Trong cuốn sách “Văn học tuổi trẻ” (Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1996), ở chuyên đề thơ văn Hồ Chí Minh, Xuân Diệu có viết: “Thời gian sau Cách mạng Tháng Tám những đảng phái phản động trong nước bám gót quân đội Tưởng Giới Thạch đòi chia ghế Quốc hội, chia ghế Chính phủ, thay đổi Quốc kỳ, nhưng chúng lại lu loa rằng Hồ Chủ tịch tham quyền cố vị”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn sách “Hồ Chủ tịch hình ảnh dân tộc” cũng nhớ lại bối cảnh chính trị đất nước lúc ấy, và viết: “Một người như Hồ Chủ tịch mà phải thanh minh rằng mình không tham quyền cố vị... Tôi nhớ lại trên báo Cứu quốc thời ấy có đăng những lời của Hồ Chủ tịch, đại ý Bác nói trước quốc dân: Bác chỉ có một ham muốn là nước nhà độc lập, đồng bào ấm no, còn thú thích của Bác thì chỉ muốn một gian nhà có cuốc vườn, câu cá... Thời đầu kháng chiến, tôi còn đọc được hai đoạn thơ của Bác mà đây là bốn câu đầu:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Những đêm trăng ở rừng Việt Bắc đều có như thế thật, núi rừng thung lũng yên lặng, lại sáng vằng vặc. Hai câu đầu thật là của một thi sĩ. Đoạn sau Bác nói nước nhà đang trăm việc, mỗi người đều nên chung lo, chung gắng đến thành công…”*.

Đến nay Bác đã về với cõi vĩnh hằng 54 năm, tác giả viết bài này gửi tới bạn đọc bài thơ của Nguyễn Hải Thần “tặng” Bác Hồ cùng với bài thơ đáp lại của Bác Hồ. Hy vọng với hai bài thơ này sẽ là minh chứng bối cảnh chính trị nước nhà sau Cách mạng Tháng Tám 1945, như nhà thơ Xuân Diệu và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu trên.

Ngày 1-1-1946, Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó chủ tịch Chính phủ liên hiệp. Nhân dịp này với danh nghĩa thực hiện sách lược hòa hoãn với quân Tưởng Giới Thạch, để tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, Nguyễn Hải Thần đã làm bài thơ “tặng” Hồ Chủ tịch như sau:

Gánh vác việc đời ông với tôi

Con đường gai góc xẻ làm đôi

Cùng chung đất nước chung bờ cõi

Cùng một ông cha một giống nòi

Đành chịu nước cờ thua nửa ngựa

Còn hơn miệng thế chế mười voi

Mấy lời nhắn nhủ cùng ông biết

Nước ngược buông câu phải lựa mồi.

Qua bài thơ, ta thấy rõ nhân cách của Nguyễn Hải Thần bề ngoài “mượn” tiếng vì đất nước, giống nòi hòng “khuyên” Chủ tịch Hồ Chí Minh đành chịu nhận thua, lựa chiều lòng Trung Hoa Quốc dân đảng! Nhưng Nguyễn Hải Thần không ngờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp trả như tát thẳng vào mặt “con rối” chính trị này bằng bài thơ:

Gặp gỡ đường dài anh với tôi

Đường đời gai góc phải chia hai

Đã sinh tai mắt sinh đầu óc

Há bỏ thân yêu bỏ giống nòi

Trách kẻ đưa thân vào miệng cọp

Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi

Tán cờ mới biết tay cao thấp

Há phải như ai cá thấy mồi.

Hồ Chí Minh

Tháng 5-1946

Qua bài thơ đáp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ lời lẽ đanh thép, thể hiện tinh thần vì Nước, vì Dân mà Bác quyết vượt mọi hiểm nguy giành thắng lợi; phê phán thói ôm chân bọn Quốc dân đảng Trung Hoa, bỏ ông cha, bỏ giống nòi của Nguyễn Hải Thần. Bút chiến của Bác Hồ là thứ vũ khí sắc bén có sức mạnh vô biên quật ngã kẻ thù.

Hà Lạc