Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc - Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Nhật Bản - Taro Kono tại cuộc hội đàm ở Bangkok ngày 17-11

Các mắt xích kết nối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang trở nên rệu rã khi tàn dư chiến tranh bỗng lại trở thành nguồn cơn của các mâu thuẫn cuốn hai quốc gia Đông Bắc Á vào một cuộc đối đầu với một tương lai mù mịt.

Mọi nỗ lực nhằm duy trì Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần như đã tuyệt vọng khi Bộ trưởng quốc phòng hai nước không đạt được bước đột phá nào trong cuộc hội đàm dài 40 phút ngày 17-11 tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ sáu.

GSOMIA được Hàn Quốc và Nhật Bản ký năm 2016 nhằm đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Hiệp định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 23-11-2019 nhưng Hàn Quốc đã thông báo với Nhật Bản về việc không gia hạn hiệp định này theo quy định.

Như vậy, GSOMIA - một hợp tác quân sự thiết thực giữa Hàn Quốc và Nhật Bản coi như đã “tận số” nếu hai nước không có nhượng bộ đáng kể nào vào tuần này.

Số phận của GSOMIA và một số mắt xích hợp tác khác giữa hai nước vô tình lại bị định đoạt bởi những mâu thuẫn giữa hai bên trong giải quyết các vấn đề từ thời chiến. Cuối năm 2018 sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu nhiều công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động người Hàn Quốc từng bị ép buộc đóng tàu và khí cụ bay thời kỳ Đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai năm 1944, cũng như những lao động cưỡng bức khác bị Đế quốc Nhật Bản ép buộc trong chiến tranh, xung đột ngoại giao và chính trị giữa hai quốc gia ngay lập tức trở nên căng thẳng. Quyết định này khiến Nhật Bản tức giận vì cho rằng vấn đề đã được giải quyết theo Hiệp ước Quan hệ cơ bản Hàn Quốc và Nhật Bản năm 1965. Để trả đũa, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chính thức phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Hàn Quốc khi thực hiện hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao được sử dụng trong chất bán dẫn và thiết bị hiển thị từ ngày đầu tháng 7 năm nay.

Đòn đánh kinh tế của Nhật Bản thực sự là đòn hiểm, tác động nghiêm trọng tới nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Để đáp trả, Seoul quyết định không gia hạn GSOMIA. Vậy là từ mâu thuẫn chính trị, ngoại giao, hai nước đã lao vào cuộc thương chiến và với việc dừng hợp tác chia sẻ thông tin tình báo theo Hiệp định GSOMIA thì mối quan hệ quốc phòng giữa hai bên sẽ tiếp tục lao dốc.

Liệu có giải pháp nào cứu vãn quan hệ hai nước? Câu trả lời vừa dễ, vừa khó. Thật khó thay đổi được quyết định của một Tòa án Tối cao Hàn Quốc nhưng nếu phán quyết này khiến các công ty của Nhật Bản không kinh doanh được ở Hàn Quốc, đẩy hai nước vào những mâu thuẫn trầm trọng ở nhiều phương diện thì việc cần làm là ra một phán quyết mới để thay đổi thực trạng. Nhật Bản có lý của mình khi nói “lòng tin an ninh” của họ bị tổn thương bởi hai nước đã thống nhất việc bồi thường chiến tranh và việc bồi thường đã được thực hiện. Việc Nhật Bản ngừng xuất khấu vật liệu công nghệ cao là một biện pháp mạnh nhưng có lẽ chẳng còn cách nào khác để trừng phạt Hàn Quốc khi quốc gia này áp dụng các biện pháp kinh tế với các công ty của Nhật Bản kinh doanh ở nước này theo phán quyết của tòa. Câu trả lời cũng thật dễ bởi Hàn Quốc, nếu biết kiềm chế, vẫn tiếp tục gia hạn GSOMIA, coi đây là một nền tảng để khôi phục lại quan hệ hai nước.

Trong lúc hợp tác về quốc phòng để xây dựng niềm tin và bảo đảm an ninh cho khu vực luôn được nhiều quốc gia chú trọng thì việc GSOMIA không được gia hạn sẽ báo hiệu sự tan rã của nhiều mối quan hệ khác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn lúc nào hết, hai quốc gia cần phải sớm tăng cường các biện pháp ngoại giao xây dựng lòng tin để tránh đẩy những bất đồng về chính trị, ngoại giao, quân sự lên một nấc thang mới.

Ngọc Hưng