Trong những năm gần đây, mặc dù đã có các quy định xử phạt đối với những trường hợp vứt, xả rác không đúng nơi quy định; các phương tiện truyền thông cũng phản ánh rất nhiều lần, thế nhưng tình trạng người dân vi phạm vẫn diễn ra tràn lan, khiến cho rác thải sinh hoạt xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ. Tại hầu hết các đô thị ở nước ta, bãi rác tự phát xuất hiện nhan nhản, khiến cho nó không chỉ tạo hình ảnh rất nhếch nhác, mất mỹ quan mà vấn đề ô nhiễm xuất phát từ các bãi rác thải tự phát này cũng khiến môi trường sống của người dân thêm phần ngột ngạt…
Để trị “căn bệnh” vứt, xả rác bừa bãi, theo tôi chính quyền các địa bàn, cơ quan chức năng cần phải làm thật tốt, làm thường xuyên; đồng thời áp dụng thật nghiêm quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, chứ không thể lơ là, nhẹ tay như bấy lâu nay được. Đúng là quy định xử phạt tiền đối với các trường hợp vi phạm vứt, xả rác không đúng nơi quy định đã có từ lâu, thế nhưng dường như quy định ấy được ghi trên các tẩm bảng, biển “cấm đổ rác” chỉ là để… cho vui, chứ thực tế thì có mấy ai đã từng bị phạt đâu (rất hiếm), vì vậy mà bộ phận những người dân thiếu ý thức đâu có sợ(?!). Để tạo “sức nặng” răn đe, “bắt” mọi người dân đều phải sống có ý thức, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, thì không có cách nào khác là phải “đánh vào túi tiền” bằng hình thức phạt nặng để họ sợ mà không dám vi phạm.
Như chúng ta biết, tại đất nước Singapore, người xả rác bừa bãi, nếu lần đầu vi phạm sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đô la Singapore (hơn 16 triệu đồng), tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000-5.000 đô la Singapore và phải lao động công ích... Chính vì thế, đất nước của họ cực kỳ sạch sẽ, hầu như hiếm thấy rác rưởi vương vãi trên đường phố, bởi ai cũng phải tuân thủ quy định, sống có ý thức để không… bị phạt!
Để có bằng chứng xử phạt những người vi phạm vứt, xả rác không đúng nơi quy định thực ra rất khó, nhưng nếu quyết tâm và có biện pháp hữu hiệu thì cũng không phải là vấn đề bất khả thi. Theo tôi, chính quyền các địa bàn, các đô thị, ngoài việc cắt cử người canh chừng giám sát, thì tại các “điểm đen” rác thải tự phát cũng cần có lắp đặt camera giám sát để lấy bằng chứng phạt nguội đối với người vi phạm, trị dứt điểm “căn bệnh” vứt xả rác bừa bãi, cải thiện môi trường sống của người dân luôn xanh - sạch - đẹp!
Nguyễn Thị Hải