Cần tìm giải pháp để tư vấn, hướng nghiệp đạt hiệu quả thực sự.
Trước kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10, có tới 99,99% phụ huynh học sinh đều mong muốn con tiếp tục được học lên bậc Trung học phổ thông. Tuy nhiên, với một số học sinh có học lực dưới trung bình, việc định hướng cho con em chuyển sang học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, trường nghề là việc cần thiết để các em có môi trường học tập, rèn luyện, tu dưỡng và không bị áp lực thi cử ảnh hưởng tới sự phát triển tâm, sinh lý của lứa tuổi đang trong quá trình phát triển với nhiều diễn biến tâm lý khá phức tạp.
Từ chủ trương…
Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước, được Ngành Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội quan tâm. Định hướng học tập rất quan trọng nhưng làm thế nào để “phân luồng” hiệu quả, đảm bảo mục tiêu học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có thể tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội? Làm thế nào để “phân luồng” “...Bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời...” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010)?
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 14-11-2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định mục tiêu: “...Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng...”.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-5-2018 xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nhà nước (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
… tới thực trạng
Gần đây, việc nhà trường, giáo viên định hướng học sinh có học lực kém sau khi hoàn thành THCS không thi vào lớp 10 bậc THPT mà chuyển sang học nghề khá phổ biến. Tuy nhiên một số nơi xuất hiện tình trạng “định hướng” mang tính áp đặt, “ép” phụ huynh học sinh tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 do nếu trường nào có tỷ lệ học sinh trượt cao, chất lượng dạy học sẽ bị đánh giá, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Nhiều phụ huynh bất bình vì con em bị tước mất cơ hội được tiếp học văn hóa theo chương trình THPT thông thường, đặc biệt là học sinh ở các thành phố lớn, mật độ dân số, nhà chung cư ngày càng nhiều nhưng diện tích đất cho trường học không được quan tâm đúng mức dẫn tới thiếu trầm trọng. Anh Đỗ Xuân T. ở quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Gia đình luôn động viên con thi đỗ lớp 10 công lập. Khi cháu biết nhà trường định hướng học nghề, tâm lý học tập đi xuống, mất tập trung”.
Câu chuyện của Dương Anh Vũ - người từng được biết đến là "Kỷ lục gia trí nhớ của Việt Nam" (Thailand) cho thấy kết quả học tập của ngày mai không phải hoàn toàn là kết quả của ngày hôm nay mà phải xuất phát từ nỗ lực của ngày hôm nay. Anh chia sẻ: “Năm lớp 9, thi chuyển cấp tôi chỉ được 28 điểm - trong khi điểm tối thiểu là 28,5. Không có bất cứ trường THPT nào chịu nhận tôi vào học cả. Bố tôi nói: "Con nên nghỉ học đi học nghề thôi, vì con thấy đó, 10 năm trời con đi học, không thu được bất cứ một thành quả nào, toàn ở lại lớp với thi lại". Khi nhận ra sai lầm của mình, anh đăng ký học bổ túc và chỉ có biết học và học trong suốt 3 năm trời. Rồi anh thi đỗ Trường đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh. Anh nghiên cứu nhiều đề tài, nâng cấp thêm trí nhớ và nhận được học bổng cao học ở Đại học Auckland, New Zealand.
Mặt khác, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, công tác phân luồng cần nhìn nhận một cách thấu đáo hơn. Người lao động tương lai rất cần nền tảng văn hóa phổ thông trung học để có thể học suốt đời. Bởi vậy, không thể lấy tỷ lệ phân luồng để “ép” học sinh THCS vào học nghề. Chỉ nên phân luồng những người không thể học được ở bậc THPT do sức khỏe, điều kiện kinh tế hoặc không muốn học... Giáo dục cần tạo điều kiện tối đa để các em được tiếp tục học lớp 10. Nhà trường cần tạo điều kiện cho tất cả học sinh có nhu cầu tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10. Sau khi thông báo kết quả thi, việc định hướng học nghề vẫn chưa muộn.
Việc phụ huynh phản ứng trước những “tư vấn” của nhà trường là do giáo viên không có đủ năng lực hướng nghiệp. Việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực tương lai để có chính sách hướng nghiệp đúng đắn cần sự vào cuộc của cả hệ thống. Đó là công tác dự báo của các nhà kinh tế và nghiên cứu thị trường lao động để đưa ra những thông tin trung thực, lành mạnh về thị trường này. Từ đó, người học thấy được xu hướng của thị trường để tự thân tìm hiểu và ra quyết định.
Hồ Thanh Hương