*Space *cho biết, mặt trăng sẽ chỉ cách trái đất 356.577 km vào thứ bảy tuần tới.
Mặt trăng chuyển động quanh trái đất theo quỹ đạo hình elip gần tròn ở khoảng cách trung bình 384.403 km. Vì thế mà nó có một điểm gần trái đất nhất (cận điểm) và một điểm xa nhất (viễn điểm).
Nhà thiên văn Richard Nolle tại Mỹ, người đang điều hành trang astropro.com, dùng thuật ngữ “siêu trăng” để gọi mặt trăng khi nó tròn và tới cận điểm (điểm gần địa cầu nhất trên quỹ đạo). Hiện nay thuật ngữ "siêu trăng" được các cộng đồng thiên văn trên mạng sử dụng rộng rãi.
ABC News dẫn lời Mark Paquette, một chuyên gia của công ty cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết AccuWeather tại Mỹ, nói rằng vào thứ bảy tuần tới mặt trăng sẽ tới cực gần cận điểm. Theo Paquette, nếu mặt trăng tới đúng vị trí cận điểm thì người dân trên trái đất sẽ thấy nó có độ lớn cực đại. Khi độ lớn mặt trăng tương tương từ 90% độ lớn của nó ở cận điểm thì người ta có thể gọi nó là "siêu trăng".
"Siêu trăng từng xuất hiện vào các năm 1955, 1974, 1992 và 2005. Trong những năm đó nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thiên tai xảy ra. Liệu siêu trăng và sự xuất hiện của các thảm họa thiên nhiên chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên? Nhiều người sẽ bảo đó chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng một số nói không", Paquette nhận định.
Nolle cũng cảnh báo núi lửa, động đất, bão lớn và nhiều thiên tai khác có thể xảy ra khi siêu trăng xuất hiện.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Phường, một chuyên gia của Hội Thiên văn-Vũ trụ, cho biết, mọi người có thể quan sát được trăng tròn vào hôm 19/3. Tuy nhiên, nếu không có phương tiện hỗ trợ, nhiều người sẽ không thấy trăng to hơn so với những dịp trăng tròn khác.
Tuyết Sơn