Một trong những hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng). Theo hướng dẫn, những hạng mục này phục vụ cho hoạt động chế biến, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ từ khu rừng ven biển, nhưng thực tế con đường ra khu RNM mà xung quanh không thấy có hoạt động chế biến, tiếp thị sản phẩm nào từ biển…
Như CCB Việt Nam đã nêu ở 3 bài trước, quá trình triển khai Dự án “Hiện đại hóa Ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (FMCR - Dự án) có nhiều bất thường, cây trồng mới bị chết; nhiều địa phương đang chạy theo các gói cơ sở hạ tầng, không phải là mục tiêu dự án với số tiền đầu tư rất lớn. Khi vấn đề tính hiệu quả của Dự án đang là dấu hỏi thì Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ xin điều chỉnh một số hạng mục. Từ báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), nhiều vấn đề đã được chỉ rõ.
Điều chỉnh sẽ làm thay đổi căn bản mục tiêu, hiệu quả đầu tư
Sau khi Bộ NNPTNT có tờ trình, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Văn bản số 6660/VPCP-QHQT ngày 5-10-2022 của Văn phòng Chính phủ, ngày 23-3-2023, Bộ KHĐT có Thông báo kết quả thẩm định về chủ trương điều chỉnh Dự án FMCR. Theo đó, một loạt vấn đề đặt ra. Ví như, vấn đề kéo dài thời gian thực hiện Dự án thêm 3 năm, tới năm 2026 kết thúc Dự án; điều chỉnh mục tiêu, qui mô, kết quả chính của Dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư…
Cụ thể: Giảm diện tích trồng mới RPH từ 9.000ha xuống còn trồng mới 1.384ha, tương đường giảm 84,6% diện tích. Giảm từ 10.000ha diện tích rừng phục hồi xuống còn 3.287ha diện tích RPH ven biển, tương đương giảm 67,1%. Điều chỉnh giảm 257 xã, phường có RPH ven biển được đóng mốc giới xuống còn 233 xã, tương đương giảm 9,3%. Điều chỉnh giảm 500 cộng đồng/900 cộng đồng (19.500 hộ gia đình/27.000 hộ gia đình) được hưởng lợi trực tiếp thông qua các cơ chế… thành khoảng 7.500 hộ gia đình, thuộc 400 cộng đồng trong 233 xã…, tương đương giảm 55,5% cộng đồng và 72,2% hộ gia đình được hưởng lợi. Điều chỉnh giảm 38 gói/94 gói đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất làm tăng thu nhập của người dân ven biển tham gia quản lý rừng bền vững, thành: cung cấp ít nhất 56 gói, với giá trị đầu tư không quá 400.000 USD/ gói, tương đương giảm 40,4%.
Đồng thời từ giảm qui mô, mục tiêu Dự án, Bộ NNPTNT cũng đề xuất giảm tổng mức đầu tư và cơ cấu vốn Dự án từ 195 triệu USD xuống còn 119,7 triệu USD.
Báo cáo thẩm định của Bộ KHĐT cũng chỉ ra những điểm chưa rõ của việc xin điều chỉnh Dự án thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công. Đồng thời, tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) điều chỉnh của Dự án chưa làm rõ căn cứ, cơ sở điều chỉnh tổng vốn đầu tư, tính khả thi của Dự án sau điều chỉnh… Bộ KHĐT nhận định việc điều chỉnh như tờ trình của Bộ NNPTNT trình Thủ tướng, cho thấy việc xin điều chỉnh các khối lượng như vậy là quá lớn, sẽ làm thay đổi cơ bản mục tiêu và hiệu quả đầu tư ban đầu của Dự án.
Tiến độ Dự án… rất chậm
Về nội dung Bộ NNPTNN đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án thêm 3 năm để kéo dài thời gian thực hiện thành: Từ năm 2019-2026, theo đánh giá của Bộ KHĐT, nội dung điều chỉnh thời gian Dự án là quá dài. Ngoài ra, theo báo cáo hầu hết các nội dung đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đề nghị, Bộ NNPTNT phối hợp với các tỉnh, thành có đánh giá cụ thể, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm tiến độ thực hiện Dự án.
Đối với nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư và cơ cấu vốn của Dự án, Bộ KHĐT đã chỉ rõ cơ cấu vốn ODA, vốn đối ứng của Bộ NNPTNT và các địa phương đang tham gia Dự án có sự điều chỉnh khác nhau (có địa phương giảm vốn ODA, nhưng lại tăng vốn đối ứng phân bổ qua Bộ NNPTNT). Do vậy, cần phải làm rõ cơ sở, căn cứ xác định điều chỉnh cơ cấu vốn của Dự án; việc sử dụng phần vốn đối ứng phân bổ qua Bộ NNPTNT tăng lên. Bộ KHĐT đề nghị Bộ NNPTNT thuyết minh và chịu trách nhiệm về sự phù hợp với nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư.
Đánh giá tổng quan về việc Bộ NNPTNT xin điều chỉnh Dự án, Bộ KHĐT cho rằng báo cáo NCTKT điều chỉnh Dự án chưa làm rõ sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; chưa làm rõ trường hợp điều chỉnh Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công. Hồ sơ Dự án mới có thông tin chưa đầy đủ về tình hình giải ngân của một số nội dung đầu tư; chưa làm rõ kế hoạch vốn, tình hình giải ngân của các hoạt động và của toàn Dự án.
Theo báo cáo, tiến độ thực hiện Dự án đến nay là rất chậm, đề nghị Bộ NNPTNT và các Bộ, địa phương tham gia Dự án chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện Dự án; khẩn trương thực hiện các nội dung, hạng mục đã được phê duyệt theo đúng quy định. Rà soát, đánh giá làm rõ việc tổ chức quản lý thực hiện Dự án, sự phối hợp của Bộ NNPTNT, các địa phương trong việc tổ chức thực hiện Dự án để khẩn trương điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc cho phù hợp…
Không có việc rừng mới trồng cây đã chết?
Để làm rõ hơn về tính hiệu quả của Dự án, phóng viên Báo CCB Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Thế Thắng - Phó giám đốc Dự án FMCR. Theo ông Thắng: Dự án FMCR sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2023 giải ngân vốn ODA. “Khi kết thúc Dự án sẽ có các tổng hợp báo cáo theo đúng quy định. Việc thực hiện Dự án cơ bản các tỉnh, T.Ư là nơi điều phối nên các số liệu vẫn phải chờ các tỉnh báo cáo lên. Các chỉ số như kết quả của Dự án, những hiệu quả từ Dự án…. Ngân hàng Thế giới (WB) yêu cầu rất khắt khe” - ông Thắng nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Dự án FMCR, Bộ NNPTNT là đầu mối Dự án, các tỉnh được triển khai. Ban điều phối của Bộ có trách nhiệm làm việc với nhà tài trợ để sắp xếp, chỉ đạo thực hiện, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Việc kiểm tra, giám sát cần phải đi xây dựng kế hoạch, thẩm tra kế hoạch, đánh giá kế hoạch. Các tỉnh sẽ phải xây dựng các quy trình hoạt động, còn phía Bộ sẽ là đơn vị kết nối để các bên làm việc với nhà tài trợ.
Trả lời câu hỏi về lý do phải điều chỉnh Dự án đến năm 2026, ông Thắng cho biết: Việc điều chỉnh này là điều chỉnh vốn trong nước, còn vốn ODA sẽ kết thúc vào năm 2023. “Việc trồng rừng là 1 năm trồng 4 năm chăm sóc. Thời gian thực hiện Dự án dính vào thời điểm Covid-19 xuất hiện nên gặp nhiều khó khăn trong khâu triển khai. Mình trồng trong các năm 2021 và 2022. Dù xin WB kéo dài nhưng họ không đồng ý.
Họ chỉ đồng ý trồng, chăm sóc đến 2023. Còn các năm 2024 đến 2026 sẽ phải xin vốn trong nước để chăm sóc. Việc trồng mới, 4 hợp phần của Dự án không thay đổi, vẫn giữ nguyên. Về phần diện tích trồng vẫn còn một ít kế hoạch, như ở Quảng Ninh vẫn đang trồng nên khối lượng chính xác đến cuối cùng vẫn chưa nắm được. Việc đánh giá các chỉ số hoàn thành của Dự án cũng chưa xong” - ông Thắng thông tin.
Cũng theo Phó Giám đốc Dự án FMCR, đến tháng 6-2023 chưa nhận được thông tin nào về việc rừng trồng ở một số địa phương bị chết. “Đến thời điểm này không có, không có việc rừng bị chết” - ông Thắng kết luận.
Ngày 24-11-2022, Ngân hàng Nhà nước có văn bản tham gia ý kiến về việc điều chỉnh Dự án. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nhận định, nguồn tiếp cận vốn ODA này là rất khó khăn và không còn áp dụng cho các khoản vay mới. Đồng thời, đây có thể là Dự án cuối cùng có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ NNPTNT tận dụng tối đa số vốn vay đã ký kết thực hiện Dự án, để tránh lãng phí phần vốn đã đầu tư khi Dự án đang triển khai dở dang.
Ngày 26-12-2022, Bộ Tài Chính có văn bản góp ý thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Theo đó, đến ngày 31-11-2022, lũy kế giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài của Dự án là 17,991 triệu USD (khoảng 413,7 tỷ đồng) xấp xỉ 12% tổng vốn vay nước ngoài được phê duyệt. Sau 4 năm thực hiện Dự án, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài là rất thấp, chưa đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay IDA do Việt Nam đã bắt đầu phải trả nợ gốc từ 1-11-2022 với số tiền mỗi kỳ là 4,704 triệu USD (khoảng 108,192 tỷ đồng). Khoản vay trả nợ 1 năm 2 kỳ vào ngày 1-6 và 1-11.
(còn nữa)
Bài, ảnh: Doanh Chính - Võ Hóa