Đầu tháng 4-1970, ông tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân và tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 465, Trung đoàn 568. Sau hai tuần huấn luyện, ông được bổ nhiệm tiểu đội phó tiểu đội cối 60 ly, một loại pháo cầu vồng trang bị cho bộ binh rồi lên đường vào chiến trường B2 chiến đấu thuộc Trung đoàn độc lập 320, Phân khu 23, Long An. Trận đánh đầu tiên, khẩu đội ông chi viện cho đại đội tập kích bốt An Thuận, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ban đầu do trinh sát báo sai nên tính toán các phần tử không chính xác, đạn rơi xuống khu đầm nuôi cá của dân. Nguyễn Gia Quý phải bò vào sát hàng rào kiểm tra lại, bắn mới có hiệu quả, nhưng khi rút quân thì đại đội lại quên khẩu đội cối đang nằm ngoài cánh đồng. Thế là các ông phơi lưng cho máy bay và pháo địch bắn phá, rồi muỗi đốt, đỉa cắn. Chịu không nổi, khẩu đội phải dạt vào bờ tre để tránh thương vong. May mắn được một bà má già chỉ đường về đơn vị rồi giúi cho các ông một bọc cơm có cá kho với ớt thơm phức. Mấy hôm sau trở lại, gặp bà má ông hỏi: Sao má cho chúng con nhiều cá kho ngon thế. Bà má nói: Tao thưởng công bắn pháo của tụi bay đó, để đạn lạc cá chết trắng cả đầm!
Nguyễn Gia Quý còn cùng tiểu đội đánh nhiều trận nữa. Có trận lội nước ngập đến cổ, ngòi nổ bị ẩm, khi bắn quả đạn cứ lừ đừ bay rồi nổ ngay trước mặt. Có trận bị trực thăng quần thảo suốt ngày phải ăn xoài xanh trừ bữa, hút lá chuối khô cho đỡ thèm thuốc. Có đêm tối đào hầm chiến đấu; càng đào càng mềm, càng thấy khó ngửi. Sáng ra mới biết đào trúng phải một ngôi mộ mới chôn. Có trận các ông bắn cháy một chiếc trực thăng địch đang đổ quân… Cuối năm 1971, trong một trận chống càn bên bờ sông Vàm Cỏ, Nguyễn Gia Quý bị một quả đạn nổ ngay bên cạnh làm vỡ xương trụ cổ tay phải. Vết thương hiểm hóc đã loại anh khỏi vòng chiến đấu.
Giữa năm 1972, đang ở Trạm điều dưỡng thương binh Long An, ông được tin chuẩn bị ra mắt tờ Tin Sài Gòn - Gia Định. Nghĩ mình từ hậu phương vào tới chiến trường là rất khó khăn, nay tuy bị thương nhưng vẫn làm được nhiều việc khác, thế là ông đầu quân làm báo. Bài đầu tiên của ông viết là phóng sự “Lá cờ trên cây đại thụ” kể về chiến thắng của nhân dân Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi (Sài Gòn) đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng. Thời gian này ta và địch đan xen vùng da báo, du kích Trung Lập Hạ treo một lá cờ lớn trên đình ngọn cây trâm bầu cổ thụ. Địch tổ chức càn vào làng để hạ cờ không được, chúng bèn dùng trực thăng tới nhổ cờ. Hôm sau ta lại có lá cờ khác treo lên, nhưng lần này du kích buộc thêm quả mìn clây-mo hướng lên trời. Máy bay địch lại đến nhổ cờ, mìn nổ, máy bay rơi. Bài báo được đăng trên số Xuân Quý Sửu (1973). Từ đó ông năng nổ đi và viết, trở thành cây bút đắc lực của Tin Sài Gòn - Gia Định. Nhưng đến cuối năm 1974, ông bị sốt rét dài ngày, cơ thể teo tóp, phải đi điều trị rồi chuyển dần ra Bắc, sau đó về làm việc tại Báo Hà Nội mới, trong các ban Kinh tế, Bạn đọc (chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện”), Ban Nông nghiệp (chuyên phòng chống lụt bão, thiên tai). Bài của ông thường ngắn gọn, súc tích và có tình khái quát cao. Ông là một trong 5 phóng viên đầu tiên ra mắt tờ Hà Nội mới chủ nhật, thí điểm tự hạch toán kinh tế để rút kinh nghiệm chung… Năm 1989, thành lập Hội Nhà báo Hà Nội, ông được điều sang làm ủy viên thường trực, rồi Phó chủ tịch và Chủ tịch Hội. Tháng 10-2003, kỷ niệm 10 năm Báo CCB Thủ đô ra số đầu, ông viết bài “Khi người lính cầm bút”, có đoạn: “Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch vẫn đang rình rập “diễn biến hòa bình” những mong lật đổ chế độ này, với không ít người theo đuôi, phụ họa, không ít người luôn tìm kiếm cơ hội đào bới kim tiền, bán buôn danh vọng…”. Các anh đã thẳng thắn vạch trần những âm mưu xấu xa, những thủ đoạn bỉ ổi ấy. Với đồng đội thì nặng tình mà phê phán, với kẻ thù thì kiên quyết loại trừ…”. Năm 2008, ông nghỉ hưu tại tổ 11, phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội.
20 năm tham gia và chủ trì hoạt động của Hội Nhà báo Hà Nội, ông viết: “Trong tiến trình đó, thuận lợi riêng của Hội nằm trong những thuận lợi chung của cả thành phố và khó khăn riêng của Hội cũng là những khó khăn chung của cả thành phố, song với nhãn quan của người làm báo, báo chí Hà Nội chúng ta có quyền tự hào với những dự báo mà đến nay, thời gian đã có câu trả lời cụ thể”. Đó là sự phát triển của văn hóa báo chí Hà Nội giàu bản sắc thủ đô ngàn năm văn hiến. Là giữ gìn nhân cách nhà báo và bồi dưỡng tài năng báo chí cùng với hiện đại hóa cơ sở vật chất và vấn đề “kinh tế báo chí” trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2008, Hội Nhà báo Hà Nội được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba.
Từ lính pháo đến 35 năm làm báo, Nguyễn Gia Quý đã có những đóng góp vào thành công lớn cho báo chí Thủ đô và bản thân cũng gặt hái được những thành quả đáng tự hào.
Tô Kiều Thẩm