Doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm (bên phải) đưa Đoàn cán bộ tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty CP Tiên Sơn Thanh Hoá (tháng 6-2021).

Rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 38%, đến nay doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần (CTCP) Tiên Sơn, Thanh Hóa đã gây dựng doanh nghiệp đem lại nhiều việc làm, lợi ích cho hàng nghìn người lao động trên chính quê hương mình. Với CCB Trịnh Xuân Lâm, những khó khăn trên thương trường chỉ là “phép thử” để mình tự đổi mới, vươn lên.

Nắm bắt cơ hội

Năm 1980, chàng thanh niên Trịnh Xuân Lâm rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 38%, trở về địa phương và kinh qua nhiều cương vị công tác, đến năm 1995,  khi Đảng, Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân và đảng viên được làm kinh tế, với sự nhạy bén, ông đã nắm bắt tốt cơ hội, mạnh dạn thành lập Công ty TNHH đầu tiên tại thị xã Bỉm Sơn (tiền thân của CTCP Tiên Sơn hiện nay).

Doanh nhân Trịnh Xuân Lâm tâm sự: “Bước ngoặt lớn nhất của CTCP Tiên Sơn là năm 2006, xác định ngành may công nghiệp xuất khẩu là ngành nghề thu hút nhiều lao động và phù hợp với trình độ, năng lực của người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông tại địa bàn nông thôn tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, tôi đã quyết định đầu tư và định hướng phát triển ngành may công nghiệp xuất khẩu là ngành mũi nhọn. Đây chính là dấu mốc quan trọng quyết định sự lớn mạnh của công ty như ngày hôm nay”.

Với phương châm “Phát triển phải bền vững, bền vững để phát triển”, hiện tại, trong hệ thống quản lý của công ty có 10 nhà máy may xuất khẩu đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho hơn 10.000 lao động. Trong đó, 2/3 lao động là con cháu của CCB, gia đình chính sách, hộ nghèo. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu là Mỹ, Hàn Quốc...

Ngoài ngành may công nghiệp xuất khẩu, công ty còn kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp, khách sạn lưu trú, chiếm 15% doanh thu của công ty.

Luôn tự đổi mới chính mình

Đầu tư phát triển ngành may mặc công nghiệp xuất khẩu - ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chủ yếu là lao động nữ, do đó để duy trì và phát triển sản xuất thì yếu tố về các giải pháp quản lý là quan trọng.  Ngoài sự nỗ lực của bản thân - luôn tìm tòi, học hỏi, liên tục đổi mới, doanh nhân Trịnh Xuân Lâm đã cùng tập thể Ban lãnh đạo công ty đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp. Đó là nền tảng quan trọng để công ty đạt được những thành tích vượt bậc.

Chia sẻ về những giải pháp của công ty thời gian qua, doanh nhân Trịnh Xuân Lâm nói: “Chúng tôi chủ động áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến để khai thác tốt nhất các nguồn lực hiện có nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất kinh doanh và hội nhập. Trong đó, phát huy năng lực sáng tạo và cải tiến công nghệ của đông đảo cán bộ, công nhân lao động, đặc biệt là số cán bộ nhân viên, công nhân có bằng cấp, tay nghề cao”.

Chúng tôi được biết, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân lao động được Hội đồng khoa học sáng kiến của công ty công nhận và áp dụng vào quản lý, sản xuất, mang lại hiệu quả, giảm nhiều nhân công, sức lao động, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như sáng kiến “May dây viền ốp đáp lưng” tham gia chương trình “75.000 sáng kiến, vượt khó phát triển” của chị Vũ Thị Lan - nhân viên phòng Kỹ thuật, được Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen.

Bên cạnh đó, công ty còn đổi mới về công tác tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ; xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…

Là chủ doanh nghiệp, doanh nhân Trịnh Xuân Lâm luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự nhạy bén trên thương trường, đoàn kết, huy động sức mạnh tập thể Ban lãnh đạo của công ty trong công tác xây dựng chiến lược phát triển cũng như các chỉ tiêu kế hoạch cho từng giai đoạn, từng tháng, quý, năm. Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, nắm bắt được nhu cầu khẩu trang y tế của Việt Nam và thế giới, Công ty đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất với 2 loại khẩu trang may và khẩu trang dây chuyền máy, sản xuất gần 100 triệu sản phẩm khẩu trang, công suất sản xuất lớn nhất trong tỉnh Thanh Hóa, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa đem lại doanh thu và bù đắp một phần doanh thu hàng may mặc của công ty bị sụt giảm số lượng do đại dịch Covid-19.  

Với những thành tích trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, năm 2020, doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; ngày 13-10-2021, cá nhân CCB Trịnh Xuân Lâm vinh dự được tỉnh Thanh Hóa tặng “Cúp Doanh nhân xứ Thanh”; Công ty của ông được tôn vinh “Doanh nghiệp tiêu biểu xứ Thanh” năm 2021.

Lê Thu Trang