Cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ hướng dẫn hội viên CCB kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Gần 10 năm trước, Sơn La được coi là “thủ phủ” của cây nông sản, như khoai, ngô, sắn... nhưng những năm gần đây đất bạc màu, ngô mất giá, người nông dân không muốn trồng trọt, bỏ đất hoang, đồi, núi trơ trọc kéo theo một loạt hệ lụy lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... đời sống của nhân dân trở nên nghèo, đói. Trước thực trạng đó, cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ra Kết luận số 121-TB/TU về chuyển đổi cây trồng từ cây nông sản sang cây ăn quả trên đất dốc.
Thực hiện Kết luận Tỉnh ủy, cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành, Hội CCB tỉnh vừa tuyên truyền vận động, vừa “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn hội viên chuyển đổi cây trồng, chọn giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương.
Hội CCB tỉnh chọn 4 huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Vân Hồ, Phú Yên, mỗi huyện 10 CCB làm trước để rút kinh nghiệm. Đồng thời, Hội phối hợp với Hội Nông dân và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố mở lớp đào tạo, về trồng trọt, chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc cho 450 hội viên CCB nghèo; vận động các “mạnh thường quân”, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua các loại cây giống mà địa phương không có, như bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam V2, C36, cam đường canh, xoài Đài Loan, nhãn chín muộn, na sầu riêng, na Hoàng hậu... để hỗ trợ cho những hội viên CCB nghèo ở 4 huyện.
Sau hơn 2 năm trồng điểm, Hội CCB tỉnh tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc với các huyện, thành phố. Kết quả, đến nay vườn cây ăn quả của các hội viên CCB phát triển tốt, đã cho thu hoạch, giúp thoát nghèo.
Điển hình như HTX CCB huyện Mai Sơn do CCB Trần Bá Cường làm Giám đốc, hiện có 31 thành viên, với quy mô 35ha cây ăn quả, tất cả đều theo mô hình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP). Mỗi năm, HTX bán ra thị trường và xuất khẩu đi Úc và Trung Quốc 100 tấn quả, thu nhập bình quân 800 triệu đồng/thành viên/năm; HTX Đoàn Kết, xã Mường Bú, do CCB Vũ Đăng Kế làm giám đốc, có 800ha cây ăn quả, tạo công ăn việc làm cho 20 hội viên và con em CCB, với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng; CCB Phan Văn Phấm xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu với mô hình trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò thu 500 triệu đồng/năm...
Còn cách làm của CCB Hoàng Văn Chất ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thì vận động 6 CCB trong bản góp đất để thành lập HTX, giống vốn do anh đầu tư. Hiện nay, HTX có 30 thành viên trong đó 15 hội viên CCB, với trên 120ha cây ăn quả, gồm cam đường canh, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài Đài Loan, cà phê, mỗi năm, HTX thu được trên 1.000 tấn quả các loại, thu nhập của hội viên từ 500-600 triệu đồng/năm. Nhờ cách làm của CCB Hoàng Văn Chất mà 15 hội viên đã vươn lên thoát nghèo... Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Hội CCB tỉnh Sơn La và Hiệp hội CCB các tỉnh Bắc Lào, CCB Hoàng Văn Chất còn mang cây giống sang trồng và tư vấn kỹ thuật chăn sóc cho CCB tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào 25,6ha
Thời gian tới, Hội CCB tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức thêm các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho hội viên; phối hợp với Hội Doanh nhân CCB, CQN tỉnh chỉ đạo các Công ty, HTX CCB kết nối, bao tiêu, sản phẩm cho hội viên; đồng thời vận động các tổ chức Hội, các hộ gia đình hội viên tham gia xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp hội viên nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Giờ đây lên Sơn La đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh và những câu chuyện kể về những CCB thoát nghèo, giàu lên từ mô hình trồng cây ăn quả. Diện mạo của tỉnh hôm nay đã có những thay đổi rõ nét, góp phần hạ tỷ lệ hội viên nghèo xuống, từ 13,95% năm 2017, nay còn 7,93%, Điều đó khẳng định chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc là hướng đi đúng, giúp người dân và CCB xoá đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH ở địa phương
Toàn tỉnh có 78.850ha cây ăn quả, lớn thứ 2 cả nước, với 614 HTX, nông nghiệp (CCB có 43 HTX, 55 tổ hợp tác, 144 trang trại, 1.131 gia trại); giá trị xuất khẩu các loại quả đạt 3.038,3 tỷ đồng, đã được cấp 181 mã số vùng trồng cây ăn quả, tăng 1.067ha; có123 chuỗi quả, 196 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 21 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước Úc, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, 9 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ (1 chỉ dẫn địa lý, 8 nhãn hiệu chứng nhận), 83 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm 5 sao, 28 sản phẩm 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao).
Từ kết quả trồng cây ăn quả trên đất dốc của Sơn La, “tiếng lành đồn xa”, các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; trong đó có Hội CCB các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Hòa Bình... và Hiệp hội CCB các tỉnh Bắc Lào, như: Hủa Phăn, Luông Pha Băng, U Đôn Say, Xay Nhạ Bu Ly, Luông Nậm Thà đã về Sơn La tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Xuân Trường