Cụ Nguyễn Thị Thành tham gia giao lưu, cùng cụ Nguyễn Ngọc Tăng (giữa) và cụ Trịnh Văn Cửu.

Đó là tiêu đề và cũng là chủ đề của buổi giao lưu, do Hội CCB Việt Nam và Trường đại học Thái Nguyên phối hợp tổ chức, ngày 13-4-2024, tại T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Thượng tướng Bế Xuân Trường - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam và GS.TS. Phạm Hồng Quang - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên dự và chỉ đạo.

Đến dự còn có Trung tướng Dương Đình Thông - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1; đại diện Tỉnh ủy, UBND, Hội CCB tỉnh Thái Nguyên; các nhân chứng lịch sử và đông đảo giảng viên, sinh viên đến từ các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên...

Mở đầu buổi giao lưu - bằng kiến thức lịch sử thông tuệ, lý luận sắc bén, năng cảm, kết hợp với bề dày thực tiễn, Thượng tướng Bế Xuân Trường phát biểu, nhấn mạnh, làm sáng tỏ hơn, lời tiên đoán tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào Việt Bắc sau ngày Toàn quốc kháng chiến - Bác viết: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Thượng tướng Bế Xuân Trường khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, quân và dân Việt Bắc một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu đã vừa làm tròn sứ mệnh của “Thủ đô kháng chiến” vừa trực tiếp cùng cả nước đánh giặc, làm thay đổi cục diện trên chiến trường; điển hình như các chiến dịch Việt Bắc -Thu Đông năm 1947; Biên Giới năm 1950..., góp phần có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn, bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngay sau phát biểu của Thượng tướng Bế Xuân Trường là ba cụ đều ngoài 90 tuổi, tham gia giao lưu. Ba cụ - ba nhân chứng lịch sử, ở ba cương vị công tác khác nhau, đều rất điển hình, ở những thời khắc đặc biệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Cụ Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1931, ở xã Phú Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; dân tộc Tày. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cụ là cán bộ phụ nữ xã, có nhiệm vụ bảo vệ T.Ư Đảng, tại Chiến khu Việt Bắc - ATK, từ năm 1951 đến 1954; cụ Trịnh Văn Cửu, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, sinh năm 1935. Vừa tròn 18 tuổi, cụ tình nguyện tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, mở đường vận tải hàng hóa lên Điện Biên; tháng 7-1954, sau ngày giải phóng Điện Biên, cụ nhập ngũ vào quân đội; còn cụ Nguyễn Ngọc Tăng, sinh năm 1935, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ - là Trung đội trưởng,thuộc Đại đội 225, Trung đoàn 88 - Tu Vũ, Đại đoàn 308.  

Cả ba cụ đều rất minh mẫn. Kể cả khi lên sân khấu giao lưu, cũng như trò chuyện, trả lời phỏng vấn báo chí, cụ nào nói cũng mạch lạc; thậm chí còn hài hước nữa, khiến chúng tôi - thế hệ con, cháu hết lòng nể trọng. Khi chúng tôi hỏi về tầm quan trọng của con đường vận tải hàng hóa phục vụ chiến dịch, cụ Cửu ví: “Nó như động mạch chủ trong cơ thể con người, nối từ trung tâm ATK đến Điện Biên Phủ...” - càng ngẫm càng thấy cách nói ví von của cụ thật sâu sắc.

Còn cụ Nguyễn Thị Thành, về giao lưu phải đi chặng đường dài tới 70km.   Lo bảo vệ sức khỏe cho cụ - Đại tá Tô Quang Hanh - Chuyên viên Ban Tuyên giáo, T.Ư Hội CCB Việt Nam, đi xe đến tận nhà đón, mà cụ không đi. Cụ cảm ơn rồi bỏm bẻm nói: “Tôi không quen đi ô tô, cứ để con tôi đèo xe máy...”. Cụ pha trò: “Mà chưa cần phải “kẹp ba” đâu nhé” - ý cụ nói ngồi sau xe được một mình.  

Khi MC Nguyễn Thu Trang, hỏi: “Có đúng cụ thuộc dân tộc Tày không ạ?”. Cụ nói tỉnh queo: “Ơ. Ba đời nhà tôi là dân tộc Tày đấy” - cả hội trường vỗ tay nể phục cách nói hóm hỉnh của cụ. Với ánh mắt thân thiện trìu mến, cụ vừa nhìn Nguyễn Thu Trang vừa nói: “Bây giờ cháu hỏi gì, bà trả lời nấy...”.

Chiều hôm trước gặp cụ ở nhà khách Quân khu 1, cụ còn nói với tôi: Cuối năm nay, cụ được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Còn trong giao lưu, kể về nhiệm vụ “Bảo vệ T.Ư Đảng”, cụ bảo: “Nhà tôi ở giữa, bên trái là Báo Nhân Dân, bên phải là đồng chí Trường Chinh. Ba năm liền gia đình được giao bảo vệ T.Ư Đảng, là ba năm tôi cứ nhớ, làm theo lời T.Ư dặn, thực hiện “ba không” (không biết, không thấy, không có). MC hỏi: “Thưa cụ, những năm đó cụ có được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ạ?” - cụ nói: “Không gặp, cũng không được gần, vì T.Ư quy định là không được gặp, không được gần. Nhưng nhìn thì có nhìn thấy...” - cả hội trường lại vỗ tay thán phục cụ.  

Còn cụ Nguyễn Ngọc Tăng - nguyên Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Thái (cũ), thì kể về khoảnh khắc trung đội của cụ được giao nhiệm vụ đặc biệt, bí mật đào con đường hào phía tây sân bay Mường Thanh, đến sát hầm của tướng Đờ Cát để đơn vị (Đại đội 225, Trung đoàn 88 - Tu Vũ, Đại đoàn 308) đánh thọc sâu, bất ngờ vào sào huyệt địch; trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, những ngày ấy nhiều đồng chí, đồng đội của cụ đã anh dũng hy sinh ngay trong chiến hào, nhưng tất cả đều hừng hực tinh thần chiến đấu. Đúng như những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Khoét núi/ ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn...”. Đơn vị đã hoàn xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng chính trong trận đánh đó ngày 1-5-1954, cụ bị thương vào mắt ngất đi, khi trên tay cụ còn đang ôm quả bộc phá... Trở về địa phương, theo lời Bác dạy “Thương binh tàn, nhưng không phế”, cụ cùng với Đảng bộ tỉnh tiếp tục công tác, cống hiến xây dựng quê hương Việt Bắc; cho đến nay nghỉ hưu lâu rồi, nhưng “không nghỉ việc”...

Nghe cụ Tăng nói, tôi lại nhớ Đại tá Hoàng Ngọc Hoa - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thái Nguyên kể: Hiện toàn tỉnh có hơn 600 CCB và TNXP, dân công trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết đã tuổi cao sực yếu, nhưng tinh thần nhiệt huyết vì sự nghiệp chung của tỉnh thì dường như không nghỉ. Có nhiều tấm gương CCB gương mẫu “Noi gương chiến sĩ Điện Biên”, điển hình như doanh nhân CCB Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Công ty nhiệt điện An Khánh, những năm gần đây, hằng năm đóng góp vào ngân sách của tỉnh tới hơn 1.000 tỷ đồng/năm...

Đúng là cuộc giao lưu của những CCB truyền cảm hứng tích cực đến thế hệ trẻ - như phát biểu tỏ lòng cảm ơn Thượng tướng Bế Xuân Trường, của GS.TS. Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên; đó còn là ý kiến của CCB, PGS.TS. Hoàng Hà - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên. Ông xúc động nói, đại ý: Hội CCB Đại học Thái Nguyên có 160 hội viên - do được rèn luyện thư thách trong môi trường quân đôi, mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nên là một tập thể “chân đồng, vai sắt”, luôn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ; Hội chiếm tới 18% GS, PGS; hơn 50% TS; 15% cán bộ quản lý; 45% là giảng viên, nhà nghiên cưu...;

Đó còn là bộc bạch của Mạch Thị Phương Thảo - sinh viên năm thứ 4, Trường đại học Kinh tế - Quản trị kinh doanh Đại học Thái Nguyên. Tham gia giao lưu, Thảo nghèn nghẹn nói: “Cháu từ lâu đã có ý thức phấn đấu, nhưng qua buổi giao lưu hôm nay cháu càng ý thức hơn bản thân phải nỗ lực, nỗ lực hơn nữa trong học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, để phần nào đền đáp lại công ơn to lớn của nhưng thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu cho cuộc sống thanh bình hôm nay”;

Đó còn là chia sẻ của sĩ quan trẻ - Trung úy Phạm Văn Hiếu - Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 246, Sư đoàn 316, Quân khu 1: “Tôi vinh dự là quân nhân của chính đơn vị đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tôi nguyện không ngừng phấn đấu, tu dưỡng để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của đơn vị...”

Cuộc giao lưu đã khép lại, nhưng “Tự hào ATK - Điện Biên Phủ” thì dường như vẫn đang vang vọng mãi.

Huy Nguyễn