Theo Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó chính ủy quân chủng thì: Quân chủng PK-KQ vinh dự được Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh ngày 22-10-1963 và Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh PK và Cục KQ với ba binh chủng: Cao xạ, Ra-đa và Không quân. Đại tá Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Binh chủng PK được bổ nhiệm làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính, nguyên Cục trưởng Cục KQ làm Chính ủy quân chủng. Đây là bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, từ một quân đội ban đầu chỉ có bộ binh, trang bị vũ khí thô sơ đã lớn mạnh với các binh chủng hiện đại.
Trước đó, ngày 9-3-1949, Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu KQ, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Rồi Trung đoàn pháo cao xạ 367 ra đời vào ngày 15-4-1953 tại xã Bộc Nhiêu, huyện Đình Hóa, tỉnh Thái Nguyên với 2.700 cán bộ chiến sĩ. Trung đoàn đã dùng hỏa lực phòng không bao vây không phận, cắt đứt đường hàng không, con đường vận tải tiếp tế duy nhất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ; bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, làm cho quân Pháp bị cô lập, dẫn tới thất bại hoàn toàn.
Đến ngày 7-1-1965, bộ đội tên lửa được thành lập. Chỉ mấy tháng sau, ngày 24-7-1965, bộ đội tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi 2 máy bay F-4 của Mỹ trên vùng trời sông Đà, tỉnh Hòa Bình. Từ đây, Quân chủng PK-KQ có bốn binh chủng: Cao xạ, Ra-đa, Không quân và Tên lửa, cùng trực tiếp chiến đấu bảo vệ bầu trời của Tổ quốc thân yêu. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và ý chí “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, bộ đội PK-KQ đã đập tan chiến dịch “Mũi lao lửa” và “Sấm rền” của không quân Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng và các mục tiêu trọng yếu. Từ ngày 5-8-1964 đến 1-11-1968, bộ đội PK-KQ đã bắn rơi 1.137 máy bay Mỹ, trong đó có 6 chiếc B-52; bộ đội KQ tiêm kích (Mig-17 và Mig-21) đã cất cánh chiến đấu 6.402 lần chiếc, đánh 251 trận, bắn rơi 218 máy bay thuộc 19 kiểu loại của Mỹ; không quân vận tải đã cất cánh chiến đấu 51 trận, đánh chìm 3 tàu biệt kích, 1 tàu đổ bộ, bắn bị thương 3 chiếc khác, đánh hỏng 1 trạm ra-đa dẫn đường và 2 trực thăng; máy bay vận chuyển với 402 lần chiếc, thả dù 3.115 lần, bay 206 chuyến chuyên cơ an toàn. Chiến công của bộ đội PK-KQ góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 thể hiện sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong đó lực lượng nòng cốt và trực tiếp là Quân chủng PK-KQ. Từ nhiều năm trước bộ đội tên lửa và KQ đã đưa lực lượng của mình vào miền Trung đánh B-52 để rút kinh nghiệm và xuất bản các tài liệu “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa”, “Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng”. Trong 12 ngày đêm lịch sử này, Binh chủng Ra-đa mở máy 447 lần và phát hiện B-52 rừ xa, thông báo cho các lực lượng chiến đấu và nhân dân phòng tránh kịp thời, giành thế chủ động trong cả quá trình chiến dịch. Binh chủng Tên lửa đã chiến đấu 195 trận, bắn rơi 36 máy bay Mỹ, trong đó có 29 chiếc B-52. Bộ đội KQ đã xuất kích 30 lần chiếc, chiến đấu với máy bay Mỹ 8 trận, bắn rơi 7 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52, tạo điều kiện cho các lực lượng tiêu diệt địch. Binh chủng PK là lực lượng đông đảo nhất; gồm lực lượng PK quốc gia, PK lục quân và PK nhân dân đã chiến đấu dũng cảm, bảo vệ các mục tiêu, các trận địa tên lửa, sân bay với 1.191 trận, bắn rơi 28 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B-52.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, Quân chủng PK-KQ phải đương đầu với lực lượng không quân hùng mạnh và hiện đại của đế quốc Mỹ. Tương quan lực lượng địch mạnh hơn ta nhiều lần về tiềm lực kinh tế và sức mạnh vũ khí. Đây chính là cuộc đọ sức đầu tiên của Quân chủng PK-KQ non trẻ với không quân hiện đại của Mỹ. Quân chủng PK-KQ, các binh chủng: KQ, Pháo cao xạ, Tên lửa, Ra-đa và 7 sư đoàn 361, 363, 365, 367, 371, 372, 375; 1 lữ đoàn; 35 lượt trung đoàn; 47 lượt tiểu đoàn, phi đội, đại đội và 69 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng LLVTND (trong đó có 5 đơn vị được tuyên dương lần thứ hai; đồng chí Phạm Tuân được tuyên dương Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động và Anh hùng Liên Xô; Công ty bay dịch vụ miền Nam được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động). Quân chủng còn được tặng: 2 huân chương Sao vàng, 2 huân chương Độc lập hạng nhất, 4 huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm Huân chương Quân công, hàng ngàn huân chương Chiến công và huân chương Lao động và được Bác Hồ đến thăm 18 lần.
Ngày nay, không gian tác chiến phòng không mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ, gồm vùng trời của đất liền và biển cả. Quân chủng PK-KQ cũng được trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại, yêu cầu bộ đội khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo, ra sức học tập để làm chủ và sử dụng có hiệu quả. Nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng trời của Tổ quốc có trình độ cao hơn. Quân chủng phát huy chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và truyền thống anh hùng, để duy trì thường xuyên khả năng sẵn sàng chiến đấu. Kịp thời phát hiện, đánh trả các cuộc tiến công đường không của địch và đánh thắng ngay từ trận đầu đối với mọi kẻ thù, trong mọi tình huống.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm