Có lẽ, ít người biết rằng, Công trình văn hóa Hội CCB Việt Nam tọa lạc trên đồi E ở Điện Biên Phủ hiện nay được xây dựng từ nguồn tiền do chính các CCB đã chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ - 1954 quyên góp.
Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, nguyên cán bộ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có lần kể với giới báo chí về công trình này: “Năm 2004, ý tưởng được đưa ra, anh em CCB từ Bắc chí Nam đề nghị không phân biệt chiến sĩ Điện Biên hay “hậu Điện Biên” đều đóng góp xây dựng công trình văn hóa tặng nhân dân Điện Biên. Thế là người 2.000 đồng, người 20.000 đồng, có người hơn, CCB cả nước quyên góp được 4,7 tỷ đồng để làm nên công trình. Chúng tôi muốn gửi gắm một thông điệp qua công trình này: Điện Biên Phủ là nối tiếp lịch sử một Quân đội nhân dân và là nguồn cội những chiến thắng sau này của dân tộc”.
“Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Có lẽ, những CCB đã từng trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm” ở Điện Biên Phủ là những người đau đáu nhất với việc truyền “lửa Điện Biên Phủ” đến thế hệ mai sau.
Người viết bài này từng được gặp gỡ các CCB Điện Biên Phủ ở T.P Hải Phòng, để nghe các cụ kể cho nghe “cuộc chiến” mà các cụ tiến hành để bảo vệ danh hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Một số người mạo danh danh hiệu này để trục lợi đã bị các cụ già tuổi trên dưới 80 kiên quyết vạch mặt, đưa vụ việc ra ánh sáng.
Cũng chính tác giả bài viết này, đã được dự nhiều buổi nói chuyện truyền thống của CCB Điện Biên Phủ với thế hệ trẻ. Các cụ đi nói chuyện không phải để khoe khoang thành tích chiến đấu của cá nhân mình, mà ai cũng muốn mang “lửa Điện Biên Phủ” trực tiếp trao truyền, gửi gắm vào “những người chủ tương lai của nước nhà”.
“Chúng tôi chỉ muốn làm thế nào để thế hệ sau hiểu rằng, Điện Biên Phủ là một chiến công lừng lẫy, chiến công thật sự chứ không phải là huyền thoại”. Đại tá, CCB Đỗ Ca Sơn từng có lần tâm sự với thế hệ trẻ như vậy.
Năm 2004, trong đợt kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Đỗ Ca Sơn được mời đi giao lưu với học sinh và bộ đội. Khi các bạn trẻ hỏi ông kỷ niệm về những trận đánh, ông nói: “Đồi A1 có diện tích 2.000m2; đồng đội của bác hy sinh khoảng 2.500 người ở đó. Trung bình mỗi mét vuông đất trên đồi A1 có một chiến sĩ ta thương vong; đều thấm máu đồng đội của bác. Nếu các cháu có dịp đến thăm di tích lịch sử Đồi A1, các cháu hãy cắm hương vào bất cứ chỗ nào, nơi nào cũng có người nằm xuống”. Tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn trẻ lén lấy tay quệt nước mắt sau câu chuyện bi tráng đó.
Có một điều “lạ” ở các CCB Điện Biên Phủ mà tôi nhận thấy là: Hầu hết các cụ đều có trình độ học vấn thấp, có người còn chưa biết chữ khi đi bộ đội. Vậy mà sự hiểu biết, độ thấm nhuần của các cụ về lý tưởng XHCN, về Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh thì rất cao, rất sâu sắc.
Nếu đem so sự thấm nhuần lý tưởng XHCN của các cụ với lớp cán bộ, đảng viên hiện nay được ăn học đàng hoàng, bằng cấp cao thì tôi e phải nói ra sự thật là thế hệ hiện tại còn một khoảng cách xa mới bằng các cụ.
Vì sao? Có lẽ thực tiễn chiến tranh đã nhào nặn, giáo dục, bồi đắp lý tưởng, nhận thức chính trị cho chiến sĩ Điện Biên Phủ. Gốc rễ của vấn đề nằm ở nhận thức về lẽ sống. CCB Điện Biên Phủ với lẽ sống đẹp, không chỉ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu mà khi trở về với cuộc sống, phẩm chất của họ càng được tôi luyện và khẳng định. Cho nên, hầu như không có chuyện chiến sĩ Điện Biên Phủ dính “viên đạn bọc đường”. Đa phần trong số họ trở về sau trận đánh đều làm cán bộ trong và ngoài Quân đội và cho đến nay, đó vẫn là một thế hệ cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính” nhất mà môi trường XHCN ở Việt Nam đã đào luyện được.
Có một người bạn làm trong ngành Chính sách tâm sự với tôi, như một lời than: “Khi các cụ còn sống đủ đầy thì đất nước khó khăn, đãi ngộ các cụ được ít quá. Giờ đất nước khá hơn, muốn đãi ngộ thì hầu hết các cụ đã khuất núi”. Tôi nói: “Thế hệ CCB Điện Biên Phủ, như tôi biết thì các cụ không đòi hỏi gì cho mình. Cách đây hơn chục năm, tôi đã từng chứng kiến các cụ quyên góp, bỏ tiền túi ra để làm sách, kể lại những kỷ niệm của mình, in lại những dòng nhật ký mộc mạc của mình để tặng các trường học và thư viện. Các cụ làm việc đó tự nguyện, không đòi hỏi thù lao với mong muốn truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ luôn được con cháu lưu truyền, phát huy trong cuộc sống có phần phức tạp trong cơ chế thị trường hiện nay”.
Và tôi chợt nhớ đến tâm sự của một CCB Điện Biên Phủ với các thế hệ CCB trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cụ có ý trách cấp ủy, chính quyền cơ sở không tổ chức gặp gỡ để anh em CCB nói chuyện truyền thống cho các cháu học sinh, thanh niên nghe.
Cụ nói: “Truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cũng là những “pho lịch sử bằng vàng” nên cấp ủy, chính quyền các cấp phải tổ chức những hình thức nói chuyện để “truyền lửa giữ nước” phù hợp, nhằm trao truyền truyền thống giữ nước cho thế hệ mai sau”
Nguyễn Hồng