Báo tháng 7 - Về huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam hỏi cụ Năm Nghê (Lê Thị Nghê) - người phụ nữ có đứa con trai mới 3 tháng tuổi chết trên tay mình, vì để cứu bà con dân làng và cán bộ khỏi sự lùng sục, tàn sát của giặc Mỹ, thì từ già tới trẻ không ai là không biết.
Chuyện xảy ra gần nửa thế kỷ nhưng người phụ nữ ấy vẫn không thể quên được những phút giây kinh hoàng đó. Bà như người điên dại, ngày ngày ôm chiếc khăn đã từng ủ ấm hơi con, đi khắp làng trên, xóm dưới rồi lượn lờ quanh khu vực Hòn Kẽm như để tìm lại con.
Câu chuyện thương tâm này xảy ra vào một đêm đầu tháng 10-1969 tại xã Quế Tân (nay là xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Hồi đó, nơi đây là cái nôi của cách mạng nên quân Mỹ thường tập trung càn quét, đánh phá hủy diệt. Một ngày đầu tháng 10-1969, quân Mỹ theo sông Thu Bồn ngược lên kết hợp với máy bay tàn phá, mở cuộc càn quét đẫm máu vào Quế Tân. Để bảo đảm an toàn, cán bộ và dân làng đều phải tạm lánh vào hang Hòn Kẽm. Bà Năm Nghê, mặc dù chồng vừa mới bị bom Mỹ giết hại, nhưng cũng phải ẵm theo đứa con trai lúc đó mới 3 tháng tuổi theo dân làng chạy giặc vào núi.
Khác với mọi lần, quân Mỹ chỉ càn quét, lùng sục rồi rút, lần này chúng càn vào làng và đóng quân ở lại đó suốt 10 ngày. Địch bao vây, phong tỏa chặt khu vực Hòn Kẽm, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế và hằng ngày lùng sục để tìm ra nơi trú ẩn của cán bộ và bà con dân làng. Lương thực trong hang cạn kiệt, ai cũng đói rã rời.
Người lớn đói có thể còn chịu đựng được nhưng trẻ con thì rất khó. Đứa con trai 3 tháng tuổi của bà Năm Nghê không chịu nổi cái đói, khóc lên ngằn ngặt, mặc dù má nó và mọi người đã tìm đủ mọi cách dỗ giành.
Trong đêm tối, tiếng khóc của con trẻ phát ra nghe rõ mồn một, trong khi phía ngoài hang, quân Mỹ vẫn âm thầm phục kích, hy vọng tìm ra nơi trú ẩn của "Việt Cộng". Trước tình cảnh hiểm nghèo đó, bà đành ôm chặt con vào lòng, nuốt những giọt nước mắt vào trong...
Con chết, bà Năm Nghê như phát điên, phát dại. Điều đau đớn hơn là ngần ấy năm trôi qua nhưng bà đã không thể tìm lại được mộ con. Hiểu và san sẻ nỗi đau của bà Năm Nghê, bà con dân làng đã xây một ngôi mộ gió cho cậu con trai của bà ngay trước cửa hang Hòn Kẽm. Mặc dù vậy, nỗi đau đó vẫn cứ đeo đẳng mãi người phụ nữ ấy khôn nguôi...
Long Trần