Ông Võ Hoàng Yên với những chiêu chữa bệnh "thần kỳ".
Nhiều năm qua, “Thần y” Võ Hoàng Yên được đồn thổi là có khả năng trị được bệnh câm, điếc, bại liệt... nên có rất nhiều người tìm đến điều trị. Thần kỳ ở chỗ, có những ca bệnh, ông chỉ cần “vỗ tai”, “giật lưỡi” là đã có thể khỏi câm, khỏi điếc.
Những lùm xùm xung quanh “Thần y”
Hẳn rằng, ai cũng đã từng nghe danh “Thần y Võ Hoàng Yên” với những chiêu chữa bệnh “thần tài”, chữa được nhiều loại bệnh mà y học hiện đại nhất cũng bó tay như câm, điếc, bại liệt. Chỉ đến khi xảy ra vụ tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, người ta mới đặt dấu hỏi: “Ai quản lý thần y”?
Những ngày gần đây, dư luận rất chú ý về vụ việc vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam) và vợ là bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Võ Hoàng Yên đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của gia đình ông và khám chữa bệnh không có hiệu nghiệm. Theo đó, vợ chồng ông bà Dũng – Hằng đã cung cấp cho ông Yên hàng trăm tỷ đồng để trả nợ xây dựng chùa, cứu trợ đồng bào miền Trung, trả nợ từ thiện, chữa bệnh cho nhân dân… Tuy nhiên, khi điều tra ra thì số tiền này đã chảy vào túi người nhà, vào gia đình của ông Võ Hoàng Yên chứ không phục vụ mục đích nhân đạo, từ thiện và xây chùa như mong muốn của gia đình ông Dũng. Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, những video, clip về việc chữa khỏi bệnh câm, điếc, bệnh nan y của ông Võ Hoàng Yên trên mạng xã hội đều là sản phẩm dàn dựng của nhóm ông này nhằm đánh bóng tên tuổi. Cũng theo ông Dũng, mặc dù ông Võ Hoàng Yên tuyên bố khám, chữa bệnh miễn phí nhưng thực chất là đã bán phiếu, thu tiền khám chữa bệnh của người nghèo.
Lúc này, Công an huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã vào cuộc điều tra xác minh hàng chục trường hợp được ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh tại Quảng Ngãi… Bước đầu, nhiều người dân đều cho biết, việc khám chữa bệnh teo cơ, câm điếc, bại liệt, viêm xoang, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm… của ông Võ Hoàng Yên không mang lại hiệu quả.
Một số gia đình bệnh nhân câm điếc bẩm sinh từng được ông Võ Hoàng Yên chữa trị cho biết, ông Yên chữa bệnh cho người thân của họ thì có thể có tác dụng ngay lúc đó, người câm có thể kêu ú ớ, nhưng sau đó thì về nhà thì “đâu lại vào đấy”.
Theo tìm hiểu thì được biết, chưa có cơ quan chức năng nào đánh giá, cũng không có cơ sở nào chứng minh được về mặt khoa học hiệu quả khám chữa bệnh của ông Yên. Nhưng những chiêu khám, chữa bệnh thần thánh của ông Yên thì tràn ngập trong các clip, video trên mạng xã hội và bằng những đồn thổi, đánh giá bằng cảm tính của người dân.
“Thần y” Võ Hoàng Yên là ai?
“Thần y” Võ Hoàng Yên (sinh năm 1975) lớn lên tại một ngôi chùa ở Cái Nước (Cà Mau). Tại đây, ông được dạy điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Với những gì ông cung cấp với cơ quan chức năng, thì ông có bằng trung cấp đông y do Trường Trung học Quân y II cấp (điều này chưa được cơ quan chức năng nào xác nhận). Những năm 2009 đến 2011, ông tổ chức khám chữa bệnh tại địa phương và được đồn thổi là có thể trị được bệnh câm, mù bẩm sinh và cả bệnh ung thư, bại liệt, viêm màng não… Tại đây, đã 3 lần ông bị xử phạt hành chính về hành vi “Khám chứa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế không phép”. Ông Phạm Thanh Trung, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết: “Có nhiều người địa phương tìm đến ông Yên điều trị nhưng tôi chưa phát hiện trường hợp nào khỏi bệnh. Sau 3 lần bị phạt hành chính, ông Yên đã rời khỏi địa phương, đi nơi khác hành nghề”.
Từ năm 2011 đến 2015, ông Yên tổ chức khám chữa bệnh ở nhiều địa phương trong cả nước trong khi chưa có chứng chỉ hành nghề.
Tháng 10 năm 2015, ông Yên được Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đặc cách cấp phép mở Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh để hoạt động khám chữa bệnh. Thậm chí, ông còn được tỉnh Hà Tĩnh giao cho khu đất rộng hơn 2 ha ở thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mở Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh.
PGS,TS. Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết, đến tận năm 2017 ông Yên mới được cấp bằng Trung cấp y sĩ y học cổ truyền của trường Trung cấp Tuệ Tĩnh (tỉnh Thanh Hóa). Năm 2018, ông Yên được Sở Y tế Bình Thuận cấp chứng chỉ hành nghề.
Không biết có phải do sự đồn thổi quá mức, do các clip “thần thánh” trên mạng xã hội mà mỗi địa danh ông đi qua, mỗi địa điểm ông chữa bệnh được nhân dân vây kín, xếp hàng chờ điều trị. Ông được người ta săn đón, tìm kiếm mong chữa bệnh cho người nhà, người thân. Chính vì tin ở “tài năng” của ông, nên một số địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm để mở các trung tâm khám chữa bệnh. Thậm chí, ông này còn được khen thưởng vì có thành tích khám chữa bệnh.
Cơ quan chức năng ở đâu?
Như vậy, ông Võ Hoàng Yên đã hành nghề chữa bệnh một thời gian rất dài (hơn 10 năm), đã khám chữa bệnh cho rất nhiều người, tại nhiều địa phương khác nhau nhưng chỉ đến khi có việc tố cáo của ông bà Dũng – Hằng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đã có nhiều người, tốn kém nhiều tiền của, không quản vất vả, tốn kém ăn ở, đi lại để “trăm sự nhờ thần y” chữa bệnh, mặc dù vô cùng khó khăn về kinh tế, thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cùng với sự khẳng định “phản khoa học”, “không tác dụng”, “chưa có giấy phép”… của cơ quan chức năng có phải là đã quá muộn không?
Những người dân bình thường không có kiến thức chuyên môn, nghe lời đồn đại, đến ông Yên chữa bệnh, rồi tiền mất tật mang là một nhẽ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, chính quyền địa phương và cơ quan y tế ở đâu để ông Võ Hoàng Yên có thể thoải mái hành nghề? PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh cho biết, việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đã được phân cấp cho Sở Y tế các địa phương, phù hợp với những đối tượng do các Sở Y tế quản lý. Đối với trường hợp ông Võ Hoàng Yên, việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ do Sở Y tế nơi ông Yên thực hiện hành nghề cấp.
Trong khi đó, một số địa phương khi cấp giấy phép hành nghề cho ông Yên cho biết, ông Yên đã xuất trình được đầy đủ các loại giấy tờ, trong đó có chứng chỉ y sĩ. Tuy nhiên, cũng có những địa phương cấp giấy phép và tạo điều kiện cho ông Yên khi ông chưa trình được chứng chỉ hành nghề, mà chỉ thông qua “uy tín truyền miệng”, “với mong muốn giúp đỡ người dân nghèo của địa phương có điều kiện chữa bệnh miễn phí”. Chính sự chủ quan này đã “cấp giấy thông hành”, “giấy bảo đảm” để người dân tin tưởng khám chữa bệnh, và ông Yên tha hồ lộng hành.
Nếu ngay từ đầu, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, kịp thời điều tra, khảo sát hiệu quả chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên, thì đã có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để nhiều người bệnh và gia đình lãng phí, tốn kém, “tiền mất, tật mang”.
Khách quan mà nói, hiện nay có rất nhiều cơ sở, trong đó có rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ, hành nghề xoa bóp, bấm huyệt, khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y. Cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát được hết do nhiều cơ sở không treo biển, mà quảng cáo qua truyền miệng, qua mạng xã hội. Do đó, để quản lý tốt các cơ sở khám chữa bệnh cũng như hạn chế sự “bát nháo” trong quảng cáo, thổi phồng sự thật nhằm thu lợi bất chính của các “bất lương y”, cơ quan chức năng phải kiểm tra thường xuyên, nắm tình hình để có hướng xử lý kịp thời.
Ngoài việc kiểm tra các cơ sở hành nghề, cơ quan y tế cần nâng cao năng lực rà soát, kiểm tra khi có thông tin trên các mạng xã hội về các trường hợp khám chữa bệnh, tránh để xảy ra trường hợp quảng cáo rầm rộ, đắng tải những video, clip thần thánh hóa, thổi phồng trắng trợn kiểu chữa khỏi bệnh cho người câm, người điếc, người bại liệt chỉ bằng vài cái vỗ tai, kéo lưỡi, giật chân như trường hợp Võ Hoàng Yên.
Đây là bài học đắt giá về việc quản lý của cơ quan chức năng và của nhiều người dân. Khi đặt niềm tin vào đâu cần tìm hiểu kỹ, đúng khoa học, có kiểm chứng rõ ràng, không nên tin vào lời đồn thổi cũng như quảng cáo trên mạng xã hội.
Muộn còn hơn không, được biết, tháng 12/2020, Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực y, dược cổ truyền và nêu rõ: Trong thời gian qua, Cục Quản lý y, dược cổ truyền tiếp nhận nhiều phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám chữa bệnh y học cổ truyền trên nền tảng Youtube, facebook tại các địa phương.
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; còn với người đã được cấp rồi, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai thì do cơ sở địa phương quản lý chịu trách nhiệm. Bộ Y tế sẽ cùng địa phương làm mạnh để quản lý hành nghề y học cổ truyền.
Hy vọng, với những động thái tích cực của các cơ quan chức năng cũng như sự tỉnh táo của người dân, chúng ta sẽ không để tiếp tục xảy ra các trường hợp tương tự như “thần y Võ Hoàng Yên”!
Thương Huyền