Tượng đài chiến thắng làng Xuân Hoà - Hoa Thuỷ

tháng 9 -Vượt chặng đường xa, chúng tôi tìm về làng Xuân Hoà, xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, ghé thăm Tượng đài Chiến thắng ghi chiến công cách đây 70 năm của du kính, bẻ gãy trận càn của Pháp và tay sai; tiêu diệt và bắt một trung đội, thu 20 khẩu súng.

Bao mệt nhọc xua tan khi được nghe tâm sự của các cụ ông, cụ bà lớp người cây cao bóng cả, kể về trận đánh không cân sức; về lực lượng và vũ khí,  nhưng du kích của ta dày dạn kinh nghiệm, chiến thuật tác chiến, cộng với tinh thần dũng cảm đã buộc giặc phải đầu hàng.

Để có thêm tư liệu, chúng tôi tìm về nhà CCB Nguyễn Văn Tú - 91 tuổi, nhân chứng lịch sử trận đánh của tiểu đội du kích năm xưa. Cụ Tú sinh ra lớn lên ở làng Xuân Hoà, 18 tuổi tham gia lực lượng du kích bảo vệ làng. Với những công lao đóng góp cho cách mạng, cụ được Nhà nước tặng 2 Huân chương Kháng chiến chống  Pháp và chống Mỹ hạng Nhất, cùng rất nhiều bằng, giấy khen khác.

Nay đã ngoài 90 tuổi, tóc bạc da mồi, những đường gân chạy lô xô trên các nếp nhăn, nhưng đôi mắt vẫn nở nụ cười hóm hỉnh, trí nhớ minh mẫn.

Rót nước mời khách, cụ lấy khăn lau mồ hôi rồi chậm rãi nhớ lại:

Đầu năm 1947, Pháp đổ bộ vào Quảng Bình; năm 1948 lên đóng đồn ở làng Vạn Xuân, nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Cũng năm đó, chúng lên làng Xuân Hoà đốt nhà cướp của, bắt dân đi lính, bắt dân về xây dựng đồn.

Làng Xuân Hoà hồi đó cây cối còn rậm rạp, nhà ở thưa, chưa có đường,   nên lợi thế cho du kích dễ hoạt động. Theo nhận định của lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, sẽ có một đội quân Pháp từ đồn Vạn Xuân về càn quét làng Xuân Hoà.

Lực lượng du kích phải bố trí trận địa để đối phó. Đúng như dự đoán của lãnh đạo mặt trận huyện, rằm tháng 8 âm lịch Kỷ Hợi (1949) có 3 phụ nữ đi chợ Vạn Xuân nghe mấy thằng tề nói với Tây ở giữa chợ, sắp về lùng sục ở làng Xuân Hoà.  

Biết được tin đó, các chị bỏ chợ đi thật nhanh về làng, báo cho tổ du kích.   Tổ du kích họp lại triển khai kế hoạch. Rất may hôm đó có anh bộ đội ở Trung đoàn 18 tên là Xoang, bị sốt rét, không theo kịp đơn vị,  ở lại  tham dự cuộc họp, chỉ đạo bày binh bố trận...

Cổng làng Xuân Hoà có cây đa, nhiều cành, bóng râm mát. Tổ du kích dự  định giặc đi càn đến trưa sẽ ngồi nghỉ ở gốc đa. Thế là mìn được đặt sẵn; 4 người nằm phục ném lựu đạn; hai bên đường các lối ngõ thì đặt chông.  Cụ Tú nhận nhiệm vụ  quan sát và ra hiệu lệnh cho bộ phận giật bộc phá, nổ mìn... Họp xong, loáng cái trận địa đã được bố trí sẵn sàng, chờ giặc tới là tiêu diệt.

Bóng mặt trời lên quá ngọn tre. Lúc này bọn giặc hùng hổ kéo vào làng gồm một trung đội, có 4 thằng Tây, vũ khí trang bị loại nhẹ. Chúng đi nhẹ, chỉ nghe tiếng giày đinh lộp cộp, quân phục áo quần nhiều màu, đầu đội mũ nhiều loại, vai mang súng, nói với nhau bằng mật khẩu.  

Đúng như dự định của ta. Chúng đi đường mệt nhọc, nên thấy có bóng râm của cây đa là cởi súng dựng vào gốc cây, ngồi nghỉ...  Nhanh như sóc, anh Xoang từ trong bụi nhãy ra ở cự ly chừng 40m. chĩa súng ngắm vào lũ giặc, níu cò, một loạt tiểu liên nổ rền. Tiếp đó một khối lửa xanh lè kéo theo tiếng nổ xé trời dậy đất, cùng tiếng lựu đạn chen nhau nổ. Lúc này bầu trời sẫm tối sặc mùi khói thuốc súng, bọn giặc bị du kích phục kích đánh bất ngờ, thân xác chúng chịu dưới lưỡi dao kiếm chạm nhau nghe rợi tóc.

Trong đám khói, chỉ nghe tiếng hét của du kích "Đầu hàng, không chém hết" -  màn khói của đạn, của mìn, bộc phá... tan dần, bầu trời sáng trở lại. Trận giao chiến giáp lá cà cũng khép lại sau nửa giờ. Du kích dẫn tù binh  lên Chiến khu giao cho Uỷ ban Kháng chiến.

Thành tích đánh địch của Đội du kích làng Xuân Hòa được huyện khen, biểu dương và được ghị vào Lịch sử truyền thống đánh giặc của xã, mở màn cho những chiến công tiếp theo sau này.  

Quân địch ở đồn Vạn Xuân bị thua trận, co lại trong đồn không dám hoành hành như trước. Quân ta thừa thắng xông lên, tin tưởng Đảng, tin tưởng cách mạng, mà đứng đầu là Mặt trận Việt Minh. Ai nấy đều yên tâm sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng...”.

Khi chúng tôi hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong trận đánh; không do dự, cụ Tú nói: "Nhiều kỷ niệm lắm, có lẽ ấn tượng nhất vẫn là tinh thần đoàn kết của nhân dân, gan dạ dũng cảm của du kích đưa đến thắng lợi...".

Sau hoà bình, đề ghi lại chiến công của du kích đánh giặc giữ làng. Đảng bộ và nhân dân xã Hoa Thuỷ chung sức xây dựng Tượng đài Chiến thắng Xuân Hòa.

Hàng năm khi Tết đến Xuân về và các ngày lễ trọng đại của đất nước, các cụ du kích năm xưa cùng các thế hệ đến Tượng đài Chiến thắng để dâng hoa, quây quần trò chuyện ôn lại kỷ niệm xưa làm nên trang sử hào hùng. Nhớ về ngày Thu cống hiến cuộc đời cho Cách mạng thống nhất giang sơn Tổ quốc...

LÊ CÔNG A