Anh hùng LLVTND, Đại tá Nguyễn Quang Hạnh (giữa) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh trên đường Trường Sơn, nhưng anh dũng, rất đỗi tự hào.
Nam Định là một trong những tỉnh có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Với truyền thống “Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, cũng như nhiều địa phương khác, người dân theo Thiên Chúa giáo ở Nam Định đã có nhiều đóng góp cho các cuộc chiến tranh giải phóng, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Lịch sử đã lưu ghi hình ảnh những làng chiến đấu ở Hải Hậu, Xuân Trường… trong kháng chiến chống thực dân Pháp và nhiều tấm gương nam nữ thanh niên là giáo dân Nam Định đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân người viết bài này, cũng đã từng sống cùng một thanh niên quê Hải Hậu trong Ban Tuyên huấn sư đoàn. Anh ấy chơi đàn Violong rất giỏi; hội diễn cấp quân khu lần nào, anh cũng đoạt giải Nhất. Sau khi phục viên, CCB này trở thành một Cha cố có uy tín ở Hải Hậu.
Ở bài viết nay, tôi muốn đề cập đến một giáo dân, mặc dù không trực tiếp đánh giặc, nhưng ông phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc, cũng được xem như đánh giặc rất giỏi, giỏi đến mức được phong Anh hùng. Đó là Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Hạnh.
Nguyễn Quang Hạnh sinh năm 1941, trong một gia đình giáo dân ở Xóm 25, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp cấp II - lớp 7 phổ thông (hệ 7/10), Nguyễn Quang Hạnh không học tiếp cấp III, mà ở nhà giúp gia đình sản xuất. Với vốn liếng học hành và năng lực tự thân, ông được lãnh đạo xã phân công làm Phó ban Kế hoạch HTXhợp nhất xã Hải Đường. Với bước khởi đầu như vậy, ai cũng nghĩ rằng Quang Hạnh sẽ là một công chức mẫn cán đầy triển vọng. Nhưng rồi chiến tranh, bom đạn đã xé nát mọi ước nguyện, dự định.
Năm 1966, đáp ứng lời kêu gọi của Bác Hồ: Không có gì quý hon độc lập tự do! Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi…, anh cán bộ xã Nguyễn Quang Hạnh đã tạm biệt gia đình, quê hương, tạm biệt xứ đạo Hải Đường, nhập ngũ, vào Nam chiến đấu.
Sau khi vào chiến trường, Nguyễn Quang Hạnh được cử đi học lái xe và biên chế thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 35 thuộc Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn. Trở thành “Tuấn mã Trường Sơn” vào giai đoạn Mỹ - ngụy tiến hành chiến lược “chiến tranh ngăn chặn” tuyến chi viện chiến lược của ta ác liệt nhất, Nguyễn Quang Hạnh cùng đồng đội đã đối mặt với vô vàn thử thách ác liệt. Và đạn bom khốc liệt của chiến tranh là một thứ thuốc thử nhiệm màu làm phát sáng tố chất Anh hùng của một thanh niên Công giáo, một con chiên của xứ đạo Hải Đường. Trong rất nhiều chiến cống của anh, nổi lên một số chiến công đặc biệt xuất sắc:
Từ năm 1967 đến 1972, Thiếu úy Đại đội trưởng Đại đội 1 ô tô (Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 35, Sư đoàn 471, Đoàn 559) Nguyễn Quang Hạnh chỉ huy đơn vị và trực tiếp làm nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến đường phía nam sông Bạc (Công Tum). Ông thường xuyên vượt năng suất vận chuyển 25% trở lên. Trong hai năm liền (1968-1969), trên cung đường vận chuyển dài 120km, mặc dù địch đánh phá vô cùng ác liệt, nhưng Nguyễn Quang Hạnh là người đầu tiên đạt kỷ lục vận chuyển cao nhất của Trung đoàn 35. Mùa khô 1969-1970, trong 60 ngày đêm tổng công kích chiến dịch vận chuyển, ông chạy liên tục, không nghỉ đêm nào, bảo đảm xe tuyệt đối an toàn.
Ngày 21-11-1967, trên đường vận chuyển gặp một chiếc xe kéo pháo bị địch đánh cháy, làm tắc đường; Nguyễn Quang Hạnh đã nhanh chóng lao vào dập lửa, cõng hai thương binh trên xe về nơi an toàn; sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ.
Ngày 17-3-1969, đoàn xe của đơn vị đang làm nhiệm vụ vận chuyển, thì chiếc xe đi đầu đội hình bị trúng bom, lái xe bị thương. Nguyễn Quang Hạnh xung phong lái chiếc xe đó để thông đường. Khi xe chạy, địch tiếp tục đánh, 6 quả bom nổ xung quanh xe, nhưng Nguyễn Quang Hạnh vẫn vững tay lái. Cả đoàn 19 chiếc xe và hàng hóa, con người vượt trọng điểm an toàn.
Ngày 25-11-1972, Đại đội 1 đang chuyển quân, gặp một xe chở xăng trúng đạn bốc cháy. Không quản hiểm nguy, Nguyễn Quang Hạnh lập tức nhảy lên lái chiếc xe này tiến lên phía trước, thu hút máy bay địch; sau đó, ông chạy bộ trở lại chỉ huy đơn vị chở người qua trọng điểm an toàn. Gương dũng cảm, mưu trí của Nguyễn Quang Hạnh được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và đơn vị bạn vô cùng cảm phục.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Nguyễn Quang Hạnh được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 4 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 lần được công nhận là Chiến sĩ Quyết thắng, 5 lần Chiến sĩ Thi đua… Đặc biệt, ngày 31-12-1073, ông vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Quyết định số 216/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Sau 30 năm công tác trong Quân đội, Nguyễn Quang Hạnh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Khi Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập, Đại tá CCB Nguyễn Quang Hạnh được bầu làm Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu hai khóa liên tục. Dưới sự điều hành của ông, Hội đã có nhiều hoạt động xã hội, tình nghĩa thiết thực, hiệu quả. Năm 2017, CCB Nguyễn Quang Hạnh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen về thành tích hoạt động công tác xã hội. Với Nguyễn Quang Hạnh, điều ông thật sự ấm lòng, vinh dự chính là niềm tin yêu, trân trọng của đồng chí, đồng đội. Trong cuộc sống đời thường, mỗi một dịp hàn huyên, hội ngộ, các CCB vẫn thân mật gọi ông là: Con chiên Anh hùng!
Duy Nguyễn