Thầy Huỳnh Phương Bá, nguyên Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, đang giảng bài.

“Chữ Hán Nôm hiện còn nhiều trên các hoành phi, câu đối, đình, chùa, nhà thờ, bia mộ và các văn bản xưa, do đó, cần phải học chữ Hán Nôm để đọc cho được những nội dung của ông cha ta ngày xưa để lại”.

Những năm qua, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng (nay là Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng) đã tổ chức 3 khóa dạy chữ Hán Nôm miễn phí. Các lớp học tiến hành vào sáng thứ 7 hằng tuần, tại Nhà Văn hóa phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (119 Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng). Không chỉ trên địa bàn Đà Nẵng mà có những người ở tỉnh Quảng Nam vẫn đều đặn đến đây học tập.

Học viên có nhiều độ tuổi, nhiều đối tượng, dù điều kiện khác nhau nhưng cùng chung niềm đam mê con chữ. CCB Nguyễn Xuân Đáng (nhà ở đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng) miệt mài theo học nhiều năm, trở thành người viết chữ Nho thành thạo, tích cực tham gia hoạt động “cho chữ” trong các dịp lễ hội. Theo ông Đáng, chữ Hán Nôm rất độc đáo, ngày xưa gọi là “chữ Thánh hiền”, biết chữ Hán Nôm mới có thể đọc, nghiên cứu, sử dụng các tác phẩm của dân tộc ta xưa. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ, đại tá Nguyễn Duy Chương dẫu đã biết nhiều về chữ Hán Nôm vẫn đều đặn theo học suốt 3 năm liền. Dày công học tập, nghiên cứu, bác sĩ Chương viết được câu đối bằng chữ Hán Nôm và đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng. Trong khi đó, học viên Dương Công Lê ở phường Nam Dương (quận Hải Châu) luôn tích cực học tập, nghiên cứu và đã tổ chức lớp dạy chữ Hán Nôm miễn phí tại phường Nam Dương. “Mình học chữ Hán Nôm nhằm làm gương cho con cháu về tinh thần hiếu học và đó cũng là việc làm góp phần xây dựng xã hội học tập”, anh Dương Công Lê chia sẻ.  

Các giáo viên nơi đây đều đã cao tuổi, hầu hết là cán bộ nghỉ hưu. Hai Lão Nho Huỳnh Phương Bá và Nguyễn Đình Ngật là những người thành lập Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng và luôn tận tình truyền đạt cho học viên. Dẫu nay Thầy Ngật đã đi xa nhưng mọi người mãi còn ghi nhớ lời của người thầy giáo khả kính này: “Chữ Hán Nôm hiện còn nhiều trên các hoành phi, câu đối, đình, chùa, nhà thờ, bia mộ và các văn bản xưa, do đó, cần phải học chữ Hán Nôm nhằm đọc cho được những nội dung của ông ta cha ta ngày xưa để lại”. Thầy Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng, đã nhiều năm nghiên cứu chữ Hán Nôm, kiến thức sâu rộng, am hiểu cặn kẽ về Nho học, từ đó, những bài giảng của thầy rất phong phú, sâu sắc với nhiều nội dung mở rộng hết sức hấp dẫn, bổ ích. Đặc biệt, đại tá, CCB Hoàng Ngọc Khăn, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315 (Quân khu 5), Chủ tịch Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng, mới học chữ Nho khi nghỉ hưu, vậy mà bây giờ đủ trình độ giảng dạy và vững vàng cầm lái con thuyền Hán Nôm Đà Nẵng...  

Đi thực tế tại các đình, chùa, nhà thờ, nhiều học viên phấn khởi reo lên khi lần đầu tiên đọc được các chữ Hán: “Triệu thủy”, “Tổ công”, “Tông đức”, “Lưỡng long triều nguyệt”, “Quang tông diệu tổ”, “Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên/ Cao mộc thiên chi do nhất bổn”... Nhiều học viên xúc động nói: “Thật may mắn cho chúng tôi khi ở thành phố quê hương có những lớp dạy chữ Hán Nôm miễn phí!”.

Tặng hoa chúc mừng Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, nay là Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng. 

Cùng với đó, Hội đã dịch và giới thiệu nhiều văn bản chữ Hán nói về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa như “Hoàng Sa đảo” của nhà bác học Lê Quý Đôn, Bộ Công thời Minh Mạng phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc ở Hoàng Sa; dịch thuật nhiều tư liệu của các triều đại phong kiến Việt Nam; tham gia biên tập tập sách “Kỷ yếu Hoàng Sa”, góp phần tuyên truyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; dịch, giải thích và viết gia phả cho nhiều tộc họ; tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, giành hai giải Nhất tại Chương trình Giao lưu ngôn ngữ chào mừng Tuần lễ APEC năm 2017 và Lễ hội Bà Thu Bồn năm 2018… Với nhiều thành quả tiêu biểu, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đã được các cơ quan chức năng công nhận là 1 trong 20 “Dấu ấn Văn hóa” của thành phố Đà Nẵng trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2017).

Năm 2022, Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng tiếp tục tổ chức dạy chữ Hán Nôm   khóa IV với 3 lớp học: Lớp căn bản, lớp nâng cao và lớp dự thính, bằng hình thức học trực tuyến kết hợp học trực tiếp và đều miễn phí hoàn toàn. Đồng thời, Hội đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Thư pháp Nho học, quy tụ những người đam mê biểu diễn chữ Hán Nôm bằng nghệ thuật thư pháp, hướng đến việc tổ chức cho chữ tại các sự kiện, lễ hội trên địa bàn thành phố nhằm phục hồi phong tục cho chữ – một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta xưa.

Đặc biệt, Hội duy trì thường xuyên chương trình “Sinh hoạt Tao Đàn” vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Tại chương trình này, các thành viên được đăng tải, bình luận thơ, câu đối cùng các thể loại văn chương, thu hút không ít tao nhân mặc khách ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác. Theo cảm nhận của nhiều người, đây là sân chơi mới, bổ ích, hấp dẫn và cần được phổ biến, nhân rộng. “Thời gian tới, Hội đẩy mạnh chương trình dạy và học chữ Hán Nôm; tăng cường dịch thuật các văn bản cổ của dân tộc, các tài liệu, văn bia, gia phả của các cơ quan, đơn vị, tộc họ, nỗ lực tham gia các hoạt độngkhuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Chủ tịch Hội Hoàng Ngọc Khăn nhấn mạnh.

                                                                                     Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM