Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc Tổng khởi nghĩa, biểu dương sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, xây dựng cuộc sống mới, độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Chính vào thời điểm này, nhạc sĩ Xuân Oanh khi đó đang hòa mình vào dòng người biểu tình đấu tranh giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã sáng tác ca khúc "Mười chín tháng Tám", bài hát đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người quân và dân ta khắp mọi miền đất nước:

"Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/ Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô "Mau diệt tan hết quân thù chung".

                                         (Mười chín tháng Tám - Xuân Oanh).

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho quốc dân, đồng bào đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).

Nhưng chỉ 4 ngày sau (ngày 6-9-1945), với âm mưu cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Ở miền Bắc, quân Tưởng tràn vào Hà Nội, vận mệnh đất nước lúc này như "ngàn cân treo sợi tóc". Với tinh thần yêu nước quật cường, nhân dân cả nước sẵn sàng đứng lên bảo vệ nền cộng hòa non trẻ, bảo vệ tự do, độc lập dân tộc vừa giành được.

Ngày 23-9-1945 đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm  lược lần thứ hai.

Để cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn kịp thời sáng tác ca khúc "Nam Bộ kháng chiến", ca khúc nhanh chóng đến với đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Nam Bộ bằng con đường truyền miệng rồi lan ra cả nước. Tiết tấu khoan thai trầm hùng của ca khúc đã vang lên khắp nẻo đường cách mạng trên đất phương Nam của Tổ quốc, rộn ràng, truyền cảm hun đúc khí phách cho người hát, người nghe và giục giã như một hồi kèn tiến quân:

"Mùa Thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời, lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tin/ Thuốc súng kém, chân đi không/ Mà lòng người giàu lòng vì nước/ Đốc với giáo mang ngang vai/ Nhưng thân mình nào kém oai hùng…/ Thề quyết thắng quân ngoại xâm/ Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn trước/ Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước Nam".

        (Nam Bộ kháng chiến - Tạ Thanh Sơn)

Nếu như bài hát "Nam Bộ kháng chiến" của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn là bản hùng ca hào khí nói lên lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân trên vùng đất Thành đồng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu thì sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc với chiến thắng của chiến dịch "Điện Biên Phủ" ngày 7-5-1954, vang vọng năm châu, chấn động địa cầu, đưa một nửa đất nước đi lên CNXH. Với khí thế bừng bừng của chiến thắng nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết nên khúc tráng ca hùng tráng "Giải phóng Điện Biên" là tiếng kèn giục giã, dồn dập, loan báo tin vui chiến thắng, vang lên theo nhịp bước quân hành:

Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến công trở về/ Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản Mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đàn em bé ra đồng nắm tay xòe hoa...

Và kết thúc bài hát, giai điệu  vút lên thật sảng khoái, hào hùng:

"Núi sông bừng lên/ Đất nước ta sáng ngời/ Cánh đồng Điện Biên/ Cờ chiến thắng tưng bừng trên trời".

              (Giải phóng Điện Biên - Đỗ Nhuận)

Bài hát "Giải phóng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là bản anh hùng ca tuyệt vời, ghi đậm dấu ấn "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiêng sử vàng" (Tố Hữu).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc thắng lợi, nhưng đế quốc Mỹ phá hoại và không thực thi hiệp định Giơnevơ đã ký kết, tiếp tục chiếm đóng miền Nam, đưa miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Miền Nam và nhân dân cả nước ta lại tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hậu phương miền Bắc đã huy động sức người, sức của góp sức cùng tiền tuyến miền Nam đánh giặc.

Trải qua 21 năm trong thời kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” bằng thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975, đưa cả nước tiến lên CNXH với niềm hân hoan của cả dân tộc.

Những ngày này cả Sài Gòn (T.P Hồ Chí Minh hiện nay) là một rừng cờ hoa với niềm hạnh phúc vô biên trong vỡ oà niềm vui chiến thắng, trong ngày chiến thắng hôm nay ta như nghe vang vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông, Bác vui với hội toàn dân và chính trong thời khắc hân hoan này đã được thể hiện rất rõ trong ca khúc ”Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà:

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay/ Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi!/ Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng/ Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông!/ Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân.../ Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ quốc muôn đời/ Trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam”.

                 (Đất nước trọn niềm vui - Hoàng Hà).

Đất nước giải phóng, Bắc - Nam liền một dải “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”, cả nước đi lên xây dựng CNXH, hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa vị thế Việt Nam ngày càng uy tín trên trường quốc tế, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, được bắt nguồn “Từ mùa thu ấy” ta đã đi lên.

Lê Huy Chung