Nhóm anh Lê Huy Nhân (phường Xuân An, T.P Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) tổ chức phát nước, sữa, bánh mì, xăng cho bà con hồi hương.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc” chưa bao giờ khẩn trương và quyết liệt như lúc này. Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng người dân cả nước nỗ lực chung sức, đồng lòng để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Tốc độ lây lan rất nhanh của virus corona buộc chính quyền địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội. Nếu như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, virus hoành hành chủ yếu trong các khu công nghiệp, thì tại T.P Hồ Chí Minh mỗi ngày trong cộng đồng có hàng nghìn người nhiễm loại virus quái ác này. Từ 0 giờ ngày 9-7 đến nay, T.P Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày nữa kể từ 0 giờ ngày 2-8.
Theo Sở LĐTBXH T.P Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố có khoảng 27.000 người lao động tự do nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Họ làm các công việc như: Bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê, bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê, sửa xe nhỏ lẻ, bán báo dạo, đánh giày, bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê (trong cửa hàng tại chợ, quầy hàng, điểm buôn bán nhỏ, tạp hóa), thợ xây… Đây là những việc có thu nhập thấp, “ráo mồ hôi là hết tiền”. Họ sẽ bị dồn đến đường cùng nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền, từ những tấm lòng thơm thảo. Sống trong thành phố có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ, không việc làm, chưa nhận được hỗ trợ là những lý do khiến những ngày gần đây, dòng người “chạy giặc” từ bỏ chốn mưu sinh, vượt hàng nghìn kilômét bằng xe máy từ vùng dịch về quê.
Dẫu biết tình trạng tự phát đi xe máy về quê khiến công tác phòng, chống dịch trở nên khó kiểm soát hơn, nhưng những ai chứng kiến cảnh tượng này không khỏi cay cay nơi sống mũi. Cả đoàn người trải tạm mảnh vải, ni lông trên đường nhựa nằm nghỉ; sự hiểm nguy luôn ở trên đầu cái đói, cái mệt… Cháu bé mới 10 ngày tuổi cùng bố mẹ trên hành trình vượt cả nghìn cây số trong sương gió, bụi đường. Là ánh mắt ngơ ngác trên khuôn mặt nhem nhuốc của những đứa trẻ thơ ngây đang đói ăn, khát nước không hiểu sao bố mẹ lại cho đi chơi xa thế? Sao về quê không đi bằng máy bay, tàu hỏa, ô tô? Sao không ăn cơm hàng… mà ăn mì tôm sống?... Bình an về được đến quê chưa phải đã yên tâm vì nếu địa phương từ chối cho người từ vùng dịch về, bắt quay đầu xe thì còn khổ hơn nữa, rơi vào cái cảnh “đi mắc núi, ở mắc sông”.
Nhìn dòng người, không ai có thể cầm lòng. Trong hành trình hồi hương ấy, đoàn người được tiếp sức bởi nhiều cá nhân, đội thiện nguyện, lực lượng chốt trực tại các điểm kiểm soát tặng đồ ăn, nước uống, xăng xe, gửi gắm chút tiền lộ phí đi đường…
Sinh viên Đại học Đông Á (T.P Đà Nẵng) lập đội “SOS - cứu hộ xe máy”, mỗi ngày có 18 em tham gia hỗ trợ người đi đường thay săm lốp, thay dầu, mỡ, đổ xăng, bơm xe…
Còn chị Trần Huệ (ở phường Phan Hưng, T.P Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) - người phụ nữ buôn bán hải sản đã mang số tiền chị tiết kiệm được ra quốc lộ 1A tặng mỗi người dân đi xe máy 500.000 đồng về quê tránh dịch, với số tiền hơn 200 triệu đồng. Sẵn sàng chia sẻ cùng người lao động khó khăn, bị mất việc do dịch bệnh, nhưng chị Huệ cho hay: “16 năm nay chưa bao giờ tôi cầm tiền đi mua bộ quần áo mới, quần áo tôi đang mặc là đồ cũ em gái cho. Tôi chỉ cầu mong mình có sức khỏe làm việc và đi giúp người khác”.
Nhận được tin báo có cháu bé sơ sinh được cha mẹ chở bằng xe máy về quê, CLB xe bán tải T.P Đà Nẵng đã thuê được ô tô và hỗ trợ tiền giúp gia đình anh Xồng Bá Xô - người dân tộc thiểu số về nhà an toàn tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An…
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã có kế hoạch đón công dân trở về địa phương, giảm tải cho vùng dịch. Tuy nhiên, số lượng người lao động ngoại tỉnh ở vùng dịch còn nhiều, trong thời gian ngắn chưa thể giải quyết triệt để và tiêm vắc-xin phòng ngừa, vì vậy rất cần sự quan tâm của chính quyền sở tại, đảm bảo nhu cầu thiết yếu nhất để người dân yên tâm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16/CT-TTg, tránh tình trạng “chạy giặc” như những ngày qua.
Hồ Thanh Hương