Người dân giăng biểu ngữ đòi Chủ đầu tư trả sổ tại khu nhà ở phục vụ Khu KCN Đồng Văn II

Luật sư Hoàng Huy Được - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Phạm Văn Ảnh (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ATA trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT tỉnh Hà Nam, mà Báo CCB Việt Nam đã phản ánh), mới đây có đơn phản bác lại việc Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam xác định tư cách tham gia tố tụng của nhóm cổ đông sở hữu 98,03% cổ phần tại Công ty CP Phát triển Hà Nam, tới ông Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Nam và ông Vụ trưởng Vụ thực hành quyền Công tố và Kiểm sát điều tra án An ninh của Viện KSND tối cao. Vì sao lại có chuyện như vậy?

Thời hạn điều tra sắp hết...

Theo Bản kiến nghị của luật sư Được, trong các ngày 25-1và 12-2-2019, Văn phòng luật sư Hoàng Minh do luật sư Được làm Trưởng văn phòng có các bản kiến nghị gửi Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam kiến nghị về việc sớm khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hợi (nguyên Trưởng Phòng ĐKKD tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” trong việc cấp Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 4, lần 5 cho Công ty CP Phát triển Hà Nam (Cty Hà Nam).

Tại bản kiến nghị lần trước, luật sư Được cho rằng việc ông Nguyễn Văn Hợi cấp Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 4, 5 cho Cty Hà Nam đã tạo điều kiện (cần và đủ) cho ông Trần Anh Tuấn, là người đại diện cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam mua lại cổ phần của nhóm cổ đông sáng lập Cty Hà Nam sau đó chuyển nhượng (tẩu tán) tài sản, trực tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhóm cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% cổ phần tại Cty Hà Nam, mà ông Phạm Văn Ảnh là đại diện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thời hạn điều tra vụ án sắp hết nhưng cuộc điều tra vẫn “dẫm chân tại chỗ” và luật sư Được cũng như ông Ảnh vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía CQĐT là một điều hết sức đáng tiếc.

Đáng chú ý, trong vụ án mà nhiều lần luật sư Được cũng như ông Ảnh có đề nghị xác định lại tư cách của người tham gia tố tụng trong vụ án, vì Cơ quan ANĐT cho rằng ông Phạm Văn Ảnh chỉ là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, nhưng vẫn bị bỏ ngoài tai. Theo phân tích của luật sư Được bản chất sự việc cũng như diễn biến của vụ án, các căn cứ của pháp luật TTHS thì ông Ảnh - đại diện cho nhóm cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% cổ phần Cty Hà Nam chính là “bị hại” trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra vào năm 2007 tại Sở KHĐT tỉnh Hà Nam mà Cơ quan ANĐT đã khởi tố cách đây gần 1 năm. Cũng cần nói thêm, việc khởi tố vụ án xuất phát từ đơn của ông Ảnh tố cáo nên Cơ quan Công an mới vào cuộc xác minh, rồi sau đó ra quyết định khởi tố...

Lách luật để “chìm xuồng vụ án”?

Một trong những nguyên tắc của vụ án thì phải có nguyên đơn, bị đơn, người bị hại...; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... Theo Khoản 1, Điều 62 Bộ luật TTHS năm 2015 thì người bị hại trong vụ án được xác định như sau: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Do đó, việc Cơ quan ANĐT xác định ông Phạm Văn Ảnh là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án thì dễ đẩy đến tình huống: Trong vụ án không có bị hại có nguy cơ sẽ “tạm đình chỉ điều tra” vụ án hình sự xảy ra tại Sở KHĐT Hà Nam mà Cơ quan ANĐT đã ra quyết định khởi tố trước đó?

Do đó, để ngăn chặn những hậu quả, luật sư Được mới đây tiếp tục có bản kiến nghị gửi ông Lê Đức Xuân - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án An ninh của Viện KSND tối cao và ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Tỉnh uỷ viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam quan tâm xem xét, có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi của ông Nguyễn Văn Hợi trong việc cấp Giấy chứng nhận ĐKKD lần 4, 5 cho Cty Hà Nam. Bởi theo phân tích, từ hành vi của ông Hợi đã “hợp thức hoá” cho ông Trần Anh Tuấn được trở thành cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Như Hùng trở thành Giám đốc Cty Hà Nam, để hai ông này chuyển nhượng và chiếm đoạt tài sản vô cùng lớn của các cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% tại Cty Hà Nam (do ông Phạm Văn Ảnh đại diện).

Đáng chú ý, đối với hành vi của ông Trần Anh Tuấn, luật sư Được cho rằng đã có đủ dấu hiệu phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 140 BLHS năm 1999 (nay là Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bởi lẽ, ông Trần Anh Tuấn còn là người soạn thảo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP, ngày 21-4-2007, với nội dung cam kết “Về việc Bên B (do ông Trần Anh Tuấn đại diện) tiếp quản và thực hiện hợp đồng mà ông Phạm Văn Ảnh đã ký vào năm 2005, 2006 và đầu năm 2007”, làm cho ông Ảnh yên tâm tư tưởng để ký hợp đồng, tin tưởng và tự nguyện giao tài sản cho ông Trần Anh Tuấn.

Thêm nữa, luật sư còn phân tích, chỉ ra là: “Khi mới dừng ở việc tiếp quản hồ sơ dự án, tiếp quản để tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà ông Phạm Văn Ảnh đã ký với các nhà đầu tư, nhưng ông Trần Anh Tuấn đã chiếm hữu và định đoạt toàn bộ 98,03% cổ phần của các cổ đông sáng lập Cty Hà Nam, trong đó cũng đã chiếm đoạt và gây thiệt hại về tài sản của Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam mà chủ sở hữu là Công ty CP tập đoàn ATA, đang là Bên A của Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01, đang có quyền sở hữu hợp pháp 98,03% cổ phần đối với toàn bộ tài sản tại Cty Hà Nam mà ông Phạm Văn Ảnh là người đại diện...”.

Do đó luật sư Được cho rằng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam xác định nhóm cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% tại Cty Hà Nam chỉ là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là không phù hợp với pháp luật, không đúng với thực tế khách quan của vụ án. Quá trình làm việc, luật sư Được còn được các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của Công ty CP Tập đoàn ATA tính toán, cho thấy số tiền mà ông Trần Anh Tuấn đã thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho các cổ đông sáng lập (bên chuyển nhượng cổ phần) lên tới hơn 4.000 tỷ đồng (?).

Không những vậy, các dấu hiệu tẩu tán tài sản bằng việc ký kết nhiều Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn II diễn ra năm 2017-2018, khi mà Cơ quan tố tụng tỉnh Hà Nam đang xem xét vụ án. Theo tìm hiểu, phần đa các Hợp đồng chuyển nhượng đất do bà Hoàng Thị Duyên - Phó giám đốc Cty Hà Nam được ủy quyền ký với người mua đất. Sau khi ký hợp đồng, có nguồn tin cho rằng bà Duyên đã xin nghỉ làm tại Cty Hà Nam và các hợp đồng chuyển nhượng đất hiện vẫn chưa thể làm được sổ đỏ... Ngày 30-6-2019, rất nhiều người mua đất đã biểu tình đòi chủ đầu tư trả sổ đỏ, họ còn giăng các biểu ngữ với tựa đề "Tập đoàn TNR holdings lừa đảo chiếm đoạt tiền của dân. Yêu cầu chủ đầu tư trả tiền cho dân. Đề nghị các cấp chính quyền cứu dân"...

Chính Nhi