Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội dành nhiều thời lượng đưa tin về sự ra đi của Anh hùng phi công - Đại tá Nguyễn Văn Bảy. Với nhiều góc độ khác nhau, nhưng tất cả đều có một tiếng nói chung là lòng kính trọng, ngưỡng mộ, tiếc thương.

Với nhiều cách thể hiện, nhưng tựu trung đều khắc họa hình ảnh về hai con người, hai cuộc đời cùng tồn tại trong con người Anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Đó là một con người uy dũng, hiên ngang khi chiến đấu và một con người đời thường, giản dị, đầy chất nông dân đất Nam bộ.

Bằng những câu chuyện kể lại; bằng những kỷ niệm đáng quý, những tâm sự buồn thương, là hình ảnh từng đoàn người đến viếng và đưa tiễn ông về với đất mẹ quê hương và đám tang Anh hùng phi công - Đại tá Nguyễn Văn Bảy như một “hiện tượng”, đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong lòng người dân.

Người ta đến với ông, vì ông là một huyền thoại trong chiến đấu, là một trong số 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACE - danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên. Hơn cả thế, với tinh thần chiến đấu hết sức dũng cảm và “học thuyết” áp sát máy bay địch mà đánh, trong 13 lần xuất kích, bằng MIG-17 Nguyễn Văn Bảy đã bắn hạ 7 máy bay địch (2 chiếc F105 và 5 chiếc F4) hiện đại, có tốc độ và tính năng vượt trội so với MIG-17. Chiến công của ông khiến các phi công Mỹ cũng phải ngưỡng mộ mà thốt lên: “Những chiếc MIG-17 và MIG-21 sống sót qua 8 năm chiến tranh (từ 1965-1973) đã là một kỳ tích, trở thành ACE khi điều khiển những chiếc máy bay này, xứng đánh là Anh hùng dân tộc”.

Người ta đến với ông, vì kính trọng sự gương mẫu của một người cộng sản chân chính. Sự gương mẫu ấy, thể hiện qua thái độ, trách nhiệm trong công tác, từ chiến sĩ bộ binh đến phi công chiến đấu, rồi trở thành Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Ở cương vị nào ông cũng đều tận tâm, tận lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sự gương mẫu của ông thể hiện qua trách nhiệm với việc xây dựng đội ngũ kế cận. Đó là sự kèm cặp, ân cần chỉ bảo, truyền thụ kinh nghiệm bay cho các phi công và khi 55 tuổi, đang là Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, ông Bảy 3 lần làm đơn xin nghỉ hưu với tâm sự: “Thấy trình độ mình hạn chế, cứ ngồi đó, thì anh em lớp sau sao lên được”. Sự gương mẫu của ông còn thể hiện qua cách dạy con, từ việc nhỏ đến việc lớn hết sức nghiêm khắc, qua lời kể của anh Quân, con trai thứ hai của ông. Đó là khi anh hồ hởi reo vui, vì đốt quả pháo tự làm nổ rầm trời (lúc này Nhà nước đã cấm đốt pháo), bị ông đánh đòn, cùng lời răn: “Ba là người giữ kỷ cương mà con  lại đi phá kỷ cương…”.  

Soi vào hiện tại, trước cảnh không ít người tìm mọi cách: Từ chữa tuổi, chạy bằng cấp, giấu diếm bệnh tật, dùng vật chất, tiền của để chạy chức, chạy quyền hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nâng điểm cho con vào đại học, để bổ nhiệm con cháu, người thân, cánh hẩu vào các vị trí lãnh đạo khá phổ biến. Phổ biến và kéo dài đến mức báo động, do đó năm 2018, BCH T.Ư phải có Quy định số 08/QĐT.Ư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư” và gần đây Bộ Chính trị phải ban hành quy định về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Qua đó, mới thấy sự gương mẫu, trong sáng của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cao quý biết nhường nào!

Có những đám tang cán bộ, rất nhiều đoàn đến viếng, nhưng nhiều người đi viếng mà không có biểu hiện tình cảm thương xót gì... Trong đám tang Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, ai đến cũng thể hiện lòng thương tiếc, đớn đau. Nhìn gương mặt đau buồn và thái độ chia sẻ, cảm thông của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, của đồng chí, đồng đội, anh em, bà con với gia đình Ông, ta biết tình cảm mọi người dành cho Ông.

Những người lính, những CCB thật xúc động khi đọc những dòng chữ Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc Anh hùng LLVTND - Đại tá Nguyễn Văn Bảy, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Huy hiệu 55 tuổi Đảng, người sĩ quan và đảng viên suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ. Xin chia buồn sâu sắc nhất cùng gia đình về tổn thất lớn lao này. Các chiến sĩ QĐND Việt Nam, các CCB luôn tự hào và noi gương Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy".

Ngoài các đoàn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các đoàn thể, bạn bè, đồng đội ở T.P Hồ Chí Minh còn bao người dân đến với ông bằng lòng ngưỡng mộ, bằng sự kính trọng tự đáy lòng. Từ các đồng chí Trương Vĩnh Trọng - nguyên Ủy viên BCT, nguyên Phó thủ tướng; Lê Minh Hoan - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền, đồng chí, đồng đội cùng hàng nghìn bà con nhân dân trong tỉnh  Đồng Tháp - quê hương ông đến viếng, chia buồn. Và thật cảm động! Trên con đường từ UBND huyện Lai Vung đến nơi an táng, người dân mang ảnh ông đứng hai bên đường gần 2km đứng chào tiễn biệt.

Không phải là người có chức sắc cao; không phải là người nhiều tiền, lắm của để ban phát cho thiên hạ, cái gì đã làm nên “hiện tượng” này? Phải chăng, đó chính là  đức độ đã dựng ông thành “Tượng đài trong lòng dân”.  

Đinh Công Huynh