CCB Nguyễn Sỹ Tiến (bên phải) đang trao đổi vụ việc với PV Báo CCB Việt Nam.

Năm 2007, CCB Nguyễn Sỹ Tiến, trú tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội cùng con trai là Nguyễn Văn Mạnh có vay của bà Trịnh Thanh Hồng - Giám đốc Công ty CP thương mại Thiên Phú Kim Đan (gọi tắt là Cty KDM) số tiền 100 triệu đồng để lo liệu công việc. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay, ông Tiến chỉ cầm thực tế 50 triệu đồng, số tiền còn lại bà Hồng nói là để trả trước tiền lãi vay và đề nghị ông Tiến đưa giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) đứng tên con trai ông là Nguyễn Văn Mạnh để làm… thủ tục vay vốn.

Sập bẫy… vay tiền cá nhân?

Ngày 14-5-2007, theo đề nghị của bà Hồng, vợ chồng Nguyễn Văn Mạnh ra nhà bà Chính Nhường ở xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) và được một người đón ra công ty của bà Hồng (địa chỉ: số 10, Lê Đại Hành, Hà Nội) làm thủ tục vay 100 triệu đồng.

Đến ngày 31-5-2007, bà Hồng gọi điện cho ông Tiến nói đưa Mạnh ra ký tiếp hợp đồng. Bất ngờ trước thông tin hợp đồng vay vốn phải ký tiếp, ông Tiến gặng hỏi thì được bà Hồng giải thích "lần trước (14-5-2007) mới chỉ là thảo hợp đồng, nay mới ký chính thức”.

Theo Biên bản thỏa thuận vay tiền anh Mạnh ký với Cty KDM ngày 31-5-2007 có nội dung: "Hộ gia đình ông Mạnh đồng ý sử dụng tài sản là QSDĐ diện tích 253m2 tại thôn Phúc Hậu, xã Dục Tú để cầm cố, thế chấp vay 100 triệu đồng của Cty KDM. Lãi suất cho vay là 1%/tháng. Thời hạn cho vay là 12 tháng kể từ ngày 31-5-2007. Hết thời hạn trên, hộ ông Mạnh không trả được số nợ (bao gồm cả gốc và lãi) thì Cty KDM có toàn quyền xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nêu trên".

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết là gia đình ông chỉ thực nhận 50 triệu đồng, số tiền còn lại bà Hồng nói giữ lại để trả lãi. Đến ngày 13-12-2010, giữa ông Tiến và bà Hồng ký tiếp thỏa thuận là ông Tiến đứng ra trả lãi thay cho Mạnh khoản vay 100 triệu đồng. Thời gian tính lãi từ ngày 31-5-2007 đến 15-12-2010.

Theo biên bản này, hai bên chốt số tiền lãi là 52,2 triệu đồng. Ông Tiến trả trước 50 triệu đồng (số tiền bà Hồng đã giữ lại trước đó), 2,2 triệu đồng còn lại và 100 triệu đồng tiền gốc sẽ thanh toán hết khi nhận lại sổ đỏ đứng tên Nguyễn Văn Mạnh.

Cứ tưởng thỏa thuận vay tiền với Cty KDM, nhưng đến cuối tháng 10-2012, anh Mạnh bất ngờ nhận được “trát” của TAND quận Thanh Xuân mời đến Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV chi nhánh Thăng Long (BIDV Thăng Long). Cầm giấy triệu tập của Tòa án, anh Mạnh và ông Tiến tìm hiểu mới biết đã bị bà Hồng lừa cho vay tiền nhưng thực chất lại ký cả những giấy tờ bảo lãnh cho người khác vay tiền tại ngân hàng mà không hề hay biết.

Nguy cơ mất nhà vì… “nhắm mắt” ký bừa

Theo Hợp đồng thế chấp ký ngày 14-5-2007, anh Mạnh đồng ý thế chấp quyền sử dụng đất (253m2) và tài sản gắn liền với đất ở thôn Phúc Hậu, xã Dục Tú để đảm bảo cho khoản vay 650 triệu đồng của ông Nguyễn Mạnh Hưng (có địa chỉ tại 21 Lương Sử B, phường Văn Chương, quận Đống Đa, T.P Hà Nội) tại BIDV Thăng Long.

Đáng chú ý là Hợp đồng bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng còn được Phòng công chứng số 3 T.P Hà Nội công chứng, chứng thực giao dịch. Tuy nhiên, theo ông Tiến cho biết bản thân ông và Mạnh không hề biết đến hợp đồng này; cũng không hề quen biết Nguyễn Mạnh Hưng và chưa từng gặp ông Hưng để thỏa thuận, trao đổi thống nhất ký hợp đồng thế chấp bảo lãnh trước mặt công chứng viên hay phòng công chứng nào cả!

Trước nguy cơ bị ngân hàng siết nợ, ông Tiến làm đơn tố cáo sự việc ra Cơ quan Công an. Đến ngày 16-1-2013, TAND quận Thanh Xuân có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do BIDV Việt Nam rút đơn khởi kiện.

Tưởng chừng vụ việc được khép lại nhưng thật bất ngờ, ngày 26-5-2020, TAND quận Thanh Xuân tiếp tục có quyết định đưa vụ án ra xét xử khiến cho ông Tiến như ngồi trên đống lửa. Sau đó ông Tiến tiếp tục làm đơn tố ra Công an về hành vi lừa đảo của bà Hồng. Tuy nhiên, thay vì được giải quyết vụ việc, Công an T.P Hà Nội lại hướng dẫn ông Tiến gửi đơn đến Tòa án để được xem xét, giải quyết.

Cụ thể, ngày 25-11-2021, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP. Hà Nội có văn bản trả lời ông Tiến như sau: “Qua tiến hành kiểm tra, rà soát nội dung phản ánh, tháng 11-2012, PC03 Hà Nội tổ chức xác minh ban đầu về vụ việc của ông Nguyễn Sỹ Tiến tố cáo bà Trịnh Thanh Hồng - Giám đốc Cty KDM và một số cán bộ BIDV Thăng Long. Trong quá trình xác minh, ngày 22-10-2012, TAND quận Thanh Xuân đã ra Quyết định thụ lý vụ án dân sự số 43/2012/TLST-KDTM giải quyết vụ việc có cùng nội dung, vì vậy PC03 không tổ chức xác minh mà để TAND quận Thanh Xuân giải quyết theo thẩm quyền.

Hiện nay, TAND quận Thanh Xuân đang giải quyết vụ kiện theo Quyết định thụ lý vụ án số 38/2020/TLST-KDTM ngày 26-5-2020. PC03 Hà Nội thông báo cho ông Nguyễn Sỹ Tiến được biết và đề nghị ông gửi đơn đến TAND quận Thanh Xuân để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật"...

Trong thời gian qua, tình trạng các nhà băng siết nợ nhà, đất của người đứng ra bảo lãnh vay vốn diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các vụ việc do người được bảo lãnh vay vốn không trả được nợ đúng thời hạn khiến cho ngân hàng phải siết nợ người đứng ra bảo lãnh vay vốn. Vì vậy, mọi người cần phải cân nhắc trước khi ký bất kỳ một văn bản, giấy tờ nào đó - nhất là những loại văn bản giấy tờ liên quan đến tiền bạc, đất đai thì càng phải đọc kỹ, đọc hết trang và suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng các câu từ trong văn bản trước khi hạ bút… để tránh hệ lụy không đáng có như trường hợp của gia đình CCB Nguyễn Sỹ Tiến!

Bài và ảnh: Tư Hoành