Từ đó, anh bắt đầu an cư lạc nghiệp và đi tìm cho mình một ý trung nhân để nâng khăn sửa túi… Thế nhưng hình ảnh cô thanh niên xung phong ngày xưa cứ hiện lên trong anh, thúc giục anh trở về quê mình ở Hà Tĩnh để tìm cô gái có cái tên rất đẹp là Nguyễn Thị Tuyết Hoa. Đến Can Lộc, Hà Tĩnh, quê của Tuyết Hoa, anh được địa phương cho biết sau ngày thống nhất đất nước, Tuyết Hoa làm chị nuôi ở Đoàn 441, đến năm 1984, cô chuyển vào Nam công tác.
Hà thất vọng trở về không một chút tăm tích của người yêu khi xưa. Năm 1986, anh xây dựng gia đình với cô T.H - nhân viên khách sạn NĐ. Cô T.H không đẹp nhưng lại có duyên ăn ảnh, nên các bức ảnh của cô được chọn in trên lịch quảng cáo tiếp thị. Nhiều người qua xem lịch mà biết cô T.H, còn cô thì không biết tự lúc nào đã tự cho mình là người đẹp nổi tiếng và thay đổi cách sống. Cô chê chồng “cổ điển”, thậm chí nhiều lúc xúc phạm anh quá đáng. Còn anh Hà vẫn sống bình dị, chất phác như một người lính ngày nào. Mùa đông, không khí giá lạnh về, anh vẫn khoác trên mình chiếc áo đại cán. Có hôm, T.H ra lệnh cho anh phải bỏ chiếc áo quân phục bốn túi đi, nhưng anh vẫn giữ bên mình như một kỷ vật thiêng liêng. Sống trong một căn nhà mà tình cảm vợ chồng miễn cưỡng, lạnh lùng. Không thể chịu đựng nhau mãi, hai người phải chia tay.
T.H về nhà ngoại, mang theo đứa con chung của hai người. Còn anh Hà tiếp tục sống trong căn nhà rộng thoáng nhưng thiếu thốn tình yêu và hạnh phúc. T.H làm đơn và được tòa quyết định cho thuận tình ly hôn
Chị Tuyết Hoa khi vào Nam đã xin làm cấp dưỡng ở một công ty cấp phát giống cây trồng trên vùng Đồng Tháp Mười mênh mang trời và nước. Chị vẫn giữ được mái tóc đen huyền, làn da trắng trẻo, nụ cười có duyên. Vì vậy tuy đã lớn tuổi, chị vẫn được nhiều người đàn ông để ý. Có người xin cầu hôn, nhưng chị đều nhẹ nhàng từ chối. Chị nói: “Già rồi sống một mình cho khỏe…”. Có nhiều người hoài nghi về ý định ở độc thân của chị, bởi trên khuôn mặt phúc hậu của chị, thường trỗi dậy một nỗi niềm mong nhớ, khát khao một điều gì… Chị vẫn sống trong căn hộ tập thể với hai đứa cháu họ từ quê vào đi học. Ngày ngày, chị vẫn lo toan công việc của cơ quan một cách chu đáo, làm việc gì cũng ngăn nắp, gọn gàng. 5 năm liền chị được bầu là chiến sĩ thi đua.
Tháng 10–1997, một bài phóng sự về chống lũ ở Đồng Tháp Mười được phát trên đài truyền hình TP Hồ Chí Minh. Đoạn phóng sự có nhiều cảnh quay về trung tâm giống cây trồng, trong đó có hình ảnh của chị Tuyết Hoa hiện lên nhiều lần. Khi xem truyền hình, anh Hà phát hiện ra chị. Anh về ngay vùng Đồng Tháp để tìm. Nhưng lại rủi cho anh, tìm được đến nơi thì cơ quan cho biết chị Tuyết Hoa đã chuyển ra công tác ở một vùng kinh tế mới trên Tây Nguyên, nghe nói là Buôn Ma Thuột. Hà tiếp tục lên Tây Nguyên tìm kiếm và đến đầu tháng 12-1997, anh tìm đến được nơi làm việc mới của chị.
Gặp nhau, ban đầu chị Tuyết Hoa chưa nhận ra anh ngay. Mãi đến khi anh Hà tự xưng mình là “lính đặc công”, “thiếu úy Lê Văn Hà”, chị Tuyết Hoa mới nhận ra người yêu của mình 25 năm về trước. Tay nắm tay, họ mừng đến trào nước mắt. Nhớ lại ngày xa nhau, anh chị mới mười tám, đôi mươi, thế mà giờ đây họ đã giữa tuổi tứ tuần, mái tóc anh Hà đã điểm sương, còn khuôn mặt chị Tuyết Hoa tuy vẫn đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn của tháng năm dằng dặc đợi chờ. Tình yêu trở lại với họ càng thêm đằm thắm. Đám cưới của anh chị được tổ chức long trọng tại câu lạc bộ hưu trí của quận. Bạn bè của anh chị hầu hết là các CCB đã qua một thời oanh liệt. Họ chúc cho anh chị nửa thế kỷ còn lại sống thật hạnh phúc để bù lại những tháng ngày xa cách tưởng chừng như không bao giờ gặp lại.
TRẦN ĐẠI NGOẠN