Bà Nguyễn Thị Minh Hà (thứ hai, trái sang) tặng quà cho Trường tiểu học Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
“Tài sản mà tôi bươn trải, chắt chiu, dành dụm trong suốt cuộc đời để lại cho 2 đứa con không phải là những ngôi biệt thự sang trọng hay những chiếc ô tô đắt tiền mà là “Nghị lực” - đó là những lời chia sẻ của doanh nhân CCB Nguyễn Thị Minh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ tổng hợp Hàng hải (Hải Phòng); Ủy viên Ban Chấp hành - Phó ban súc tiến thương mại Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam; Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân T.P Hải Phòng.
Kinh doanh bằng “nghị lực” và “chút vốn ngoại ngữ”
Từ một cô gái chưa tròn 16 tuổi đang học dở lớp 9/10, lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc, sau 25 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 2000, khi mới 41 tuổi, bà Minh Hà xin nghỉ hưu sớm tìm hướng đi riêng cho mình. “Việc tôi quyết định nghỉ hưu, cả gia đình, bạn bè đều nghĩ tôi là người không bình thường về thần kinh” - bà Minh Hà nói.
Về với đời thường, cởi bộ quân phục khoác lên mình bộ quần áo “dân thường” để “làm doanh nhân” đôi lúc bà thấy có sự trống chếnh, bởi theo bà: Trước đây, tất cả đều được bao cấp, đến tháng là có lương bất kể mưa hay nắng, cuộc sống ổn định. Ở tuổi như bà về hưu mọi thứ đều đã nhỡ. Tuổi chưa già nhưng không còn trẻ. Vốn để mở một doanh nghiệp không có. Kinh nghiệm và sự phản ứng nhanh nhạy của kinh tế thị trường cũng không. Nhưng bây giờ không còn lựa chọn nào khác, vì danh dự, muốn tự khẳng định mình là quân nhân cho dù ở hoàn cảnh nào thì mình cũng phải cố gắng hoàn thành tốt vai trò “Người lính”.
“Cái tôi có được là “nghị lực” và “chút vốn ngoại ngữ” do cần mẫn tích góp trong quá trình công tác, học tập làm hành trang để khởi nghiệp” - bà Minh Hà nói.
Chính sự gian nan đó lại là động lực để bà cố gắng, vượt lên chính mình. Trong đơn vị bên mình luôn có đồng chí, đồng đội, nhưng ra thương trường mình phải đơn thương độc mã, xung quanh mình là cạnh tranh khốc liệt. Do có vốn ngoại ngữ, lại có một thời gian làm ở Công ty Dịch vụ Hàng Hải của Bộ đội Biên Phòng, bà nhận thấy T.P Hải Phòng là nơi làm dịch vụ hàng hải rất tốt, nên bà quyết định lập Công ty TNHH dịch vụ Hàng Hải đầu tiên ở Hải Phòng.
Là doanh nghiệp tư nhân lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên lúc đầu rất khó khăn, không ít lần bà phải “trả giá” cho sự thiếu kinh nghiệm của mình.
Bà Minh Hà kể: Có lần tôi nhận được hợp đồng thực phẩm, nhưng ông bếp trưởng người Nga không giỏi tiếng Anh, tôi cũng không có nhiều kiến thức tiếng Nga về lĩnh vực thực phẩm, nên tàu đặt 1 tấn thịt bò không xương nhưng tôi nghe thế nào lại nhầm là 1 tấn xường bò. Sau khi cấp lên tàu, tàu trả lại, dở khóc dở cười. Đánh xe chở 1 tấn xường bò về không biết đổ đi đâu? Đấy là chưa kể số tiền mua xương phải bù.
Nhưng rồi đôi khi có niềm vui được lấp đầy, bà nhớ lại: Khi tàu Cuba cập cầu, hơn 10 công ty lớn nhỏ cùng lên để đưa bảng giá chào hàng. Thuyền trưởng cầm bảng giá rồi nhìn một lượt các nhân viên công ty như chấm hoa hậu. Chúng tôi ai cũng hồi hộp, mong muốn có được hợp đồng từ phía tàu, nhất là những tàu của các nước XHCN vì quân số trên tàu thường nhiều thuyền viên, đặc biệt tàu Cuba họ phải đi chặng đường xa nên mua nhiều thực phẩm. Tôi không biết làm sao để có thể gây được sự chú ý của thuyền trưởng bởi so mình với các nhân viên công ty khác thì tôi bị thua điểm ngoại hình. Tôi cố gắng tìm cách gây chú ý với thuyền trưởng vì thế tôi liền nói mấy câu mà tôi học được khi làm nhiệm vụ kiểm soát ở cổng cảng khi tàu Cuba vào cảng: “Hola Cuba. Viva Cuba”. Không ngờ thật hiệu quả! Thuyền trưởng liền hỏi tôi bằng tiếng Cuba. Tôi trả lời bằng tiếng Anh rằng: Tôi không biết tiếng Cuba nhưng tôi yêu nhân dân Cuba và tôi cũng như nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ của nhân dân Cuba trong những ngày Mỹ xâm lược Việt Nam, đặc biệt câu nói của Chủ tịch Fidel Castro: “Vì Việt Nam nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Thật bất ngờ ông thuyền trưởng không hỏi gì thêm, nói luôn một câu “Viva Việt Nam” và đưa cho tôi bản hợp đồng mua thực phẩm cho tàu, trị giá 12.000 USD.
Với nữ doanh nhân CCB Nguyễn Thị Minh Hà, làm việc không đơn thuần là kiếm tiền mà còn là quá trình học tập. Bà tìm hiểu văn hóa, truyền thống của nhiều nước khác nhau. Vì thế, có những tàu đến cảng, họ không có nhu cầu mua thực phẩm thì bà chuyển ngay sang chào hàng quà lưu niệm.
Bà kể: Tôi biết người châu Âu vốn đánh giá rất cao nghề thủ công, vậy là tôi tặng thuyển trưởng 1 chiếc nón lá Việt Nam và giới thiệu cho họ ý nghĩa của chiếc nón lá. Không ngờ, thuyền trưởng đặt mua 1.000 chiếc. Rồi tôi mang ảnh Bác Hồ đội chiếc mũ cát lên tặng thuyền trưởng, ông ta ngắm ảnh Bác rất trân trọng rồi đặt mua 1.000 chiếc mũ như Bác đội.
Tuy làm dịch vụ hàng hải nhưng bà Minh Hà cũng tranh thủ giới thiệu về những địa danh du lịch của Việt Nam. Vì thế, bà vẫn nhận được những hợp đồng du lịch.
Để làm được điều đó, nữ doanh nhân đã đào tạo đội ngũ nhân viên có được 4 điều ước: Bậc cha mẹ ước mình có đứa con như thế, lãnh đạo ước mình có nhân viên như thế, thanh niên ước mình có người vợ như thế, trẻ con ước mình có người mẹ như thế. “Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình: “Người trả lương cho các cháu không phải là cô mà là khách hàng, do vậy các cháu phải chăm sóc khách hàng thật tốt, không được để khách hàng mất lòng tin phải coi khách hàng như người thân của mình” - bà Hà cho biết.
Và tấm lòng nhân ái bao la
Tuy đã cởi bỏ quân phục, sao mũ bươn trải trên thương trường nhưng bà Minh Hà vẫn không thể quên những năm tháng gian nan bà được sống trong vòng tay bạn bè, sự đùm bọc của nhân dân nơi đóng quân. Chính vì vậy, sau khi có điều kiện, việc đầu tiên bà làm là đi thăm và tặng quà cho bà con ở Dốc Sàn, thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện, huyện Lục Nam (Bắc Giang).
Kỷ niệm 10 năm nghỉ hưu, bà không tổ chức rầm rộ mà chọn cách tặng 100 quyển sổ tiết kiệm trị giá 40 triệu đồng cho các địa phương, đồng đội mà bà mang nặng nghĩa tình. 5 năm qua, bà Minh Hà đồng hành cùng Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Hải Phòng) giúp đỡ, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho các cháu khuyết tật nơi đây. Đợt dịch Covid-19, bà cùng Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng ủng hộ tiền và hàng trị giá hàng trăm triệu đồng cho các trung tâm cách ly ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đà Nẵng… Hằng năm, bà tham gia và vận động chị em doanh nghiệp trao tặng hàng nghìn suất quà Tết, tham gia xây dựng Nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách của T.P Hải Phòng. Ngoài ra, bà còn tham gia và động viên các doanh nghiệp ủng hộ các tỉnh vùng cao như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai; tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Hải Phòng. Mới đây nhất, bà cùng Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng tặng 10 con bò cho gia đình chính sách bị ảnh hưởng lũ lụt năm 2020 ở tỉnh Quảng Bình.
Nhờ những thành quả có được, doanh nhân CCB Nguyễn Thị Minh Hà được tặng Danh hiệu Nữ tướng thời bình năm 2014; Giải thưởng “Nữ tướng Lê Chân” và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp.
Hiện nay, niềm mong mỏi lớn nhất của bà là có sức khỏe tốt để có thể làm được nhiều việc có ích, giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Khi được hỏi tài sản lớn nhất hiện nay của bà là gì? Bà cười tươi trả lời: “Sau bao thăng trầm, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt khi từ người lính trở thành doanh nhân, tôi cũng đã gặt hái được một số thành công. Nhưng tài sản lớn nhất của tôi đó là mái ấm gia đình. Tôi hài lòng với hạnh phúc của mình vì có người chồng tốt và những đứa con ngoan ngoãn, trưởng thành!”.
Vũ Minh