Trung tướng Khuất Việt Dũng cùng các đại biểu trao đổi kinh nghiệm về công tác hòa giải ở cơ sở với TS. Nguyễn Chí Công. Ảnh: Trần Hoàng Linh
Ngày 18,19-8-2022 tại tỉnh Thái Nguyên, Hội CCB Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Trung tướng Khuất Việt Dũng - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Namdự, chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Phạm Hoàng Sơn - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Ban, ngành tỉnh Thái Nguyên; Ban Tuyên giáo T.Ư Hội CCB và Báo CCB Việt Nam; Chủ tịch, cán bộ làm công tác pháp luật thuộc Hội CCB các tỉnh từ Quảng Trị trở ra dự Hội nghị. Đặc biệt Hội nghị còn được đón các “hòa giải viên” tiêu biểu về trao đổi, phổ biến kinh nghiệm.
Khó như tuyên truyền pháp luật.
Đó là chia sẻ không chỉ trong phát biểu chỉ đạo của Trung tướng Khuất Việt Dũng, mà cả ở hầu hết các ý kiến tham luận của các tỉnh, thành. Điều đó càng cho thấy nỗ lực của CCB trong công tác đặc biệt quan trọng này.
Tự hào là vượt lên khó khăn, 10 năm qua - kể từ năm 2012, khi Quốc hội ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), lực lượng CCB cả nước đã nghiêm túc triển khai, thực hiện toàn diện các quy định của Luật PBGDPL, coi đây là “cẩm nang” không chỉ những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền pháp luật mà là của hơn 3 triệu hội viên CCB, nhằm vừa trang bị sâu kiến thức pháp luật cho toàn Hội, vừa tiến hành có hiệu quả công tác PBGDPL đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng một xã hội “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật”, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như “Xóm an ninh tự quản”, “Làng không ma túy”, “Tủ sách pháp luật”… Nhưng hiệu quả nhất là CCB làm công tác hòa giải trong cộng đồng.
Đến nay Hội xây dựng được trong toàn quốc 133.000 hội viên làm hòa giải viên ở cơ sở. Quá trình hòa giải là quá trình nâng cao kiến thức pháp luật cho cả hòa giải viên và đối tượng được hòa giải.
Lý giải về những khó khăn trong tuyên truyền pháp luật, CCB Trần Văn Năm - thuộc Hội CCB tỉnh Bắc Kạn, có thâm niên 10 năm làm công tác báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, chia sẻ: “Trước hết là bản thân phải rất gương mẫu trong đạo đức, lối sống thì mới có uy tín nói để người ta nghe; hai là phải nghiên cứu học tập nắm chắc về kiến thức pháp luật, nhất là những luật mới ban hành; ba là phải hiểu đối tượng mà mình đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bốn là phải có phương pháp phù hợp. Tất cả 4 yêu cầu đó bản thân phải tự nỗ lực học tập, tự tìm hiểu, tự rèn luyện, tuyệt nhiên không có một khoản kinh phí nào hỗ trợ. Địa bàn đến tuyên truyền chủ yếu lại là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết văn hóa thấp, còn nhiều hủ tục lạc hậu…”.
Trung tướng Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng ban Pháp luật T.Ư Hội CCB Việt Nam cũng thành thực dãi bày một trong những khó khăn “muôn thủơ” là thiếu kinh phí. Công tác PBGDPL là hoạt động mang tính xã hội cao, không phát sinh lợi nhuận nên khó thu hút sự hỗ trợ, tài trợ. Bên cạnh đó Nhà nước lại chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ quan, cá nhân tham gia vào các hoạt động PBGDPL, vì vậy các cấp Hội hầu như chưa huy động được nguồn lực xã hội, hầu hết phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cơ sở. Có tỉnh như Vĩnh Phúc hỗ trợ cho công tác PBGDPL của Hội CCB tỉnh 50 triệu đồng/năm, nhưng Tây Ninh lại chỉ hỗ trợ được khoảng 4,5 triệu đồng, nhiều tỉnh không có điều kiện hỗ trợ…
Vui như hòa giải thành
Ấn tượng nhất trong các tham luận tại Hội nghị là của Hội CCB quận Đống Đa, T.P Hà Nội, do Đại tá Hoàng Văn Tiến - Phó chủ tịch Hội CCB quận trình bày - ăm ắp những vụ việc hòa giải thành mà nghe “rợn tóc gáy”.
Điển hình và rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích, là vụ vận động chủ hộ công trình xây nhàtrái phép,số nhà… hồ Ba Mẫu, phương Phương Liên, sau 20 năm tồn đọng. Nhiều lần cưỡng chế chủ nhà “tự thủ” ôm cháu nội 3 tháng tuổi, chuẩn bị sẵn 40 lít xăng chứa trong 2 can, thuê 18 xe ba bánh “gắn mác” thương binh, dùng xích khóa các xe lại thành từng cụm và khóa vào cổng. Lái xe mặt bặm trợn, râu tóc xồm xoàm, nằm trên xe, dường như chỉ đợi có người động đến là ăn vạ!
Được Quận ủy tin cậy giao nhiệm vụ, Hội CCB quận tổ chức 30 hội viên là thương binh tiêu biểu, do Chủ tịch quận làm Trưởng ban hòa giải, “tung” hội viên đi điều tra “ba gặp, bốn biết” theo kinh nghiệm tuyển quân trước đây, để nắm tình hình cả thân nhân chủ hộ và đặc biệt là số lái xe ba bánh, để có cơ sở lập kế hoạch hòa giải. Bất ngờ tìm ra trong số 18 người lái xe ba bánh có một thương binh, quê ở Hưng Yên là bạn chiến đấu năm 1972, ở Sư đoàn 2, Quân khu 5 với Chủ tịch quận Hội - Đại tá, thương binh Đinh Mạnh Giới. Ban Hòa giải xác định đây chính là “nút thắt” để gỡ mối “bòng bong” này.
Hôm ấy,chiều nghiêng về tối, Chủ tịch Quận hội mặc quân phục bạc màu không đeo quân hàm cùng với anh em thương binh đến gặp số lái xe. Bất ngờ ông tiến thẳng đến thương binh H., gọi tên… Hai người nhận ra nhau, mừng mừng, tủi tủi... chuyện cũ, chuyện mới, chuyện gia đình, chuyện làm ăn thật xúc động. Chuyện trò với H., Ban hòa giải nắm được trong số 18 người lái xe ba bánh chỉ có 3 thương binh, là H. và 2 người quê ở Bắc Giang, còn lại là thương binh giả. Chủ nhà thuê đến,chống lại chính quyền cưỡng chế, với giá 500.000 đồng/giờ/người/xe.
Tổ hòa giải còn cử 2 CCB nữ để sẵn sàng bế cháu bé 3 tháng tuổi ra khỏi khu vực cưỡng chế… Nhưng mọi việc đã diễn ra hết sức êm thấm, khi chủ nhà là một phụ nữ, được các bác, các chú CCB là thương binh đến, vừa tâm sự, vừa phân tích đúng, sai, vừa khuyên giải… Và cũng đến lúc đó chủ nhà mới biết bị môi giới tên T. lừa, đưa 15/18 “đầu gấu” đến, giả danh là thương binh!
Tổ hòa giải được UBND T.P Hà Nội tặng Bằng khen.
Động lực
Đúng là động lực. Khi Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên - Phạm Hoàng Sơn, thay mặt Tỉnh ủy phát biểu chào mừng Hội nghị. Ông dẫn ra đến 9 đầu việc chính của cơ sở, từ an ninh trật tự, đến xây dựng Nông thôn mới… “nhìn đi, nhìn lại vẫn là các bác, các chú CCB tiên phong”. Ông Sơn khẳng định: Những kết quả đạt được của tỉnh trong đó có công tác PBGDPL, có sự đóng góp rất lớn, hiệu quả của Hội CCB, từ tỉnh đến cơ sở… Nghe ông nói cả hội trường như được tiếp thêm động lực tinh thần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa.
Còn TS. Nguyễn Chí Công - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao, giới thiệu Chuyên đề về “Nội dung cơ bản và kết quả bước đầu triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”, khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp là một trong những thiết chế truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm truyền thống trọng tình, trong đức, trong văn của văn hóa người Việt.
Quá trình phát triển đất nước, cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn do nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau thực hiện, nhưng “hòa giải thành” ở nước ta cao nhất là lực lượng CCB, bởi những thế mạnh về hiểu biết, từng trải và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Ông Công phân tích thêm: Hòa giải viên có quyền chỉ ra những thỏa thuận mang lại lợi ích hơn cho hai bên mà Chánh án không được phép làm. Hòa giải thành, nghĩa là hai bên đều được. Ngược lại, tòa xử sẽ có bên thắng, bên thua. Bên thắng thì hoan hỷ, còn bên thua thì thù hận…
Những “hòa giải viên” CCB nghe, đã gắn bó, càng gắn bó hơn công việc hòa giải viên. Tại Hội nghị, 14 tập thể, 6 cá nhân được Thường trực T.Ư Hội CCB tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong PBGDPL 10 năm qua.
Huy Thiêm