Bị thu hồi gần hết toàn bộ thửa đất đang sinh sống để phục vụ làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ năm 2009. Cho rằng mình được bồi thường chưa đầy đủ, CCB Lâm Quang Tuyên (Tân Phúc, Ân Thi, Hưng Yên) đã ròng rã đi khiếu nại, tố cáo suốt 10 năm qua...

Nhiều điểm bất nhất...

Trong đơn thư gửi về báo, ông Tuyên trình bày: Gia đình tôi có 1 thửa đất đã sử dụng ổn định, không tranh chấp từ trước những năm 1960. Tháng 8-2009, khi làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, gia đình tôi bị thu hồi phần lớn của thửa đất (1.177,7m2), chỉ còn lại 82m2.

Trong quyết định thu hồi đất gia đình mới nhận được vào giữa năm 2019 ghi:  “Thu hồi 1.177,7m2 đất thổ cư, trong đó có 660m2 đất của gia đình, còn 517,7m2 đất ao của xã”. Ông Tuyên băn khoăn: Nội dung quyết định trên chứa đựng hàng loạt thông tin mâu thuẫn. Đó là việc ngay trong Điều 1 của Quyết định xác định 1.177,7m2 đất là đất thổ cư, nhưng sau đó lại xác định chỉ 660m2 là đất của gia đình tôi, còn lại xác định 517,7m2 là đất ao của xã. Đã là đất thổ cư, sao lại còn là đất ao của xã?

“Không chỉ nội dung của quyết định là mâu thuẫn, mà quyết định còn trái ngược với thực tế sử dụng. Bởi toàn bộ thửa đất trên gia đình chúng tôi đã sử dụng từ trước năm 1960 và được các cao niên tại địa phương xác nhận” - ông Tuyên cho hay.

Về vấn đề này, ngày 3-12-2019, UBND huyện Ân Thi có Văn bản số 380/BC-UBND báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên nội dung trên. Văn bản nêu: Theo tài liệu bản đồ đo đạc theo “Chỉ thị 299/TTg năm 1983” thửa đất gia đình ông Lâm Quang Tuyên sử dụng số 206, diện tích 660m2, loại đất T, thuộc tờ bản đồ số 08/1000 xã Tân Phúc.  Ngày 21-8-2009, UBND huyện Ân Thi có Quyết định số 2142/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại xã Tân Phúc huyện Ân Thi để thực hiện dự án xây dựng công trình đường ô tô Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (660m2 đất ở, 514m2 đất ao). Hộ gia đình ông Lâm Quang Tuyên đã kê khai và được xét duyệt lập phương án hồi thường. Bồi thường 517.7m2 đất với giá trồng cây lâu năm.

Lại tiếp tục xuất hiện sự “bất nhất” trong chính những văn bản do UBND huyện Ân Thi ban hành. Năm 2009, Quyết định thu hồi đất xác định 517,7m2 là đất lấn ao của xã. Nhưng trong văn bản 380/BC-UBND lại chỉ viết 514m2 là đất ao?! Theo dõi trên bản đồ địa chính, chúng tôi nhận thấy thông tin diện tích đất ao trên không đầy đủ. Chỉ có kí hiệu Ao/225/2921, không có sổ mục kê kèm theo. Không xác định là đất ao do ai sở hữu.

Ông Tuyên chia sẻ: Khi bị thu hồi đất, ngoài diện tích đất làm nhà ở thì toàn bộ diện tích còn lại được sử dụng làm đất trồng cây lâu năm (tại một số phương án bồi thường lập từ năm 2009, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng xác định trùng khớp với trình bày của ông Tuyên - PV). Theo quy định tại Khoản 1, Điều 83, Luật Đất đai 2003 thì đất ở tại nông thôn là: “Đất ở của hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm qyền xét duyệt”. Như vậy, theo quy định trên, toàn bộ diện tích đã thu hồi của ông Tuyên phải được xác định là đất ở mới đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Tuyên, không chỉ xác định sai, thiếu diện tích đất ở của gia đình ông, UBND huyện Ân Thi còn thu hồi 270m2 đất nông nghiệp tại thửa 18+69 ngày 14-7-2010 để làm khu tái định cư nhưng không có quyết định thu hồi đất, không bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (hiện ông Tuyên vẫn giữ phương án lập từ năm 2010 - PV).

Đáng chú ý, trong  các buổi đối thoại với UBND huyện Ân Thi và UBND xã Tân Phúc, đại diện UBND xã Tân Phúc cho rằng: Ông Tuyên có bị thu hồi đất, nhưng không được bồi thường do diện tích đất đó vượt hạn mức được giao đất cho hộ gia đình. Tuy nhiên, trong Văn bản số 380/BC-UBND đã nhắc ở trên thì lại nói ông đã được bồi thường ở diện tích đất khác, và các thửa đất có trong phương án bồi thường đã lập là không phải của ông Tuyên.

Chính quyền Hưng Yên “né” trách nhiệm giải quyết đơn thư?

Trao đổi với PV, ông Tuyên cho rằng: Khi thu hồi đất để làm dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chính quyền động viên người dân giao đất để Nhà nước nhanh chóng thực hiện dự án, nếu có khiếu nại thì khiếu nại sau. Là CCB, sinh ra trong một gia đình cách mạng, có 2 em là liệt sĩ, mẹ là Mẹ VNAH, gia đình có Bảng vàng danh dự được Nhà nước tặng nên đã tôn trọng và ủng hộ mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, từ ngày biết mình bị thiệt thòi về quyền lợi do sự cẩu thả của các cán bộ, công chức địa phương thì suốt 10 năm qua tôi đi khiếu nại nhưng chưa được giải quyết.

“Gần đây nhất, vào ngày 11-10-2019, tôi  nhận được Văn bản số 451/UBND-TNMT,  ngày 27-9-2019 của UBND huyện Ân Thi về việc trả lời đơn thư của tôi. Tuy nhiên, thay vì trả lời công dân theo đúng Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo thì UBND huyện Ân Thi lại trả lời tôi bằng một văn bản chung chung, không đúng luật và không rõ nội dung xác minh?!”.

Đặc biệt, ông Tuyên nhiều lần đề nghị UBND huyện Ân Thi nơi giữ hồ sơ thu hồi đất của nhà ông, công khai hồ sơ và xác minh khi thu hồi đất nhưng chính quyền từ chối không cung cấp. Điều 9, Luật Tiếp cận thông tin quy định: “Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của luật này thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định ...

Thông tin ông Tuyên yêu cầu cung cấp liên quan trực tiếp đến ông; do cơ quan nhà nước tạo ra, không thuộc diện bí mật (căn cứ Điều 6, Luật Tiếp cận thông tin); Không phải thông tin được cung cấp có điều kiện (căn cứ Điều 7, Luật Tiếp cận thông tin). UBND huyện Ân Thi từ chối không cung cấp là trái với Luật Tiếp cận thông tin.

Từ bức xúc có nhiều căn cứ trên của CCB Lâm Quang Tuyên, thiết nghĩ cần phải lập đoàn xác minh đi thực tế lại nguồn gốc đất của ông Lâm Quang Tuyên. UBND huyện Ân Thi cần vận dụng các quy định pháp luật của Luật Đất đai 2003 - văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực vào thời điểm mà ông Tuyên bị thu hồi đất để xác định toàn bộ diện tích đất thu hồi là đất ở. Có như vậy mới giải quyết triệt để vụ việc và chấm dứt khiếu kiện kéo dài…

BBĐ