Là địa phương có số người hưởng chính sách ưu đãi đối với Người có công (NCC) với cách mạng lớn nhất toàn quốc, trong những năm qua, T.P Hà Nội luôn nỗ lực làm tốt công tác này bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
T.P Hà Nội hiện có gần 800.000 đối tượng chính sách, trong đó, hơn 93.000 NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng với tổng số kinh phí chi trả mỗi năm hơn 1.600 tỷ đồng. Công việc nhiều, số lượng NCC lớn, song thành phố luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, đồng thời ban hành nhiều chính sách phù hợp tình hình thực tiễn ở Thủ đô. Nổi bật là chính sách hỗ trợ về nhà ở cho NCC.
Chúng tôi vẫn nhớ niềm vui của bà Nguyễn Thị Chiên ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội khi nhận căn nhà khang trang ngày 4-9-2019. Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1961, nhập ngũ năm 1980 tại Sư đoàn 473, đến năm 1982 xuất ngũ trở về địa phương xây dựng cuộc sống đời thường, bà đã tần tảo sớm khuya cùng anh chị em lo toan cuộc sống. Là hộ đơn thân nhưng đến nay vẫn chưa có căn nhà riêng để lo tuổi già. Trước hoàn cảnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ kinh phí để gia đình bà Nguyễn Thị Chiên xây dựng ngôi nhà mới trên diện tích 50m2 tại khu đất dịch vụ của xã. Tổng kinh phí xây dựng gần 120 triệu đồng, trong đó Hội CCB T.P Hà Hội hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại được hỗ trợ từ các nguồn quỹ và các nhà hảo tâm khác. Bà Chiên tâm sự:
- Gia đình tôi rất mừng khi được chính quyền cùng các đoàn thể và nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà mới ngay trên nền nhà cũ ngày xưa. Rất cảm ơn chính quyền, Hội CCB và bà con trong xã luôn quan tâm đến các gia đình NCC như chúng tôi.
Theo thống kê, 10 năm qua, T.P Hà Nội xây dựng, sửa chữa hơn 13.500 nhà ở cho NCC, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó, xây mới hơn 6.200 nhà, sửa chữa hơn 7.300 nhà. Từ chủ trương này, hàng chục nghìn đối tượng chính sách được sống trong những căn nhà mới khang trang, to đẹp hơn.
Không chỉ lo mái ấm cho NCC, trong những năm qua, căn cứ vào tình hình thực tiễn, T.P Hà Nội cũng thực hiện và giải quyết các chế độ, chính sách khác của Đảng và Nhà nước đối với NCC như: Chi trả trợ cấp đối với 13.388 thanh niên xung phong; chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.300 quân nhân xuất ngũ theo QĐ 142/2008/QĐ-TTg; chi trả trợ cấp hằng tháng đối với Công an nhân dân xuất ngũ theo QĐ 53/2010/QĐ-TTg cho hơn 200 người; giải quyết cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho gần 71.000 người; giải quyết chế độ một lần theo QĐ 57/2013QĐ-TTg cho 2.700 người; giải quyết chế độ trợ cấp và cấp thẻ BHYT theo QĐ 62/2011QĐ-TTg cho 82.000 người hưởng BHYT...
T.P Hà Nội còn hỗ trợ, điều chỉnh nhiều chính sách theo hướng có lợi cho các đối tượng chính sách. Theo đó, chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng NCC từ 5 năm/lần được rút xuống thành 2 năm/lần. Mức phụng dưỡng đối với Mẹ VNAH tăng từ 400.000 đồng/tháng lên 1 triệu đồng/tháng. Chế độ trợ cấp 1 lần/năm cho người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tham gia các Ban Liên lạc tù chính trị Hà Nội cũng được tăng từ 100.000 đồng lên 300.000 đồng và tới đây là 500.0000 đồng/người/năm. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho NCC với cách mạng di chuyển làm việc, sinh hoạt hằng ngày, đến nay thành phố đã cấp hơn 26.000 thẻ đi xe buýt miễn phí cho các đối tượng NCC.
Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội - Khuất Văn Thành cho biết: 10 năm qua, thành phố đã vận động đóng góp cho quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" đạt hơn 310 tỷ đồng; tặng gần 57.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" của Thủ đô góp phần xoa dịu những mất mát, đau thương, để NCC có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Với những kết quả đạt được, T.P Hà Nội được Chính phủ, Bộ LĐTBXH công nhận là đơn vị dẫn đầu cả nước trong công tác chăm sóc NCC.
Dương Sơn