(Báo tháng 7) -Phổi chúng ta được bao bọc bởi màng mỏng gọi là màng phổi. Màng phổi có hai lá: Lá thành (lót bên trong thành ngực) và lá tạng (bao bọc chính lá phổi). Bình thường giữa hai lá này chỉ có một lớp dịch mỏng (khoảng 20ml) đủ giúp cho hai lá màng phổi dễ dàng trượt lên nhau khi ta hít thở.

Nếu lượng dịch trong khoang màng phổi nhiều thì chức năng hô hấp sẽ bị cản trở. Tình trạng này gọi là tràn dịch màng phổi, dân gian thường gọi là “phổi có nước”.

Triệu chứng thường gặp

Một số triệu chứng tràn dịch màng phổi điển hình mà người bệnh cần chú ý như:

- Đau ngực: Đau ngực là triệu chứng ban đầu của tràn dịch màng phổi. Đau âm ỉ phía bên tràn dịch, nếu nằm nghiêng phía bên đối diện thì cơn đau sẽ tăng lên.

- Khó thở: Triệu chứng tràn dịch màng phổi điển hình là hiện tượng khó thở. Mức độ khó thở tùy thuộc vào số lượng cũng như tốc độ dịch tiết ra.

- Sốt: Khi tràn dịch màng phổi, người bệnh có thể sốt. Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể khi có dấu hiệu nhiễm trùng do tràn dịch màng phổi.

Tuy nhiên trong trường hợp tràn dịch màng phổi xảy ra ở người có tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo thì sẽ không có triệu chứng sốt.

- Ho khan: Một trong những triệu chứng tràn dịch màng phổi thường gặp là ho khan. Tuy nhiên tần suất ho khan còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh (tràn dịch màng phổi do bệnh lao sẽ ho nhiều hơn các bệnh như: áp xe gan, áp xe cơ hoành...).

Chụp X-quang phổi là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng rẻ tiền và hữu dụng nhất hiện nay trong việc chẩn đoán bệnh phổi có nước. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng kim và ống chích chọc dò khoang màng phổi và lấy nước trong khoang màng phổi mang đi xét nghiệm tìm vi trùng, tế bào ác tính và xét nghiệm sinh hóa… để tìm nguyên nhân và bản chất của dịch khoang màng phổi. Việc tràn dịch có thể chỉ có một bên phổi, nhưng cũng có thể tràn dịch cả hai bên. một số trường hợp dịch có thể là mủ màu trắng sữa hay vàng đục tùy theo loại vi trùng gây ra tràn dịch màng phổi.

Phòng tránh bệnh tràn dịch màng phổi

- Để tránh mắc các bệnh về phổi, áp-xe gan do vi khuẩn hoặc do ký sinh trùng thì cần xây dựng môi trường sống xanh sạch. Vì vậy, vệ sinh môi trường sống thường xuyên, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nên ăn chín, uống chín, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống).

- Không hút thuốc lá để phòng các bệnh về đường hô hấp.

- Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Vệ sinh họng, miệng, răng thật sạch hàng ngày bằng hình thức đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

Thành An