Chuyến đi mang tính lịch sử này đối với gia đình Hoạt lại chỉ có Hoạt, Dậu (vợ anh) và thằng Linh, đứa con thứ hai thôi. Còn thằng lớn đang bận ôn thi. Thật tiếc cho nó quá. Hoạt muốn đưa các con vào miền đất có những bà mẹ, người chị đã đùm bọc anh để nó hiểu, để có cuộc sống hôm nay đã có bao nhiêu người ngã xuống và hiện vẫn còn tiếp tục hy sinh, cam chịu bởi cuộc sống của họ còn cực nhọc lắm.

Dậu có phần say xe, có phần buồn bởi trước mắt chị chỉ là những trảng cát trắng phau, cây cối khô cằn với nhiều túp nhà thấp lè tè lợp bằng những tấm tôn rỉ, thủng lỗ chỗ, dưới nắng hè chói chang, nóng bỏng. Vậy mà có kẻ đang tâm tham nhũng hàng triệu đô-la đổ vào các cuộc đỏ đen. Mà có phải tiền của mình đâu cơ chứ. Tiền Nhà nước phải đi vay về cho chúng nó ăn chơi để rồi con mình, cháu mình phải còng lưng trả nợ. Tự nhiên hai giọt nước mắt Dậu ứa ra. Dậu cảm thấy cực quá. Chị thương thân phận những người một thời là cơ sở hoạt động của chồng chị, thương chính bản thân mình, thương những lính và vợ lính...

Còn thằng Linh, đây là chuyến đi xa đầu tiên của nó. Cậu luôn miệng hỏi bố như muốn xua tan nỗi phiền muộn nặng nề của mẹ.

  • Sao dân ở vùng này còn nghèo thế hả bố? Ngày trước bố ở đây dân cũng nghèo như thế này à?

  • Còn nghèo hơn nữa kia. Lại còn phải chịu đựng chiến tranh tàn khốc. Địch càn quét bắt dân bỏ làng cũ, gom vào làng mới, lập ấp chiến lược.

  • Ấp chiến lược như thế nào hả bố?

  • Nếu ví nhân dân ta như nước, bộ đội ta như cá thì địch tách nước khỏi cá, bắt dân bỏ làng cũ vào làng mới. Làng mới thực chất là ấp chiến lược, xung quanh tầng tầng lớp lớp dây thép gai bao bọc. Chỉ có một cửa ra vào, có lính bảo an dân vệ canh suốt ngày đêm. Tối nào chúng cũng gọi từng nhà ra điểm danh. Vậy mà các mẹ, các chị, các o vẫn lọt được ra ngoài. Đêm đêm họ trở về làng cũ làm cơ sở tiếp tế lương thực cho bộ đội. Hầm hào của bộ đội được đào ngay dưới rặng tre, bụi dứa dại. Đào xong lại bỏ. Bỏ rồi lại ở, đấy là mẹo của dân. Địch lùng sục thấy toàn hầm trống, bỏ hoang đã lâu nên ít để ý đến. Nếu không có dân che chở đùm bọc, bộ đội đặc công làm sao đánh sâu vào hậu cứ của giặc được.

Thằng Linh cắt ngang lời bố:

  • Địch rào giậu, canh gác kỹ như vậy làm sao dân vẫn ra được hả bố?

  • Bố đã nói dân như nước. Nước có mạch ngầm. Nước cũng có thể tràn bờ. Dân biết cách dân đi con ạ.

Dậu hỏi:

  • Liệu anh còn nhớ mộ bác Mão không?

  • Anh lo nhất là không tìm thấy mộ bác Mão. Chính anh cõng bác ra ngoài. Chính tay anh chôn bác. Nhưng lúc ấy là ban đêm. Còn bây giờ, hơn ba mươi năm, vật đổi sao dời...

  • Thế thì chúng ta không hoàn thành tâm niệm của bác ấy rồi. - Dậu nấc lên, thổn thức. - Anh Mão ơi, chúng em đến với anh đây. Cả con trai em nữa. Anh có khôn thiêng phù hộ cho chúng em tìm thấy mộ anh.

Chiếc xe U oát của huyện đội chở gia đình Hoạt đã chạy qua những trảng cát trắng từ lúc nào. Bây giờ trước mặt họ là những quả đồi trọc khô cằn, những vạt sắn cằn cỗi trên đất đá sỏi đỏ dọi và những bụi tre gai. Họ đã đến địa phận xã Phong An và Phong Điền. Vậy là họ mới đi xa Huế được 28 ki-lô-mét về phía tây bắc. Đây chính là địa bàn Hoạt đã nằm vùng. Thế mà dạo đó các anh nhìn vào Huế cứ xa thăm thẳm. Lần đầu tiên chị Mai và o Xuân đưa cơm cho các anh ăn. Cơm trộn sắn khô ăn với tép kho ớt xanh. Tép thì ớt xanh thì nhiều. Hoạt ăn cay đến mức hết nấc lại hắt hơi. Ăn xong phồng mồm mất mấy ngày. Anh Mão ăn ngon lành. Quê anh ở miền biển Nghệ An, ăn ớt đã quen. Anh là lính cựu đã qua nhiều trận đánh. Đối với Hoạt, anh Mão vừa là người anh, người đồng chí, đồng đội, người thầy đáng kính. Anh chỉ bảo cho Hoạt từng chân tơ kẽ tóc. Đánh đặc công là không được phép sơ sẩy. Sơ sẩy đồng nghĩa với hy sinh, với thất bại. Bây giờ chẳng hiểu chị Mai, o Xuân sống thế nào. Còn chú Theo nữa. Người Quảng Trị, Thừa Thiên hầu hết là đen sắt. Nhưng chú Theo lại trắng như ngó sen. Có chú dẫn đường thấp thoáng phía trước chẳng lo đi lạc, chẳng lo giẫm phải mìn. Có nhiều lần chú phải bôi bùn vào người ngụy trang bớt. Chẳng cứ gì chú Theo phải ngụy trang. Cả bọn Hoạt đều phải ngụy trang. Đánh đặc công là vậy. Trên người chỉ độc có chiếc quần sịp. Anh Mão thường dẫn Hoạt chui vào qua các khe nước. Anh bảo cắt rào dễ lộ. Luồn rào ở khe nước mới an toàn. Hầu hết mìn dễ bị thối. Hai anh em ngâm mình dưới nước cả đêm. Đỉa. Bao nhiêu là đỉa đói. Thấy động, đàn đàn lũ lũ đua nhau bu đến. Hoạt sợ quá sờ khắp người chỗ nào cũng nhơn nhớt những đỉa. Vuỗi được con này con kia lại bám vào. Anh Mão bảo, kệ nó. Nó chỉ có bấy nhiêu con thôi. Nó cắn no thì đêm mai, đêm kia chả còn mấy con cắn mình nữa. Anh nói vậy cho vui, cho em quên đi nỗi sợ. Hai anh em trinh sát xong là đánh mà. May mà các anh mặc quần sịp lịt chặt lấy chỗ kín, chứ không thì...

Giờ này vong linh anh ở đâu? Vợ chồng con cái em đến thăm anh đây. Em nào dám quên anh. Không có anh dìu dắt, em làm sao trưởng thành anh hùng, em đâu được như ngày hôm nay. Đáng lẽ em phải đến thăm anh sớm hơn mới phải. Nhưng do hoàn cảnh. Phải hoàn cảnh! Chứ trong lòng em, lúc nào cũng có anh. Anh là chỗ dựa cho em vượt qua biết bao khó khăn, thử thách của cuộc sống thường ngày.

Hai anh em vượt qua mười hàng rào dây thép gai và hàng rào bùng nhùng. Trước khi lên bờ, anh nhắc em rửa chân cho thật sạch. Anh em mình phải chèo qua hàng rào B40 cao hơn hai mét đấy. Chứ để vết bùn dính vào dây thép, lính đi tuần dễ phát hiện.

Cái kho ấy lớn quá, dài hai ki-lô-mét, rộng một ki-lô-mét, có tất cả ba khu: A, B, C. Khu B nhiều “hàng” nhất. Chúng nhập “hàng” cả ban ngày. Toàn là đạn pháo. Đạn 105 đến 175. Từ đây chúng chuyển ra Thành cổ và các nơi khác. Anh Mão bảo: “Đánh khu B”. Lát sau lại nghe anh kêu: “Anh bị rồi, Hoạt ơi!”.

Hoạt chạy lại, anh Mão đã mất một cánh tay. Máu cứ túa ra. Hoạt, cơiû quần sịp xé ra để ga-rô. Nhưng lại không hiểu ga-rô vào đâu. Anh Mão bảo: “Anh... Anh... phải chia tay với em rồi, cứ để anh ở đây. Em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cả phần anh nữa”.

Hoạt nghĩ không thể để anh Mão ở lại đây. Anh vác anh Mão lên vai, ì ạch leo qua hàng rào B40 cao hơn hai mét. Anh cứ nghĩ sao lúc ấy mình hăng thế. Một tay giữ thi thể anh Mão, một tay bám hàng rào. Sau đó Hoạt quay vào đặt mìn.

Leo qua hàng rào cúi xuống chuẩn bị vác anh Mão lên vai, Hoạt mới sực nhớ còn sót cánh tay anh Mão. Dù thế nào cũng không được để một phần thi thể của anh Mão ở lại. Hoạt vội vã quay vào, thận trọng và nhanh nhẹn. Mìn hẹn giờ đã đặt rồi. Không thể chậm trễ. Thật may, Hoạt nghĩ chẳng biết có phải vong hồn anh Mão linh thiêng không mà chỉ một lát sau Hoạt đã tìm thấy phần cốt nhục của anh.

Mìn nổ. Kho đạn bốc cháy dữ dội. Tiếng nổ từ khu B lan cả sang khu A và khu C. Còi báo động inh ỏi. Tiếng địch la thét. Tiếng súng nhằm ra hàng rào nổ tứ phía. Nhưng đạn chỉ lướt lướt qua ngòi nước.

Hoạt đưa được anh Mão ra ngoài an toàn...

Thằng Linh qua đỗi ngạc nhiên. Nó không thể tưởng tượng nổi đời sống của những má, những o, những chú một thời cưu mang bố Hoạt đã về làng cũ. Nhưng xóm làng còn xơ xác. Vẫn những túp nhà lợp tôn cũ lá tranh. Bữa ăn vẫn là những củ khoai, củ sán nhiều hơn cơm.

Hoạt chỉ một khóm khoai môn, bảo con:

  • Trong kháng chiến, cây khoai này là một thứ lương thực chủ công đấy con ạ!

  • Ăn có ngon không bố?

  • Ăn bở. Ngưa ngứa. Có lần bố ăn phải một củ ngứa đến móc họng.

Bác Mai, o Xuân tóc đã điểm bạc. Chú Theo trắng trẻo thư sinh. Trong ký ức của Linh theo lời bố kể, chú rất đẹp trai, trắng như ngó. Giờ đây ngồi trước mặt nó là một ông già khác khổ, gầy khô, da sạm đen, hút thuốc lá rê. Còn bà nữa. Bà bé tẹo như đưa trẻ. Mắt đã mờ, bà chỉ nghe tiếng nói chứ chả nhận ra ai. Đó là những người một thời nhịn ăn nuôi bộ đội, dẫn đường cho bộ đội đánh giặc.

Dậu ngồi sát vào bà mẹ. Chị nâng nâng bàn tay chỉ còn da bọc xương, lạnh ngắt của mẹ, hai hàng nước mắt cứ chảy ra. Chính những người như mẹ, như chú Theo, bác Mai, o Xuân đã hy sinh cả đời cho cuộc sống hôm nay.

Bà mẹ bảo:

  • Tụi bay về muộn quá! Mấy bữa tau đau bệnh không ra coi mộ thằng Mão được. Người ta quy tập đưa nó về nghĩa trang mô nỏ biết. Rứa là thằng Mão từ liệt sĩ có danh thành liệt sĩ vô danh hỉ?

Truyện ngắn của Dương Duy Ngữ