Dũng cảm, kiên cường trên “Trận địa mặt đường”

Cách đây tròn 50 năm, nhằm tăng cường lực lượng đáp ứng yêu cầu vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 20-7-1972, Binh trạm 15 trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn được thành lập. Binh trạm có nhiệm vụ nhận hàng của Binh trạm 14 tại Lùm Bùm (Lào) vận chuyển theo đường 128B giao hàng cho Binh trạm 12 ở kho Đ3, bắc đường số 9.

Cuối năm 1972, Binh trạm 15 được điều chuyển từ Tây Trường Sơn về đứng chân ở Thanh Lạng, Tuyên Hóa, Quảng Bình, sẵn sàng mở tuyến vu hồi theo đường 12 xuống đường 9 khi cần. Trong giai đoạn này, cùng với tổ chức bảo đảm cho vận chuyển thường xuyên, Công binh Trường Sơn bước đầu chuyển hóa về tổ chức, chuẩn bị cho yêu cầu làm đường cơ bản.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, ngày 28-2-1973, trên cơ sở Binh trạm 15, Trung đoàn 15 được thành lập trực thuộc Sư đoàn khu vực 472, để làm đường 12A từ ki-lô-mét 36 trở vào. Tiếp đó, tháng 7-1973, Trung đoàn 15 được điều vào Quảng Trị trực thuộc Sư đoàn 473, làm nhiệm vụ bảo đảm đường 42B, từ Bến Quang đến Cam Lộ và bảo đảm đường 9 từ Đông Hà đến Bản Đông (Lào). Ngày 16-8-1974, Trung đoàn 15 được đổi thành Trung đoàn 515.

Dù là Binh trạm 15, Trung đoàn 15, hay Trung đoàn 515, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều xứng đáng là một bộ phận của Công binh Trường Sơn - Binh chủng “Tường đồng vách sắt”, lấy mặt đường làm trận địa; dũng cảm, mưu trí, vượt qua gian khổ, khốc liệt của chiến trường Trường Sơn, chấp nhận tổn thất, hy sinh để mở đường, bảo đảm giao thông, cứu xe, cứu hàng…, phục yêu cầu vận chuyển chi viện chiến trường từ 1972-1974.

Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cùng với lực lượng công binh trên toàn tuyến, Trung đoàn 515 tham gia xây dựng đường vận chuyển chiến lược mới, bảo đảm cơ động quy mô lớn cả về lực lượng, trang bị khí tài…

Đầu năm 1974, Trung đoàn triển khai sản xuất vật liệu, tu bổ đường số 9, rải nhựa từ Sa Mưu lên Khe Sanh; đồng thời tổ chức lực lượng triển khai xây dựng khu sản xuất vật liệu ở km số 14 đường 14 để rải nhựa cơ bản đường Đông Trường Sơn từ đường số 9 trở vào. Khi Chủ tịch Phi Đen và Chính phủ Cu Ba viện trợ thiết bị hiện đại, cử chuyên gia giúp Việt Nam nâng cấp đường Đông Trường Sơn, Trung đoàn 515 vinh dự, được tin tưởng giao quản lý, sử dụng phần lớn máy móc thiết bị hiện đại và làm việc trực tiếp với đội ngũ chuyên gia của Bạn; nhanh chóng tiếp thu, làm chủ công nghệ và kỹ thuật mới; cùng chuyên gia Bạn không quản nắng núi mưa ngàn Trường Sơn, cần cù, sáng tạo để làm nên những cây số đường nhựa đầu tiên của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Tiếp đó, Bạn giúp ta cải tạo, nâng cấp đường 14 từ cầu Đăk Rông (Quảng Trị) vào A Lưới (Thừa Thiên), mở rộng và thảm nhựa mặt đường, kịp thời bảo đảm cơ động thần tốc các quân đoàn chủ lực tiến về Nam, giành toàn thắng trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, để lưu giữ tình bạn chiến đấu Việt Nam - Cu Ba; khắc ghi sự ủng hộ chí tình chí nghĩa của Lãnh tụ Phi Đen, Chính phủ và nhân dân Cu Ba đối với Bộ đội Trường Sơn và sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, Trung đoàn 515 đã dựng Bia lưu niệm ở đoạn đường này trên quốc lộ 14. Trên Bia khắc dòng chữ “Đoạn đường Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba”. Để xứng tầm với di tích lịch sử lưu niệm, vừa qua, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã phối hợp đầu tư, nâng cấp Bia di tích “Đoạn đường Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba”. Công trình được khánh thành ngày 11-12-2020.

Từ chiến trường tiến tới những công trường, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung đoàn 515 được điều chuyển trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, tiếp tục tham gia nâng cấp đường 14; bảo đảm giao thông đường số 9 từ Đông Hà lên Khe Sanh; thảm nhựa đường 14 từ cầu Đăk Rông vào Bù Lạch. Tiếp đó, Trung đoàn được biên chế thuộc Sư đoàn 384, triển khai nâng cấp, thảm nhựa, bảo đảm giao thông đường số 9 từ Đông Hà sang tới Mường Phìn (Lào), giúp Bạn xây dựng đường số 9B.

Khi chiến tranh nổ ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, Bình đoàn quyết định để một phần lực lượng Trung đoàn  515 thuộc Sư đoàn 384, còn phần lớn lực lượng tăng cường cho tuyến biên giới phía Bắc; xe vận tải lớn được điều chuyển cho Công trường thế kỷ thủy điện Hòa Bình. Phát huy truyền thống hào hùng “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của Công binh Trường Sơn thời kỳ đánh Mỹ, từ đây, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 515 tiếp tục sát cánh cùng các đơn vị thuộc Binh đoàn Trường Sơn đi tới mọi miền của đất nước, xây dựng các công trình kinh tế - quốc phòng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nghĩa tình sâu nặng giữa đời thường

Chiến tranh kết thúc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn, có người tiếp tục phục vụ quân đội, có người chuyển ngành và phần lớn trở về hậu phương, gia đình. Mỗi người một ngành nghề, mỗi quê hương, mỗi hoàn cảnh, nhưng gần nửa thế kỷ qua, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn không thể nào quên những năm tháng đã vượt qua vô vàn gian nan, khốc liệt của chiến tranh, thời tiết nghiệt ngã của Trường Sơn, đế “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”; những tháng ngày sống với nhau chí nghĩa chí tình như ruột thịt, nhường áo sẻ cơm, sẵn sàng nhận cái chết về mình, nhường sự sống cho đồng đội… Tinh thần, tình cảm của một thời trận mạc, càng được trân trọng, tỏa sáng trong cuộc sống đời thường. Các CCB Trung đoàn 515 từ mọi miền của đất nước vẫn luôn hướng về, tìm đến nhau, để chia sẻ vui buồn, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống đời thường.

Những năm qua, Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn thực sự là “ngôi nhà chung”, là sợi dây kết nối, hội tụ tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn qua các thời kỳ. Với mục đích: “Truyền thống và Nghĩa tình”, Ban Liên lạc cố gắng tạo cơ hội để CCB Trung đoàn gặp nhau; cùng ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn, của Trung đoàn; động viên, nhắc nhủ nhau sống xứng đáng với một thời rất đỗi hào hùng, xứng đáng với những đồng đội đã khuất; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào yêu nước; giáo dục con cháu ngoan hiền, xây dựng gia đình hạnh phúc; đặc biệt nhiều hội viên đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo; thông qua Ban Liên lạc, vận động hội viên và các nguồn lực xã hội giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn; tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình, thiện nguyện…

Lịch sử là dòng chảy vĩnh hằng nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Trân trọng, tự hào với truyền thống vẻ vang của đơn vị, các CCB Trung đoàn 515 càng vững tin truyền thống đó sẽ tiếp tục tỏa sáng giữa đời thường hiện tại và tương lai.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên Chính ủy Trung đoàn 515