Thượng tá Lương Hữu Khanh, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, F320b (bên phải ) và tác giả
Cảng Cửa Việt (Quảng Trị) được Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến đánh, làm chủ trong Chiến dịch Xuân Hè - 1972. Bị thất bại, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tổ chức chiến dịch Tango City tái chiếm cảng Cửa Việt ngay trước khi lệnh ngừng bắn theo Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực. Việc Quân lực VNCH mở chiến dịch tái chiếm Cửa Việt đã bị Ủy ban Quốc tế về Kiểm soát ngừng bắn ở Việt Nam xác định là hành vi vi phạm Hiệp định Paris ký kết ngày 27/01/1973.
Cửa Việt là quân cảng trên địa bàn huyện Do Linh, là đầu mối đường thủy quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt địa hình, đường tiếp tế thuận lợi từ hậu phương miền Bắc cho miền Nam, trực tiếp là chiến trường Trị - Thiên. Từ vị thế đó, từ ngày 25/01 đến 31/01/1973, Quân lực VNCH (quân địch) sử dụng Sư đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) cùng các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại pháo đài bay B52, máy bay đánh bom, gần 200 xe tăng, thiết giáp (XTTG), pháo từ Hạm đội 7 ngoài biển, pháo kích...tiến đánh cảng Cửa Việt.
Nắm được ý đồ tác chiến của quân địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 Quân Giải phóng (QGP) thực hiện chiến thuật phòng thủ - tiến công trên 3 hướng: Hướng tấn công, do Trung đoàn 101 (F325) và Trung đoàn 24 (F304) cùng với 2 tiểu đoàn tỉnh đội Quảng Trị tấn công vào cụm phòng thủ của địch ở khu vực Cửa Việt. Hướng chặn đầu, do Trung đoàn 48, (F320b) và K5 Hải quân đang tiếp quản Cửa Việt khống chế, không cho địch mở rộng khu vực chiếm đóng. Hướng khóa đuôi, do Trung đoàn 64, (F320b) được tăng cường 2 tiểu đoàn chặn đánh quân địch từ hướng Cửa Việt rút về. Rạng sáng ngày 30/01/1973 trên các mũi hướng, bộ binh, xe tăng, pháo binh QGP đồng lọat nổ súng tấn công, siết chắt bao vây quân địch từ 3 mặt. Thế trận phòng thủ - tiến công giữa 2 bên giằng co quyết liệt... Đến 10 giờ ngày 31/01/1973 QGP kiểm soát hoàn toàn cảng Cửa Việt. 12 giờ cùng ngày, Bộ Tư lệnh Măt trận B5 ra lệnh ngừng tiến công, chuyển thế bố trí mới để tiến hành đấu tranh quân địch lấn chiếm.
Trong đội hình chiến đấu của các đơn vị QGP taị Cửa Việt, tôi gặp và trao đối với Trung sĩ Nguyễn Đức Bảng, đại đội 14, E101, F325 (Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tại Đà Nẵng) cho biết: từ sáng 27 đến trưa 31/01/1973 trận chiến diễn ra theo thế giằng co ác liệt giữa quân ta với quân địch trên dọc tuyến bờ biển và cảng Cửa Việt về phía đông nam. Dưới mặt đất nhiều xe tăng, trên bầu trời quân địch điều nhiều máy bay F4 ném bom và L19 trinh sát nhằm cứu vãn tình thế. Trong đó có 2 chiếc L19 và F4 bị phòng không của ta bắn rơi tại chổ. Máy bay VO-10 vào cứu 2 phi công nhảy dù cũng bị bắn rơi nốt. Chiến sĩ: Lê Đức Hội, Đại đội 1, F101, F325 (quê Bắc Giang) được tiểu đoàn giao nhiệm vụ cắm cờ lên điểm cao tại Cửa Việt. Khi cờ Giải Phóng tung bay thị bị một quả đạn pháo tăng của địch bắn đến hất tung người sang một bên. Biết mình đã bị thương nặng nhưng vẫn cố bò lên vị trí, đồng chí Nguyễn Công Chấn, (quê Hưng Yên) chạy lên tiếp sức cùng cắm bằng được lá cờ Giải phóng tung bay trên điểm cao nhất tại Cửa Việt. Nguyễn Văn Tèo, (quê Hải Dương) bằng súng B40 bắn cháy 2 xe tăng, sau trận đánh được khen tặng Danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Cơ giới”. Võ Văn Dũng (quê Đống Đa, Hà Nội) Trinh sát pháo binh, chuẩn mục tiêu chính xác cho trận địa pháo 130 ly bắn cháy nhiều xe tăng, kể cả bắn đuổi tàu chiến địch ngoài biển không dám tiến gần bờ...
Trung sỹ Lương Hữu Khanh (Thượng tá, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tại Đà Nẵng), nguyên Trợ lý Quân lực Tiểu đoàn 1, (E48) kể: ngày 26/01 tại thôn Hà Tây, Cửa Việt toàn đơn vị triển khai xong công sự chiến đấu sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Rạng sáng 27/01, lợi dụng tiếng sóng biển , quân địch tổ chức nhiều xe thiết giáp tiến theo dọc bờ biển, và nhiều xe tăng ẩn mình sẵn dưới cát cùng trồi lên khói cát mù mịt, kết hợp với pháo hạm ngoài biển bắn vào. Cùng lúc đó, quân ta được lệnh nổ súng tiến công. Xe tăng T54 xuất kích, kết hợp với các loại hỏa lực tên lửa A12 phóng loạt, ĐKZ, B40, B41...bắn cấp tập bao trùm đội hình địch. Bị phản công bất ngờ, đội hình địch rối loạn, nhiều XTTG bốc cháy, những chiếc còn lại tháo chạy toán loạn. Đáng chú ý là, những xe tăng địch ẩn mình dưới cát, trong đêm Đặc công Hải quân K5 bí mật tiếp cận từng chiếc cài mìn vào xích, xe nổ máy gây mìn nổ bốc cháy khi vừa trồi lên măt đất. Sau trận đánh, đồng chí Khanh cùng thiếu úy Trương Quang Sức (quê Thanh Hóa) được giao nhiệm vụ dẫn giải 102 tên tù binh về tuyến sau giao cho đơn vị của Mặt trận tại Triệu Phong. Vui nhất của những người lính thắng trận khi về lại đơn vị, được biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng mỗi chiến sĩ một gói thuốc lá Điện Biên, tập thể đơn vị nhiều chai rượu Lúa Mới, hương vị thơm ngon của Thủ đô Hà Nội...
Bài và ảnh: Nhân Mùi