Sáng ra thì nhô lên ở bên này, chiều về lại chìm xuống bên kia, bên nào cũng mênh mông biển biếc. Hôm ấy, tôi là người may mắn được thấy bình minh ở Trường Sa Lớn. Khi mặt trời còn như một quả cà chua chín, đậu trên dải nước màu xanh lá mạ ở phía xa, thì những tia nắng đầu tiên hình rẻ quạt đã vươn tới đỉnh đầu, xuyên qua những đám mây màu xám khiến cho cả một vùng hồng rực lên như đứng trước cái miệng lò khổng lồ. Không còn phân biệt được đâu là trời, đâu là biển, vì sóng cũng lặng lẽ đến ngỡ ngàng. Thị trấn Trường Sa như một viên ngọc lớn, rồi lại như một lẵng hoa, phía dưới là bờ đá, trên là màu xanh nhạt của những tán cây bàng qủa vuông, cây phong ba, cây tra… cao nhất là màu hồng của các toà nhà cao tầng: Nhà khách Thủ đô, chỉ huy sở, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ… xung quanh là những cây quạt gió, cột đèn đều tăm tắp và tua tủa ướm vào nền trời.

Trung tá, Đảo trưởng Lã Quang Tuấn kéo tôi lại gần rồi nói: Lên đảo, anh sẽ thấy cảnh quan môi trường của chúng tôi còn đẹp hơn nhiều. Cảnh quan làm cho chúng tôi thấy gần với bờ hơn, không còn cảm giác xa cách hàng trăm hải lý. Chỉ tính thời gian gần đây, thị trấn đã san gạt 38.000m2 mặt bằng, quy hoạch khu vườn rau xanh gần 1.400m2, khu vườn hoa 140m2 và các khu chế biến thức ăn, khu chăn nuôi, thể thao, giải trí, đường điện ngầm… Từ cầu cảng, chúng tôi theo chân ba mẹ con chị Trần Thị Hoa về thăm gia đình. Đó là một khuôn viên rộng, một ngôi nhà mái bằng xinh xắn nhìn ra con đường bê tông phẳng nhẵn chạy ngang, hai bên hè có những hậu hoa, nhưng không chỉ trồng hoa mà có lẫn cả các cây rau thơm, rau mồng tơi, rau cải. Đất ở đây hiếm, nhiều nơi phải trở trong bờ ra nên trồng cây gì cũng được dự liệu hẳn hoi. Anh Nguyễn Xuân Yên (chồng chị) năm nay 39 tuổi, là người Cam Ranh, Khánh Hòa. Ra thị trấn, chị được tuyển làm công nhân viên quốc phòng, anh làm nghề đánh bắt cá, gia đình còn nuôi được 35 con gà, vịt để cải thiện bữa ăn. Nhìn hai cháu nhỏ quấn quýt bên chân má, sà vào lòng ba hỏi bài và qua ánh mắt trìu mến của hai người, tôi cảm nhận anh chị sống trong niềm vui và hạnh phúc.

Cứ xem cách ăn nói, đi lại, ứng xử thì Trung tá Trịnh Văn Long, Đảo phó, đúng là được luyện trong cái “lò lục quân”. Tốt nghiệp Trường sĩ quan lục quân, rồi lại qua Học viện lục quân, 17 năm ra Trường Sa anh là chỉ huy hải quân đánh bộ, và năm ngoái được bổ nhiệm Đảo phó. Để ổn định hậu phương và đi đảo lâu dài, năm 1996 anh chuyển vợ con từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa vào Cam Lâm, Khánh Hòa sinh sống và chờ anh những ngày giờ ngắn ngủi được vào bờ. Anh cho biết: Thị trấn được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND và được tặng thưởng các loại huân chương Chiến công của Nhà nước, bằng khen, cờ thưởng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng… Giữ vững truyền thống đó, các cấp lãnh đạo tập trung xây dựng đảng bộ nhiều năm đạt TSVM, đơn vị VMTD, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, mỗi năm tiếp thu gần 100 ý kiến của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về đoàn kết nội bộ và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao đời sống, năm 2009 anh em thu hoạch 23.300kg rau, củ, quả các loại, 4,160kg thịt và đánh bắt gần 3.000kg cá tươi, trị giá trên 400 triệu đồng, thêm vào bữa ăn hàng ngày 3.300 đồng/người; thường xuyên khám, chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho bộ đội, nhân dân thị trấn và ngư dân đánh bắt hải sản 948 ca, trong đó nhân dân là 403 ca, ngư dân là 104 ca, phải phẫu thuật 97 ca, không để dịch bệnh xảy ra. Đảo có trạm vệ tinh, có thư viện với 3.000 đầu sách và 30 đầu báo, 100% số hộ dân và các đơn vị có máy thu hình…

Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế đá do Công ty xây dựng CT-Tân cảng gửi tặng trong vườn cây phong ba. Những tán lá dày, xum xuê đan vào nhau tạo thành những hoa nắng đung đưa khắp nền xi măng. Tôi có cảm giác như đang ngồi trên ghế đá ở Bờ Hồ, Hà Nội, hay trong Thảo cầm viên thành phố Hồ Chí Minh hoặc một miền quê nào đó trên khắp đất nước thên yêu. Trường Sa rất gần và luôn ở bên ta, đang vươn lên, đang đổi mới cùng đất nước.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm