Lắp choòng khoan trên gian MP3 của Vietsovpetro
Đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, đồng hành cùng với những ca khúc nổi tiếng như “Bài ca không quên”, “Đất nước”, “Khát vọng”, “Đường tàu mùa xuân”, thì “Mùa xuân từ những giếng dầu” là đỉnh cao trong dòng chảy ca khúc cách mạng của nhạc sĩ tài hoa Phạm Minh Tuấn.
Năm 1981, Việt Nam và Liên Xô chính thức ký Hiệp định khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây cũng chính là “dấu mốc” quan trọng để nhạc sĩ tài hoa Phạm Minh Tuấn trăn trở và nghĩ suy. Việt Nam đã có giàn khoan, đã khai thác được dầu lửa, tại sao không có một bài hát ngợi ca về những người lính thợ? Phải làm gì để cổ vũ động viên những người lính dầu khí đang ngày đêm thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc tìm kiếm và khai thác dầu lửa giữa đại dương bao la? Nhưng sáng tác bằng cách nào khi bản thân nhạc sĩ chưa biết gì về khai thác dầu khí, cũng như chưa một lần “thực mục sở thị” về công nhân dầu khí làm những gì? qui trình vận hành ra sao?
Đúng lúc “bí từ, hạn hẹp hình ảnh” ấy, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được người bạn đồng môn - nhạc sĩ Dương Hưng Bang nói: “Việt Nam chúng ta đã tìm được dầu khí ở thềm lục địa Vũng Tàu rồi”.
Năm 1981, Hội Nhạc sĩ T.P Hồ Chí Minh tổ chức một tổ đi Vũng Tàu thực tế, trong đó có Phạm Minh Tuấn. Ông được người phụ trách công trình san lấp mặt bằng đưa đi tham quan công trình dầu khí tại cảng Vietsovpetro. Nhìn những người thợ nhễ nhại mồ hôi “trằn” mình trong nắng lửa, mưa rào trên những công trình, trong đầu ông mường tượng ra những giàn khoan rực sáng lửa hồng khi mùa xuân đang tràn về hối hả. Vậy là những ca từ “Mùa xuân đến từ những giếng dầu. Mùa xuân đến từ những nụ hoa thắm màu. Mùa xuân đến rạo rực lòng ta. Mùa xuân đến làm đẹp bài ca…” được ông “nháp” trong đầu.
Trong một khoảnh khắc ngồi bên bàn trà, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chợt nghĩ, nếu chỉ để những ca từ “Mùa xuân đến từ những giếng dầu. Mùa xuân đến từ những nụ hoa thắm màu” thì chưa “đặc tả” như một sự báo hiệu mùa xuân đang tràn về trên biển. Đầu bài hát phải thể hiện “chất liệu âm nhạc đặc cách như cột sóng bùng lên từ lòng biển” trước khi những ca từ hùng tráng vút lên. Nói cách khác nó như một “tiếng còi tàu” báo hiệu mùa xuân đã về trên những giàn khoan. Nghĩ là làm, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đặt giả thiết: “giăng tấu dạo đầu”: “Hu hú hu, hà ha há ha. Mùa xuân đến từ những giếng dầu. Mùa xuân đến từ những nụ hoa thắm màu. Mùa xuân đến rạo rực lòng ta. Mùa xuân đến làm đẹp bài ca…”. Ông trào nước mắt trong niềm xúc động với cách “gieo nhạc” và những ca từ ấy, đặc biệt ấy.
Sau khi bài hát ra đời và được Đài tiếng nói Việt Nam thu thanh, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn mới có dịp “lặng tâm ngẫm lại”. Ông chia sẻ với khán giả và bầu bạn đồng môn: T.P Vũng Tàu năm 1981 hoang sơ. Cảng dầu khí Việt - Xô ngày ấy cũng rất hoang sơ. Nhưng chính nó đã chắp cách cho những ca từ đầu tiên mang “đậm chất dầu khí”. Để rồi sau gần 3 năm thai nghén, ca khúc “Mùa xuân từ những giếng dầu” được ra đời. Đời nhạc sĩ có được ca khúc đã là hạnh phúc, nhưng nó sống mãi trong tim khán thính giả cả nước càng hạnh phúc hơn. “Mùa xuân từ những giếng dầu” đã chiếm trọn niềm tin của khán thính giả cả nước vào những thập niên 80 của thế kỷ XX. Nó là món quà tinh thần vô giá dành tặng riêng biệt cho cán bộ, công nhân, chuyên gia Việt - Nga Vietsovpetro qua nhiều thế hệ.
Ca khúc tự hào của người thợ mỏ
Xuân 2022, ngót 40 năm kể từ ngày ca khúc “Mùa xuân từ những giếng dầu ra đời” - một quãng khá dài so với dòng chảy thời gian. Nhưng, những ca từ: “Mùa xuân từ những giàn khoan, giữa biển khơi ngàn trùng sóng vỗ, mùa xuân hạnh phúc tình yêu, với tấm lòng Việt Nam - Liên Xô” mãi mãi ăn sâu trong tâm khảm tiềm thức những người thợ mỏ dầu khí.
Gần 40 năm gắn bó với Vietsovpetro, trong đó có khoảng thời gian dài làm việc trên công trình giàn khoan, CCB Nguyễn Xuân Trình chia sẻ: “Ở thế hệ chúng tôi bài hát “Mùa xuân từ những giếng dầu” thuộc như lòng bàn tay. Tôi có nhiều năm đón Tết ngoài giàn khoan. Chiều 30 Tết nỗi nhớ đất liền cồn cào. Bỗng nghe những ca từ “Mùa xuân đến từ những nụ hoa thắm màu, mùa xuân từ những giàn khoan”, bỗng dưng lòng xao xuyến. Niềm kiêu hãnh ở đâu ùa về. Thật lòng mà nói, mỗi khi nghe ca khúc này, tôi cảm giác tự hào lắm. Nó như là máu thịt gắn liền với người thợ tìm vàng đen cho Tổ quốc.
Từ một chiến sĩ báo vụ của Nhà giàn DK1 trở về giữa “lằn ranh sinh tử” trong cơn bão quốc tế Fathes tháng 12-1998, Nguyễn Xuân Thủy gia nhập vào “đội quân dầu khí” và bắt đầu hành trình “đi tìm lửa dưới đáy đại dương”. Không nhớ hết cung bậc cảm xúc mỗi lần nghe ca khúc “Mùa xuân từ những giếng dầu”, nhưng lần nào Thủy cũng rưng rưng xúc động khi những ca từ vút cao hùng tráng: “Mùa xuân từ những giàn khoan, giữa biển khơi ở đâu mỏ quý, mùa xuân từ những bàn tay, với tấm lòng Việt Nam - Liên Xô”. “Tôi tự hào vì được làm việc trong Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Càng nghe ca khúc “Mùa xuân từ những giếng dầu”, tôi càng thấu hiểu, để có những dòng dầu đem lên từ lòng biển và thắp sáng đại dương, biết bao thế hệ cán bộ, công nhân viên, chuyên gia đã thầm lặng hy sinh. Chính bài ca “Mùa xuân từ những giếng dầu” đã là động lực giúp chúng tôi vơi đi nhọc nhằn gian khổ…
Xuân Nhâm Dần đã về với những giàn khoan trên. Những người lính thợ đang chạy đua với thời gian để khơi từ lòng đại dương những vỉa dầu thô. Trong niềm vui đón chào xuân mới, trong tim họ vang vọng lời ca “Mùa xuân từ những giàn khoan, giữa biển khơi ngàn trùng sóng vỗ, mùa xuân hạnh phúc tình yêu, ta hãy cười mùa xuân thêm vui”…
Mai Thắng