Thường xuyên lăn trở, thay đổi tư thế cho người đột quỵ

Người bệnh sau đột quỵ thường gặp phải các di chứng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống. Giai đoạn chăm sóc và phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng. Người nhà phải tạo điều kiện cho bệnh nhân được sống trong môi trường vận động phong phú. Bên cạnh đó, bạn cũng cần nắm rõ những lưu ý chăm sóc người đột quỵ:

Phòng ngừa biến chứng hô hấp

Người bệnh đột quỵ thường gặp phải di chứng méo miệng, dẫn đến khả năng nhai, nuốt thức ăn gặp khó khăn. Người bệnh thường bị sặc, tắc thức ăn, khiến thức ăn hay các vật lạ có thể đi xuống phổi, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp.

Để phòng ngừa các biến chứng về hô hấp, người chăm sóc cần lưu ý một số vấn đề sau: Thường xuyên lăn trở, thay đổi tư thế cho người bệnh 1,5-2 tiếng/lần nếu người bệnh nằm liệt giường. Không nên cho người bệnh nằm ngửa hoàn toàn, tư thế này sẽ gây ảnh hưởng đến sự lưu thông khí và hoạt động nhai nuốt thức ăn. Người bệnh nên nằm nghiêng 1 bên hoặc cho người bệnh kê cao đầu. Loại bỏ đờm dãi hoặc vật thể lạ trong miệng người bệnh nếu không may nuốt phải, giúp đảm bảo thông khí. Hướng dẫn và khuyến khích người bệnh đột quỵ thực hiện các bài tập thở thường xuyên.

Thường xuyên vệ sinh cá nhân cho người bệnh

Đa số người bệnh đột quỵ sau khi qua khỏi sức khỏe vẫn còn yếu, kèm theo các di chứng: liệt, méo miệng… quá trình chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho người bệnh đột quỵ cần lưu ý những vấn đề sau: Giúp người bệnh đánh răng thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày. Có thể sử dụng nước súc miệng không chứa cồn, nước muối pha loãng để người bệnh súc miệng sau khi ăn. Thường xuyên lau người và lăn trở cho người bệnh đột quỵ, tránh tình trạng nằm lâu dẫn đến viêm loét da, viêm đường tiết niệu... Khi tắm rửa cho người bệnh cần thực hiện trong phòng kín gió, nhiệt độ nước tắm ấm từ 37-45 độ C, sàn nhà tắm nên lát gạch chống trơn, không nên tắm quá 7 phút và vào buổi tối. Nên hướng dẫn người bệnh một số các dấu hiệu khẩu lệnh khi muốn đi vệ sinh để hỗ trợ kịp thời.

Về tập luyện

Người bệnh đột quỵ cần được luyện tập vận động càng sớm càng tốt. Ngay cả khi còn nằm trên giường, người bệnh có thể thực hiện một số bài tập như giơ tay, hạ tay, lăn trở... Cụ thể: Tập lăn trở trên giường, tập ngồi, chuyển đổi các tư thế từ nằm sang ngồi và ngược lại; hỗ trợ người bệnh tập đứng thăng bằng, tập đi, điều chỉnh dáng đi; hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài tập gia tăng sức mạnh cơ nhằm phục hồi chức năng vận động. Có thể cho người bệnh luyện tập với tạ theo mức độ từ nhẹ đến nặng, tập đạp xe tại chỗ; cho người bệnh sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: nạng, bóng cầm, kẹp cố định... giúp hỗ trợ tập luyện tốt hơn.

Về dinh dưỡng

Người bệnh cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, vitamin và các khoáng chất. Nên ăn nhiều đậu (đậu lăng, đậu Hà Lan,...), ăn thịt gia cầm thay vì thịt đỏ. Người bệnh đột quỵ thường gặp nhiều khó khăn trong việc nuốt và nhai thức ăn. Do đó, thức ăn cần được ninh nhừ, chế biến dưới dạng cháo đặc hoặc cơm nát, tùy theo khả năng tiêu hóa của người bệnh.

Về tâm lý

Chán nản, thất vọng, tự ti, trầm cảm, nóng giận vô cớ, thường xuyên lo âu... là tình trạng thường gặp ở người bệnh sau đột quỵ. Do đó, người chăm sóc cần quan tâm đến tinh thần của người bệnh, giúp họ lạc quan, vui vẻ hơn bằng cách động viên và thường xuyên lắng nghe người bệnh. Giúp họ tham gia các hoạt động mang tính sáng tạo hoặc kích thích như: tô tranh, trò chơi ô chữ…

Chăm sóc bệnh nhân sau khi bị đột quỵ là một quá trình kéo dài, kiên trì và phải có kiến thức cơ bản, nhằm tránh tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân đột quỵ.

Thành An