Bên cạnh việc dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh, dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc liệu pháp Đông y: Gối thuốc hỗ trợ điều trị cao huyết áp để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

Bài 1: Gối cúc đan khung chỉ: Hoa cúc 1.000g, đan bì 200g, xuyên khung 400g, bạch chỉ 200g. Nghiền vụn 4 vị thuốc trên nhồi vào ruột gối. Tác dụng thanh can minh mục, an thần ích trí, tốt cho người bệnh cao huyết áp, suy nhược thần kinh, đau nhức tai trong.

Bài 2: Gối hạ khô thảo lá sen: Hạ khô thảo 100g, lá sen 500g. Phơi khô 2 vị thuốc trên rồi nhồi vào ruột gối. Tác dụng thanh tả can hỏa, bình can giáng áp, tốt cho người bệnh cao huyết áp.

Bài 3: Gối quyết minh tử: Quyết minh tử 3.000g. Rửa sạch quyết minh tử rồi phơi hay sấy khô, nhồi vào ruột gối. Tác dụng bình can giáng hỏa, minh mục giáng áp, tốt cho bệnh nhân cao huyết áp.

Bài 4: Gối cúc hòe, khung chỉ, tâm sa: Hoa cúc 500g, hoa hòe 500g, xuyên khung 200g, bạch chỉ 300g, tâm sa 500g. Xuyên khung, bạch chỉ nghiền thành bột, trộn chung với 3 vị kia nhồi vào ruột gối. Tác dụng tỉnh não giáng áp, tốt cho người bệnh cao huyết áp.

Bài 5: Gối vỏ đậu xanh, hoa cúc khô: Vỏ đậu xanh khô, hoa cúc khô lượng vừa đủ nhồi vào túi vải để gối đầu. Tác dụng hạ huyết áp nên những người cao huyết áp dùng rất tốt.

Bài 6: Gối vỏ đậu xanh: Vỏ đậu xanh sống 2.000g. Rửa sạch phơi hoặc sấy khô nhồi vào ruột gối. Tác dụng thanh lương, giảm áp, tốt cho bệnh nhân tăng cao huyết áp.

Thời gian sử dụng gối thuốc không nên ít hơn

6 giờ/1 tuần. Mỗi sáng dậy nên bọc gối thuốc vào túi nilon để mùi thuốc đỡ bay mất. Nếu sử dụng tốt thì gối thuốc có thể giữ được 1-2 năm. Sau 2-3 tuần sử dụng thì nên bỏ ra phơi chỗ thoáng không nắng. Đến khi ruột gối hết mùi thơm thì nên thay ruột gối. Thường thì gối thuốc không có tác dụng phụ, không gây độc, tuy nhiên, nếu thấy có triệu chứng dị ứng thì nên ngừng sử dụng. Nói chung, gối thuốc có hiệu quả điều trị từ từ nên cần sử dụng lâu dài.

Thùy Linh