I. VỀ NỘI DUNG

Theo tôi, SGK môn ngữ văn ở phổ thông, qua ba cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sơ, Trung học phổ thông, thì cũng phải hướng tới ba mục tiêu cho từng cấp:

1.Làm cho học sinh có đủ chữ nghĩa phổ thông và đủ kỹ năng sử dụng khối chữ nghĩa ấy để dễ dàng hoàn thành những văn bản/văn tự thông thường như là thư tín, đơn từ...

Xưa, các cụ ta, chỉ cần có cái bằng sơ học yếu lược là đã có thể viết hộ/viết thuê, đơn thư thông thường các loại. Các cụ có bằng đíp - lôm (tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở) là đã có thể đi làm công chức bậc thấp được rồi, thế mà ở ta bây giờ, ngay đến sinh viên, dù học văn học  mà vẫn còn không ít bạn viết sai văn phạm, chính tả và rất khó khăn khi phải thực hiện một văn bản hành chính thông thường nào đó, tức là rất thiếu chữ nghĩa và kỹ năng sử dụng chúng trong thực tiễn đời sống hằng ngày!

2. Làm cho học sinh có chuẩn thẩm mỹ phổ thông, có tâm hồn trong trẻo, nhân ái, biết hướng thượng/hướng thiện...

Đừng vì “Văn chương thời này nó thế” mà “phải dạy thế”, để vội đưa vào SGK ngữ văn những văn bản, dẫu đang “hot”, thậm chí được nhiều người lớn khen là đặc sắc, nhưng chữ nghĩa xem chừng quá “chợ búa”, “lọc lõi”, “sành sỏi”, “sành điệu”, “ranh mãnh”! Bởi vì, những sự “sành sỏi”, “sành điệu”, “chợ búa”, “lọc lõi”, “ranh mãnh”...  không bao giờ hợp với trường phổ thông. Những thứ đó, khi lớn hơn, các em tiếp xúc cũng chưa muộn. Khi đó, các em đã phát triển khá đủ cả về thể chất và tư duy, có thể tự ứng xử được với chúng mà không sợ bị “ô nhiễm” theo nữa.

Ví dụ, khi tôi học cấp III (1965-1968), SGK văn cho học cả những câu như sau:

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan lớn tần mần như ma

Hai tay quan lớn gian tà

Tay xoa cát phẩm, tay sà hạ chiêu.

Sách giảng rằng, đó là: “Ca dao chống phong kiến”! Liệu có nên để “cát phẩm” và “hạ chiêu” trong SGK ngữ văn phổ thông hay không? Chắc là không! Vì, ngay cả Nguyễn Công Trứ cũng chỉ dám cho con hát hát rằng:

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan lớn tần mần như ma

Ban ngày quan lớn như cha

Ban đêm quan lớn rầy rà như con.

Công trạng, tài danh là thế, tuổi tác là thế, tự mãn - bất mãn, phong lưu là thế, ông Trứ, cuối đời, vẫn phải chữa ca dao để đùa với cái phần “con” trong “con người”. Mọi thời đến thế thôi! “Chống phong kiến” gì, mấy câu trần trụi kia? Mà trong thời phong kiến, thiếu gì “quan lớn” là anh hùng dân tộc, là người tử tế. Giảng như thế tức là xúc phạm tiền nhân. Thời nào chả có quan tốt và quan xấu!

Nghĩa là, SGK ngữ văn phổ thông phải góp một phần lớn, trong việc chuẩn bị cái nền tảng cho sự trưởng thành của học sinh, chứ không phải là thúc các em gấp gáp thành ra người lớn, với mọi sự “lọc lõi”, “sành sỏi”, “sành điệu”...  trong đời thường, vì “lọc lõi”, “sành sỏi”, “sành điệu” chưa phải là thông minh. Chúng ta cần làm cho học sinh thông minh một cách trong trẻo, cao cả, trước đã, rồi đời sẽ dạy thêm cho các em sau.

“Văn”, không chỉ có nghĩa là “Văn học”. Vì thế, đừng bắt mọi học sinh phổ thông phải giỏi “làm văn”, tức là phải giỏi viết văn hay bình văn, vì không phải tất cả học sinh đều muốn hoặc có thể theo nghề văn sau này. Với đại đa số học sinh phổ thông, thạo chữ nghĩa để dùng tốt trong đời thường là đạt yêu cầu.  

Mặt khác, để học ngữ văn tốt, các em còn phải học tốt các môn học khác, đặc biệt là những môn học gắn bó một cách “hữu cơ” với ngữ văn, như là lịch sử, địa lý... và do đó, cùng với việc làm lại SGK ngữ văn, phải làm lại cả SGK của những môn này.

Ví dụ, phải dạy cho học sinh phổ thông biết rằng, văn hóa Việt là sự hỗn dung của ít nhất là ba vùng văn hóa lớn: Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ, chứ không chỉ là văn hóa Bắc Bộ, và điều ấy đã xảy ra như thế nào... Có như thế, học sinh ta mới yêu nước Việt, người Việt, văn hóa Việt cả ba vùng chứ không chỉ biết yêu “quê cũ” của mình.

Ví dụ, bên cạnh việc vạch “tội” vọng Tàu/ sợ Pháp để Pháp chiếm Việt Nam, cũng cần nói rõ công khai phá miền Nam suốt bao đời Chúa Nguyễn/Vua Nguyễn, để ta có cả một giang sơn như bây giờ. Thế mới là công bằng, sòng phẳng...

3. Không dạy ngữ văn như dạy văn học, nhưng có thể làm cho các học sinh có thiên hướng văn học càng thêm yêu văn học và có thể chọn nghiệp văn sau này.

Vì, rõ ràng là với các em này, việc chỉ đạt hai mục tiêu đầu là chưa đủ. Vậy thì SGK ngữ văn phổ thông cần chỉ định một số tác phẩm/tác giả trong và ngoài nước, để các em tự đọc rồi trao đổi với nhau, với thày/cô trong “Câu lạc bộ những người yêu văn học” của trường, ngoài giờ, chứ không cần bắt mọi học sinh phải làm việc này và cũng không đưa phần “tự đọc” này vào chương trình thi tốt nghiệp.  

Khi có đủ chữ nghĩa, kỹ năng sử dụng chúng và chuẩn thẩm mỹ phổ thông, các em sẽ viết, ví dụ: “Ngày ấy, đất nước có chiến tranh. Một đôi vợ chồng nọ, mà ngườichồng vốn là một người lính khinh kỵ đã về hưu, có một ngườicon trai duy nhất, đến tuổi nhập ngũ. Thương con, xót cảnh nhà, người vợ “giúp” con trốn lính bằng cách giấu con vào một chiếc thùng gỗ trong buồng và ngày ngày lén đưa cơm nước cho cậu ta. Đúng ngày nhập ngũ, cơ quan đăng ký quân sự địa phương được tiếp một người lính khinh kỵ ngoài 50 tuổi, cưỡi một con ngựa già, đeo một thanh gươm cũ, đến đăng lính chống giặc thay con”, chứ không viết: “Tôi đã trốn nghĩa vụ quân sự hai lần. Cả hai lần ấy, bố mẹ tôi đều cho tôi tiền để đưa cho cán bộ quân sự địa phươngvà tôi nghĩ, thế là đúng. Chỉ những ai học dốt mới phải đi bộ đội. Tôi ở nhà học đại học thì có lợi cho đất nước hơn là nhập ngũ” (chuyện có thật!).

Các em sẽ viết, ví dụ: “Một buổi chiều, ông giáo già chợt thấy hai quân nhân cao lớn, quân phục tề chỉnh, gõ cửa nhà mình. Họ kính cẩn trao cho ông một chiếc đồng hồ đeo tay đã cũ và nói: “Thưa thầy! Bạn chiến đấu của chúng con, học trò cũ của thầy, chiến sĩ công binh Nguyễn Quang Vinh, đã hy sinh khi làm nhiệm vụ! Trước khi mất, anh ấy dặn chúng con phải đưa bằng được kỷ vật này tới tay thầy”; chứ không viết: “Sáng nay, cô giáo em, mặc rất đẹp, bước vào lớp, nhẹ nhàng đặt chiếc cặp lên bàn, cho chúng em ngồi xuống, rồi cũng nhẹ nhàng, cô nói: Được rồi! Hôm nay ai nộp tiền thì lên đây!”.

Các em sẽ viết, ví dụ: “Sớm sớm, cha tôi ra đồng. Tôi đứng nhìn theo cha cho tới khi ánh bình minh và bóng người hòa làm một, tôi mới quay về”, chứ không viết: “Tôi nhìn theo cha tôi cho đến khi bóng ông chỉ còn nhỏ bằng... con chó, tôi mới quay về”...

Mặt khác, nếu soạn SGK ngữ văn tốt, chúng ta không chỉ làm bớt độ dày của sách, thậm chí còn có thể giúp bỏ hẳn một số môn học khác như là “Đạo đức”, “Giáo dục công dân”..., vì qua SGK ngữ văn, ta đã có rất nhiều cơ hội để dạy về đạo đức và tính công dân một cách sinh động, hơn hẳn cách dạy khô khan, những môn kia. Có thế, mới mong “giảm tải”; mong làm cho những cái cặp, những chiếc ba - lô trên lưng học sinh ta bớt nặng, do bớt đi được những sáo rỗng, những xảo ngôn kiểu “quan phương” chán chết tự thuở nào! Có thế, các em mới yêu môn văn, không ghét/sợ văn như lâu nay và từ đó, mới có thể giỏi văn.

Vũ trụ có bao nhiêu tinh tú, có bao nhiêu khí hạo nhiên, mới cho bầu trời một dải “văn” là dải Ngân Hà. Con rồng, con hổ, con báo, con sư tử dũng mãnh, dẻo dai và mềm mại từ bên trong như thế, mới hiện thành những nét “văn” trong dáng vẻ, trong chuyển động, trên vẩy trên lông như vậy. Dạy ngữ văn cho học sinh phổ thông là tặng cho họ cái khả năng thành ra “vũ trụ”; thành ra “diệu long”, “mãnh hổ”, “mãnh sư”...; để khi họ lớn lên, ta mới có thể hy vọng nhìn thấy những nét “văn” trong sự nghiệp của họ.

Nếu quá thực tế, thực dụng; quá say mê việc đưa vào SGK ngữ văn những lối nghĩ, lối nói, lối sống dung tục, dưới danh nghĩa “hiện đại”, “hợp thời”, thì càng ngày học sinh sẽ càng xa cái cao thượng, cao cả. Mà đã xa cái cao thượng, cao cả, thì “không còn gì để bàn” nữa!

II. VỀ CÁCH LÀM

Tôi xin kể chuyện của tôi: Trước thềm năm học 2005-2006, tôi được mời đọc và góp ý cho cuốn SGK Ngữ văn lớp 11, cùng một số nhà văn, nhà giáo khác.

Công văn mời góp ý cùng với “sách mẫu” đến tay tôi vào chiều ngày 12-5-2005, nhưng công văn lại đề nghị: “Gửi  góp ý về NXB Giáo dục trước ngày 15-5”! Thế là tôi chỉ còn đêm 12-5 và ngày 13-5 để đọc và viết ý kiến của mình!   Tận dụng hết thời gian, ngày 14-5, tôi tự đem thư góp ý của mình sang NXB Giáo dục để trao tận tay cho bộ phận xuất bản sách “Văn học trong nước”.

- Góp ý về nội dung, tôi chỉ kịp viết lại chương Đề dẫn của một giáo sư đầu ngành (xin phép được giấu tên), sao cho nó “ngắn chỉ còn một nửa”.  Tôi cũng nói về một chương sách khác, cũng của một giáo sư đầu ngành (và cũng xin phép được giấu tên), ấy là chương về “Văn bản học”, rằng chương này không nên để trong SGK ngữ văn lớp 11, dù nó có thể được in trên một tạp chí khoa học hoặc đọc tại một hội thảo về khoa học văn bản nào đó.

Người phụ trách mảng văn học trong nước của NXB, lúc đầu thì im lặng, nhưng sau thì bảo tôi, đại ý, hai giáo sư kia là chuyên gia đầu ngành, đã viết SGK lâu năm, lại là “thày chúng em”, “chúng em không thể sửa chữa những gì họ viết được!”. Rồi sau ít phút đắn đo, người ấy bảo: “Nói thật với anh, không phải chúng em không biết, nhưng anh tính, SGK mỗi năm in hàng nhiều triệu bản, nhiều tỷ trang; càng viết dài, viết nhiều, thì nhuận bút lại càng nhiều! Chẳng biết làm thế nào!”. Đến đây thì tôi xin phép ra về, vì thật tình, “không còn gì để nói nữa!”. Sau đó nửa năm hay một năm gì đó,  nhân ngồi với Phó Tổng giám đốc - Tổng biên tập NXB Giáo dục, tôi có hỏi xem anh ấy đã từng đọc thư góp ý của tôi chưa, anh ấy cười bảo: “Những ngày ấy (dịp tháng 5-2005), tôi đi công tác ở nước ngoài! Vả lại, lúc ấy, SGK đã in xong, sắp hoặc đã phát hành, còn đọc làm gì?”.

Chao ôi! Thế ra, việc “xin ý kiến góp ý” với SGK ngữ văn  năm ấy chỉ là việc bày ra cho “đủ lệ” (về hình thức) thôi sao? Và, ý kiến góp ý của tôi cũng như những người khác, thực ra là đã được “ngậm cười nơi chín suối”, ngay từ khi… chửa thành lời!

Với 80 triệu USD dành cho dự án làm SGK phổ thông mới (thông tin do Ban tổ chức dự án cung cấp), với ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo mới, hy vọng rằng, cả về nội dunglẫn cách làm, SGK sẽ khác trước.

Đỗ Trung Lai