 (Ba trăm sáu mươi mét vuông).

Như vậy, Yên Lư là xã miền núi thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nên hạn mức công nhận đất ở là 360m2. Đối với gia đình CCB Tạ Văn Khanh có 5 nhân khẩu và 2 cặp vợ chồng cùng sinh sống trên thửa đất thì hạn mức công nhận đất ở phải ít nhất là 720m2.

Tuy nhiên, khi thực hiện thu hồi đất, cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào Bản đồ địa chính để xác định nguồn gốc đất là chưa đúng. Bởi lẽ, bản đồ địa chính này có sau khi gia đình CCB Tạ Văn Khanh sử dụng đất vào mục đích đất ở từ thập niên tám mươi thế kỷ trước, nên không thể làm căn cứ xác định loại đất CLN được.

Từ xác định nguồn gốc đất chưa đúng, nên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư có phần chưa đúng cho gia đình CCB Tạ Văn Khanh.

Bên cạnh đó, gia đình CCB Tạ Văn Khanh bị thu hồi toàn bộ diện tích đất (ở, ao, vườn), có nhân 5 khẩu, 2 cặp vợ chồng cùng sinh sống trên thửa đất, thế nhưng Quyết định 1067 cũng không nêu về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình CCB Tạ Văn Khanh cụ thể thế nào.

Nếu chiểu theo Điều 3 của Quy định ban hành kèm Quyết định 10/2019/QĐ -  UBND ngày 21-5-2019 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành về quy định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 70/2021/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 31-12-2021, thì gia đình CCB Tạ Văn Khanh phải được hỗ trợ mua 2 lô đất tái định cư.

Chính sách về đất đai của tỉnh Bắc Giang rất rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, nhưng với trường hợp của gia đình CCB Tạ Văn Khanh vẫn chưa được xem xét, giải quyết “thấu tình, đạt lý” - luật sư Tĩnh chỉ rõ.

Được biết, Dự án KCN Yên Lư thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Đây là dự án được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Căn cứ Điều 25 của Nghị định 47/NĐ-CP quy định hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất: “Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi…”.  

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Yên Dũng và cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Bắc Giang xem xét lại trường hợp thu hồi đất, áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của gia đình CCB Tạ Văn Khanh, tránh để quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất bị ảnh hưởng, thiệt thòi!

Bài, ảnh: Chính Nhi