Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh.
“Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng với phương châm “Dân tộc, Đại chúng, Khoa học” đã thu hút nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghệ sĩ từ bỏ tháp ngà, lên đường đấu tranh cách mạng… Đường lối văn hóa của Đảng đưa văn hóa Việt Nam trở về với cội nguồn dân tộc, chống lại xu hướng duy tâm, mê tín, lạc hậu; và đặc biệt đưa văn hóa về với số đông, là đại bộ phận nhân dân, sẽ quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta luôn khẳng định vai trò to lớn của văn hóa - là một trong ba mặt trận: Chính trị, kinh tế, văn hóa; đòi hỏi phải có các tổ chức và đội ngũ hoạt động văn hóa, văn nghệ để xây dựng một nền văn hóa cứu quốc, chống lại văn hóa nô dịch của đế quốc thực dân, văn hóa phong kiến lạc hậu, bảo thủ.
Những năm đầu thập niên 1940, dân tộc ta phải chịu cảnh một cổ ba tròng (phong kiến, thực dân Pháp, phát xít Nhật áp bức). Không chỉ bần cùng về kinh tế, đất nước còn bị bóp nghẹt, ngột ngạt về tinh thần; nhiễu loạn, phức tạp bởi nhiều trường phái, học thuyết: kẻ thân Tây, người theo thuyết “Đại đông Á” của Nhật… Với quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Đảng ta mà đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sớm xác định rất rõ: Có cứu được dân tộc mới cứu được văn hóa dân tộc. Vì lẽ đó, Hội nghị Thường vụ T.Ư Đảng họp từ ngày 25 đến 29-2-1943 bàn một số vấn đề về vận động giải phóng dân tộc, đã xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam. Đó là cơ sở để Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo, ra đời.
Thực tiễn cách mạng kiểm nghiệm cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng ta qua nhiều các thời kỳ và nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng có nội dung ngắn gọn (chỉ hơn 1.300 từ) nhưng rất súc tích, đậm tính khoa học, cách mạng…, đã trở thành một vũ khí tư tưởng sắc bén trên mặt trận văn hóa, là Cương lĩnh Văn hóa đầu tiên của Đảng ta.
Đề cương Văn hóa năm 1943 gồm 5 phần, trình bày cụ thể quan điểm về văn hóa của Đảng, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; mục đích, nguyên tắc, quan hệ của cách mạng văn hóa với cách mạng giải phóng dân tộc; nhiệm vụ cấp bách của người chiến sĩ văn hóa. Đặc biệt, Đề cương Văn hóa đã xác định rõ ba nguyên tắc vận động của văn hóa ở Việt Nam thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc là:
1.Dân tộc hóa: Chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho Việt Nam phát triển độc lâp.
2. Đại chúng hóa: Chống lại mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.
3. Khoa học hóa: Chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.
Đề cương đã trình bày có hệ thống các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; là kết hợp giữa tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm 12 năm hoạt động trên mặt trận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời. Đặc biệt Phần 5 của Đề cương, đã dự báo tình hình, đề ra những quan điểm tư tưởng cơ bản của Đảng về văn hóa dân tộc có sức thuyết phục mạnh mẽ, là ngọn cờ hiệu triệu đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ của nước nhà tham gia vào cuộc vận động văn hóa, vào cuộc cách mạng giải phóng về văn hóa tư tưởng của mỗi người và toàn dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký của mình đã viết: “Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng với phương châm “Dân tộc, Đại chúng, Khoa học” đã thu hút nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghệ sĩ từ bỏ tháp ngà, lên đường đấu tranh cách mạng… Đường lối văn hóa của Đảng đưa văn hóa Việt Nam trở về với cội nguồn dân tộc, chống lại xu hướng duy tâm, mê tín, lạc hậu; và đặc biệt đưa văn hóa về với số đông, là đại bộ phận nhân dân, sẽ quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng..” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký. Nxb QĐND, Tr. 538).
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời là thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên cả ba mặt trận: Chính trị, quân sự, văn hóa. Với ý nghĩa đó, Đề cương Văn hóa năm 1943 đã góp phần huy động, phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam tạo thành sức mạnh, khí thế “xung thiên” của mùa thu Tháng Tám 1945. Cũng từ đây, nền văn hóa bị nô dịch, lệ thuộc, lạc hậu đã được thay thế bằng nền văn hóa Việt Nam mới.
Đến Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Ngay sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 24-11-1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong bài phát biểu quan trọng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Với quan điểm đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát huy sức mạnh to lớn của nền văn hóa mới Việt Nam, đánh thắng hai tên đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Nhiều chiến lược gia của Pháp và Mỹ thừa nhận họ thua Việt Nam trong các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây, trước tiên là thua văn hóa Việt Nam.
Những quan điểm đúng đắn, những thành tựu to lớn và những bài học có giá trị sâu sắc mà Đề cương Văn hóa năm 1943 mang lại qua thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc là cơ sở để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới.
Thời gian gần đây, nhất là từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, sự bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ - công nghệ thông tin và xu thế hội nhập toàn cầu sâu rộng đã đặt tính “Dân tộc” của Văn hóa Việt Nam trước thách thức mới - “Hội nhập nhưng không hòa tan”. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc phải chịu nhiều áp lực, thách thức. Sự giao thoa với bên ngoài trong tiến trình hội nhập quốc tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, là những nguyên nhân khách quan làm mai một, thậm chí làm mất đi nhiều giá trị truyền thống. Về chủ quan, có không ít cấp ủy, chính quyền quá chú trọng phát triển kinh tế mà sao nhãng, thậm chí bỏ quên việc chăm lo gìn giữ, phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chạy theo lợi ích vật chất, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống… đã làm xói mòn một số giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, nhiều tệ nạn phát sinh...
Trước tình hình đó, Đảng ta đã kịp thời ban hành một số nghị quyết chuyên đề về văn hóa; tiêu biểu có thể kể đến:
- Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 5 Khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng Khóa XI (năm 2014) về “Phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Gần đây nhất, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra những nội dung cụ thể để “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, đó là: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị chuẩn mực con người gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Thực hiện những giải pháp đột phá ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nan xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam… Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. (Đảng CSVN: Văn kiên Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST. T.1, tr.143).
Mỗi nghị quyết được ban hành đều thể hiện bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng… của văn hóa đối với đời sống xã hội. Từ đó, Đảng đề ra các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng nền văn hóa nước nhà và con người Việt Nam trong từng giai đoạn. Nhưng cũng từ các nghị quyết kể trên, chúng ta thấy được những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 (Dân tộc - Đại chúng - Khoa học) vẫn là những giá trị mang tính cốt lõi, luôn luôn được kế thừa, vận dụng và phát triển.
Việt Hưng