Đốt vàng mã gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.
Đã thành phong tục, mỗi khi năm hết Tết đến, vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch), hầu như mỗi gia đình chúng ta thường làm cơm cúng, tiễn đưa ông Táo về trời.
Sự tích “ông Công, ông Táo” có nhiều cách lý giải. Đây là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, theo thời gian được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà”- vị thần Đất, vị thần Nhà, thần Bếp núc. Cách lý giải khác là, trong bếp của các gia đình người Việt xưa thường có 3 ông đầu rau- tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp. Khi còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc và phải đắp ba ông đầu rau mới thay ba ông đầu rau cũ. Sau đó người dân tổ chức cúng để ba ông đầu rau bay lên trời bẩm báo. Theo tâm thức dân gian, lễ cúng ông Công, ông Táo bao giờ cũng phải có cá chép, cá chép sẽ hóa thành rồng chở các Táo bay lên trời. Hình tượng “cá chép vượt vũ môn” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Trong ngày Tết ông Công, ông Táo, sau khi cúng cá chép giấy, người ta sẽ “hóa” (đốt) để cá chép đưa các Táo về trời, hoặc nếu là cá chép sống, người ta thường tổ chức “phóng sinh” cho cá trở về ao hồ, sông suối. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là nét đẹp văn hoá mà còn thể hiện sự từ bi hướng thiện. Sự tích ông Công, ông Táo mang nặng tình người.
Bên cạnh những nét đẹp văn hóa ấy, qua thời gian, việc tổ chức thực hiện lễ tết, đặc biệt là Tết ông Công, ông Táo đã xuất hiện nhiều chuyện chưa hay, thậm chí là phản cảm. Cuộc sống ngày càng phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa, nhiều người đã hiểu sai, hoặc lạm dụng để cúng lễ rình rang quá mức. Có người sắm sửa cho Táo đủ thứ, nào là quần áo, nhà lầu, xe hơi để đi nhanh hơn cá... Có người đi săn lùng cá chép vàng, chép đỏ quý hiếm và cho rằng, sắm lễ vật càng lớn, càng đắt tiền sẽ được phù hộ nhiều hơn làm các mặt hàng liên quan đến lễ cúng ông Công, ông Táo tăng giá chóng mặt. Có nhiều người, khi đi “phóng sinh” lại thành “sát sinh” khi quăng cá nguyên trong túi nilon cùng với các loại rác rưởi từ trên cầu Chương Dương, cầu Thăng Long xuống mặt sông Hồng làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là chuyện đốt vàng mã... Từ lâu, nhiều người dân Việt Nam có tục đốt vàng mã để thể hiện sự giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên. Không chỉ trong dịp Tết ông Công, ông Táo, mỗi dịp Tết đến Xuân về hay vào ngày cúng giỗ, người ta đặt vài tập tiền vàng mã lên bàn thờ và lễ xong thì "hóa" để tưởng nhớ tri ân gia tiên, những người đã khuất. Chạy theo quan niệm "trần sao âm vậy" và tâm lý đám đông, không ít người đã bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng chục triệu đồng để "gửi đồ" cho người đã khuất bằng cách đốt cả đồ mã là các loại tiền âm phủ, là nhà lầu, xe hơi, ti-vi, tủ lạnh, ipad, iphone, thậm chí là cả người giúp việc… nhằm cầu xin bình an, tài lộc. Sự thái quá này không chỉ trở thành hành vi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh mà còn gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường và nhất là nguy cơ mất an toàn do cháy nổ. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và của có nguyên nhân từ đốt vàng mã là lời cảnh báo đỏ với mỗi người chúng ta trong mùa lễ hội năm nay. Năm 2016, xe bồn chở gần 23.000 lít xăng ở Quảng Ninh đã bị thiêu rụi bởi tàn lửa vàng mã. Mới đây, ngày mồng 5 Tết Mậu Tuất, khi mùa lễ hội vừa bắt đầu, mười gian hàng chuyên bán vàng mã, đồ lễ trong khuôn viên đền Mẫu, thị trấn Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) đã bị cháy rụi và không biết đã bao gia đình mất nhà, mất tài sản, cháy rừng… do đốt vàng mã gây nên. Bên cạnh tết ông Công, ông Táo, Việt Nam còn có 7.965 lễ hội khác trên cả nước mà lễ hội nào cũng có mục “hóa vàng”. Ước tính, mỗi năm trên cả nước đã “hóa” vài chục nghìn tấn giấy dưới dạng “mã” ra khói bụi, trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Tiền ấy nếu đem mua gạo, thực phẩm thì cứu giúp được hàng vạn người trong cơn hoạn nạn; thiết thực hơn, ý nghĩa hơn nhiều.
Ðể việc thực hành tín ngưỡng, tổ chức lễ hội bảo đảm tính văn minh, tiết kiệm, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, những năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị chư tôn đức tăng ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Bộ VHTTDL đã có quy định thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã... Nhiều cơ sở thờ tự lớn ở Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên khu vực tại gia vẫn còn nặng chuyện “hóa vàng”. Theo các chuyên gia văn hóa, đây là tập tục đã hình thành và lưu truyền từ lâu cho nên không thể loại bỏ một sớm một chiều. Khâu đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động để người dân không đốt vàng mã tràn lan; kiên quyết ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng vàng mã ở các cơ sở thờ tự, địa điểm công cộng và tư gia. Muốn làm được điều này, cần sự vào cuộc của các tôn giáo khác và các ban, ngành chức năng; sự chung sức đồng lòng của các nhà văn hóa và hưởng ứng của toàn xã hội để không chỉ Tết ông Công, ông Táo mà cả mùa Lễ hội năm Kỷ Hợi 2019 này nhà nào cũng vui hơn, an toàn hơn, tiết kiệm hơn.
Quốc Huy