Doanh nhân CCB Hoàng Mạnh Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn trao quà hỗ trợ công nhân Công ty trong đợt dịch lần thứ tư.

Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam (viết gọn là Hiệp hội), là nơi tập hợp các doanh nhân CCB nhằm đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp; hỗ trợ và giúp đỡ nhau phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Với phương châm: “Đoàn kết, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển”, từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội không ngừng phát triển cả về quy mô tổ chức và hoạt động hiệu quả. Ban đầu, với 19 đơn vị, đến nay 63/63 tỉnh, thành cả nước có Hội, CLB Doanh nhân CCB; có 7.728 doanh nghiệp, 82.791 trang trại, HTX do CCB làm chủ, giải quyết việc làm cho hơn 800.000 lao động. Các doanh nhân CCB cả nước trên tinh thần đồng chí, đồng đội đã giúp đỡ nhau từ giống, vốn, trao đổi kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường… Do vậy, sức hấp dẫn của Hiệp hội ngày càng lớn.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tác động mạnh mẽ đến sản xuất, kinh doanh, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những doanh nhân người lính đang nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động thích nghi với trạng thái “bình thường mới” với những cách nghĩ, cách làm sáng tạo.

Điển hình như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn do doanh nhân CCB Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB T.P Hà Nội làm Tổng giám đốc. Với phương châm “Vắc-xin tiêm sớm nhất là vắc-xin tốt nhất” đến nay 100% CBCNV Công ty được tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Theo ông Cường trong điều kiện hiện nay, thì đây là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp vững tin, duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới.

Ông cũng cho rằng, sau dịch thị trường bị thu hẹp, chi phí đội lên do phải đầu tư phòng dịch; nguồn cung bị đứt gãy, các doanh nghiệp sản xuất hay thương mại đều bị đình trệ nên cần thời gian phục hồi là những khó khăn khi doanh nghiệp tái sản xuất. Để thích ứng điều kiện mới, ngoài chế độ lương, thưởng các doanh nghiệp cần hỗ trợ chi phí và phối hợp với địa phương để công nhân được tiêm vắc-xin. Đồng thời, thường xuyên động viên tinh thần công nhân để họ không bị xáo trộn tâm lý, có như vậy họ mới vững tâm duy trì công việc.

Còn ở Công ty TNHH Đại Tân chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải và may xuất khẩu, thì kinh nghiệm “giữ công nhân” là quan trọng nhất để “bình thường mới”. Công ty có hơn 100 đầu xe vận tải, hơn 300 công nhân làm việc tại xưởng may. Dịch Covid xuất hiện đã cản trở lưu thông hàng hóa, xuất khẩu.

CCB Trần Văn Thư - Ủy viên BCH T.Ư Hiệp hội, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Trong đợt dịch Covid-19, doanh nghiệp của ông là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất. Khi Bắc Ninh có dịch, Công ty thực hiện nghiêm “3 tại chỗ”, tạo điều kiện cho công nhân làm việc để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, CCB Trần Văn Thư đã chèo lái Công ty vượt qua khó khăn. Đây cũng doanh nghiệp được xem là bước vào trạng thái “bình thường mới” sớm của cả nước.

Đến nay, Công ty TNHH Đại Tân thực hiện “bình thường mới” được gần 3 tháng. Để duy trì hoạt động trong điều kiện mới, lãnh đạo Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tiêm vắc-xin cho toàn bộ công nhân, đồng thời thành lập Tổ Covid cộng đồng, lấy cán bộ làm nòng cốt, có nhiệm vụ vừa kiểm tra, giám sát phòng dịch, vừa phối hợp với địa phương xử lý giúp đỡ đời sống CBCNV, nhất là những trường hợp khó khăn để họ yên tâm sản xuất.

Theo đề xuất của Tổng giám đốc Công ty, để thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, vận chuyển, Chính phủ nên có chỉ đạo thống nhất quy định phòng dịch với tất cả các địa phương trong trạng thái “bình thường mới”, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn kinh nghiệm giữ chân công nhân viên, ông Thư nói: “Chúng tôi tăng chế độ, tạo nhiều việc làm để công nhân được hưởng mức lương cao hơn ngày thường; thực hiện phòng, chống dịch tốt để có môi trường “sạch” giúp công nhân yên tâm gắn bó với công ty”.

Cũng về vấn đề nhân lực cho sản xuất bước sang “bình thường mới”, Doanh nhân CCB Châu Văn Đức - Giám đốc Công ty Duy Đức, chuyên sản xuất kinh doanh hạt điều xuất nhập khẩu ở tỉnh Long An, lại không lo vấn đề thiếu lao động. Bởi trong những tháng nghỉ chống dịch, ông đã trả lương đầy đủ, công nhân được ứng trước lương và hỗ trợ những công nhân khó khăn bằng gạo, thực phẩm thiết yếu thông qua hệ thống cán bộ Công ty. Công nhân gặp khó khăn, cán bộ phản ánh với Ban Giám đốc và được giải quyết ngay. Vì vậy, người lao động rất yên tâm và sẵn sàng đi làm trở lại.

Chúng tôi được biết, khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn, Công ty Duy Đức cho công nhân thực hiện “3T” (3 tại chỗ), tuy nhiên do gặp sự cố nên ngưng hoạt động. Sau gần 3 tháng, đến nay Công ty đang “khởi động” lại. Hiện chỉ 1/3 công nhân trở lại làm việc. Ông Đức cho biết: “Khi số lượng công nhân đi làm không đủ, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, công xuất, sản lượng, sản phẩm giao cho đối tác đều giảm. Điều đáng mừng là số lượng công nhân được tiêm phòng 90%, chúng tôi chỉ chờ địa phương hết giãn cách, được di chuyển bình thường thì sẽ hoạt động trở lại”.

Có thể nói, trong phòng, chống dịch vừa qua đã xuất hiện rất nhiều “điểm sáng” ở các doanh nghiệp CCB để vững tin bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Bảo Hiền - Ủy viên BCH Hôi CCB Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội cũng lưu ý các doanh nghiệp CCB phải thường xuyên quán triệt tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là: “Sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”. Đồng chí Nguyễn Thị Bảo Hiền cũng tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo, công tác phòng dịch đảm bảo và tinh thần không chịu lùi bước trước khó khăn của người lính Cụ Hồ, các doanh nghiệp CCB sẽ thích nghi nhanh với trạng thái “bình thường mới”. Cũng như thời gian qua trong phòng, chống dịch các doanh nghiệp CCB không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế mà còn tiếp tục là hình mẫu tiêu biểu về các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và nhân dân quý trọng”.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 với các địa phương ngày 9-10, Thủ tướng Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vững tin bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Vũ Minh